Thương lắm bản Khoéc

19-07-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây tôi đã có dịp tham gia chương trình “Mùa hè xanh 2015” tại bản Khoéc (xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang)...

Mới đây tôi đã có dịp tham gia chương trình “Mùa hè xanh 2015” tại bản Khoéc (xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) do một đoàn trường đại học tại Hà Nội tổ chức. Khi đặt chân đến Thượng Sơn cũng như Bản Khoéc mới thấy hết nỗi vất vả, gian khổ mà đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang phải đối mặt...

Lắm nỗi gian nan

Xuất phát từ Hà Nội từ lúc mờ sáng, phải mất nửa ngày đi xe ôtô chúng tôi mới  đến được xã Thượng Sơn. Đường từ trung tâm huyện Vị Xuyên về Thượng Sơn rất hiểm trở, dù cơ bản đã được đổ nhựa. Những khúc cua tay áo với một bên vực sâu, một bên núi đá khiến cho những sinh viên tình nguyện dù tuổi đời mười tám, đôi mươi cũng phải sợ “xanh mặt”. Có đoạn do mưa lũ, đường sạt lở rất khó khăn cho việc đi lại, nhiều lúc chiếc xe chở chúng tôi “bò” mãi mới vượt qua được. Nhưng ở một góc độ khác, Thượng Sơn cũng hiện lên thơ mộng với những ngôi nhà sàn nằm rải rác trên đỉnh đồi cao, những ruộng bậc thang đang xanh lên một mùa lúa mới...

Thương lắm khuôn mặt và ước mơ của các em nhỏ ở bản Khoéc.

Đón tiếp chúng tôi tại trụ sở hành chính xã Thượng Sơn là đồng chí Lý Tiến Công - Bí thư Đảng ủy xã. Khuôn mặt anh tỏ vẻ cảm phục 31 gương mặt là những sinh viên tình nguyện vốn đã quen với cuộc sống đủ đầy ở phố thị, không quản ngại gian khổ, vất vả, hiểm nguy để tham gia công tác tình nguyện ở địa phương, cụ thể là bản Khoéc. Theo đồng chí Lý Tiến Công, đây là lần đầu tiên địa phương được đón những sinh viên ở Hà Nội đến xã Thượng Sơn tham gia công tác tình nguyện. Thượng Sơn vốn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Vị Xuyên, việc phát triển kinh tế của xã còn gặp không ít khó khăn vì thiếu những khoản tài trợ.

Thượng Sơn cũng là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang, chia thành 12 thôn bản. Bản Khoéc là một vùng đất có thể nói là còn nhiều “vốn tự nhiên” kết hợp với địa hình vô cùng hiểm trở. Từ trung tâm xã Thượng Sơn vào bản Khoéc phải đi khoảng 7km đường rừng, có đoạn sỏi đá, đoạn lại sình lầy đất đỏ trơn trượt. Nếu không phải là một “tay lái lụa” và thuộc đường trong lòng bàn tay, dễ khiến ai đó đến với bản Khoéc sẽ đâm vào vách núi, hoặc lao xuống phía vực bên đường. 7km đường, các thanh niên trong bản Khoéc chở chúng tôi bằng xe máy nhưng tốn khoảng thời gian gần 1 giờ đồng hồ, điều đó cho thấy sự vất vả và gian lao của đồng bào dân tộc nơi đây trong việc đi lại giao thương hoặc “cõng chữ” về bản.

Bản Khoéc có 3 dân tộc chính là Dao, Mông với 160 hộ, trong đó có 70 hộ nghèo, 26 hộ cận nghèo. Do đặc điểm khí hậu ở vùng cao, tuy có thừa quỹ đất nhưng chủ yếu người dân ở bản Khoéc phát triển kinh tế nông nghiệp bằng trồng chè, trồng lúa trên các thửa ruộng bậc thang, có gia đình thì trồng thêm thảo quả ở trên núi cao. Tuy chỉ cách trung tâm xã 7km, nhưng chỉ có con đường rừng độc đạo, lại chưa được kiên cố hóa bằng nhựa hoặc bêtông, đường chỉ vừa 1 xe ôtô con đi... nên việc xây dựng nhà cửa ở bản Khoéc chủ yếu bằng cách lấy gỗ từ rừng già, sau đó bà con trong bản giúp nhau dựng lên và lợp lá. Trong việc giao thương, buôn bán; người dân ở bản Khoéc cứ thứ 6 hàng tuần lại ngược đường rừng tham gia chợ phiên ở trung tâm xã, bà con mang các sản vật của mình để bán và trao đổi. Ai có xe máy đi chợ phiên còn đỡ, nhưng không ít người dân phải đi bộ suốt 7km đường rừng để ra đến chợ phiên. Ngay cả lúc ốm đau, do đường sá đi lại khó khăn và không có phương tiện, người dân ở bản Khoéc cũng phải đi bộ 7km để đến với Trạm Y tế đóng tại gần UBND xã Thượng Sơn...

“Mong sao bản mình có điện lưới và đường sá thuận tiện...”.

Mong điện lưới, đường đi thuận tiện

Trong những ngày tham gia công tác tình nguyện như san đường, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo..., tôi đã gặp không ít người dân trong bản Khoéc và đặt ra câu hỏi với họ: “Bao giờ ở bản mình có điện lưới và đường sá thuận tiện để đồng bào bớt khổ?”. Tất cả đều trả lời với tôi bằng tiếng phổ thông còn lơ lớ: “Không biết được đâu, bao giờ có thì có thôi mà!”. Suốt tháng 5 và tháng 6 vừa qua, đợt nắng nóng kéo dài làm cho các ruộng bậc thang của nhiều hộ dân ở bản Khoéc cạn kiệt nước, vì thế họ muốn bơm nước từ suối lên làm đất cấy cày cho kịp mùa vụ nhưng không được, bởi “bơm nước lên đồi cao bằng máy phát điện ở suối không được đâu, điện yếu lắm, chỉ đủ thắp sáng thôi. Điện lưới khỏe thì mới cho nước từ suối lên tận đỉnh đồi được chứ”. May sao, khi đoàn tình nguyện chúng tôi vừa đặt chân đến bản Khoéc thì trời bỗng... đổ mưa to, hai ngày liên tục. Vậy là bà con nơi đây tất bật từ sáng đến tối đi cấy vì đã có nước trải khắp mặt ruộng. Một cụ ông móm mém, dắt theo con trâu đi ngang qua khu vực đoàn tình nguyện chúng tôi đóng quân nói “Cảm ơn, trời đổ mưa rồi, có nước đi cấy rồi, mùa này không lo đói nữa!”.

Có lẽ, vì chưa có điện lưới quốc gia nên người dân ở bản Khoéc cũng “ít” dùng tivi hoặc các đồ dùng sử dụng điện khác, ngoài đèn điện thắp sáng cho sinh hoạt. Tôi đi đến khoảng 20 hộ dân, chỉ thấy gia đình ông Lò Seo Sài sống trên đỉnh núi cao có chiếc tivi hiệu Panasonic 14 inh nhưng chiếc tivi này cũng phủ đầy bụi và được bao bọc bởi các mạng nhện. Hỏi ông Sài mới biết, chiếc tivi ấy không thường xuyên sử dụng vì nguồn điện từ máy đặt dưới suối không đủ để “xem tivi, chỉ đủ cho các bóng chiếu sáng trong nhà thôi à”.

Về đường sá ở bản Khoéc, như đã nói, đường chủ yếu đất đỏ, đá sỏi, có đoạn nước từ suối trên núi chảy vắt ngang đường. Xe ôtô muốn đi vào bản Khoéc để thu mua hàng nông sản của đồng bào cũng đành chịu, vì đường hiểm trở, nhỏ hẹp và rất nguy hiểm. Thế nên mới có chuyện, dù chỉ với 10kg chè, có người ở bản Khoéc phải vác trên vai đi bộ 7km ra ngoài xã Thượng Sơn bán để có tiền. Đối với em Hoàng Thị Mai thì “chúng em học hết lớp 3 ở trong bản, sau đó lên lớp 4 thì em đi bộ cùng các bạn ra ngoài trường chính, có hôm trời mưa quá thì chúng em nghỉ học vì đường khó đi lắm. Anh Lý Văn Sàng - cán bộ Đoàn xã chia sẻ “Giờ mà bản Khoéc có đường bê tông hay đường nhựa thì bà con sẽ đỡ khổ, buôn bán thuận tiện hơn, các em học sinh cũng đỡ phải trèo đèo vượt suối để tới trường. Nhưng chẳng biết bao giờ, bản Khoéc mới có điện và đường tốt mà đi”. Cùng quan điểm, bác Triệu Chòi Vạn - Trưởng bản Khoéc nghẹn ngào, bác nói như muốn khóc: “Chúng tôi mong muốn sớm có điện vào thôn và đường đi lại vào mùa mưa đỡ khổ”.

Cây cầu gỗ bắc ngang suối ở bản Khoéc.

Ước mơ xa

Ở bản Khoéc chủ yếu là dân tộc Dao đỏ, nhiều khi còn nặng về tập tục nên các em học hết cấp 2 là lấy chồng hoặc cưới vợ. Học hết cấp 2 đã là còn khá, nhiều gia đình chỉ cho con đi học để biết chữ, rồi cho con ở nhà làm ruộng, chăn trâu, cắt cỏ và lập gia đình. Thế nên chúng tôi bắt gặp không ít hình ảnh các em thiếu nhi địu em và chăn trâu hàng ngày hoặc chăn dê phụ bố mẹ tại các sườn đồi.

5 ngày tại bản Khoéc, đêm nào chúng tôi cũng tổ chức văn nghệ cho các em thiếu nhi. Dưới ánh đèn điện không thể yếu hơn về độ sáng, mỗi đêm chúng tôi đón tất cả các em nhỏ trong bản Khoéc đến vui văn nghệ. Có em nhỏ được bố mẹ đưa đi từ 3 - 4 giờ chiều, đi bộ vượt qua nhiều km đường rừng, những ngọn đồi cho kịp “vui cùng đoàn sinh viên tình nguyện”. Áo quần các em nhem nhuốc, có em đi chân không, tóc hoe vì nắng gió... Chúng tôi mở các trò chơi, dạy các em hát. Các em vô cùng thích thú và trên môi luôn nở nụ cười trong sáng, hồn nhiên. Trưởng bản Triệu Chòi Vạn nghẹn ngào nói: “Trước đây chưa từng có đoàn nào về với các em nhỏ như thế này, bây giờ đoàn tình nguyện từ Hà Nội về thôn tạo không gian vui chơi cho các cháu nhỏ, chúng nó biết ơn và vui lắm”.

Thế nhưng, khi nghe những ước mơ cất lên từ đôi môi các em nhỏ muốn trở thành bác sĩ, công an, giáo viên... thì chúng tôi thấy có gì đó mặn chát. Chúng tôi thương các em, bởi ước mơ của các em biết đâu chỉ mãi là ước mơ. Em Hoàng Thồng Quáng mong muốn “mai sau trở thành thầy giáo để mang chữ đến cho các em của bản” khiến chúng tôi vừa thương, vừa xót, có bạn trong đoàn tình nguyện ngoảnh mặt lau dòng nước. Chúng tôi hiểu rằng bản Khoéc đường đi lại còn quá khó khăn, điện lưới chưa về, cái nghèo cái khổ, phong tục tập quán nơi các em sinh sống còn chưa được cải thiện... thì mãi là vật cản những em nhỏ nơi đây vươn ra biển trời rộng lớn.

Bài, ảnh: Hoa Quỳnh

 

 


Ý kiến của bạn