Chỉ vì cái lợi trước mắt nên nhiều thương lái người Việt bất chấp mọi hệ lụy để cùng nhau đồng lõa với cánh thương lái Trung Quốc lừa bịp nông dân miền Tây.
Ngậm đắng với… khoai lang
Trước ma lực của đồng tiền lợi nhuận, đặc biệt là chiêu trò móc nối làm giá giữa cánh thương lái Trung Quốc với cánh thương lái Việt để đẩy giá thu mua khoai lang lên cao chót vót, có lúc lên hơn 1 triệu đồng/tạ (mỗi “tạ” ở đây bằng 60kg, theo cách tính của nông dân nhiều tỉnh ĐBSCL) khiến cho phong trào nhà nhà, người người đổ xô bỏ ruộng lên liếp trồng khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và một số địa phương lân cận vài năm trở lại đây rầm rộ hơn bao giờ hết.
Thậm chí nhiều người còn bị “mê hoặc” đứng ra thuê đất để lên liếp trồng khoai, khiến cho diện tích trồng khoai lang ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có lúc lên đến hàng chục ngàn ha.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện có gần 20 điểm thu mua khoai lang dọc theo QL1A thuộc địa bàn xã Thuận An, huyện Bình Minh và huyện Bình Tân hình thành đều “núp” bóng dưới vỏ bọc thương lái Việt Nam. Sau đó, các thương nhân người nước ngoài trực tiếp đưa ra quy cách, giá cả để các thương lái người Việt thu mua và phân loại rồi xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sau khi nông dân đã “dính chàm” đổ xô trồng khoai lang thì cánh thương lái người Việt cùng với thương lái Trung Quốc bắt đầu làm eo (làm khó), khiến cho giá cả và đầu ra của mặt hàng này gặp vô vàn khó khăn. Đặc biệt là giá khoai lang trồi sụt thất thường, rớt giá thê thảm có lúc tuột xuống chỉ còn 180.000-200.000 đồng/tạ (khoai đẹp), nhưng tìm đỏ mắt cũng chẳng ai mua.
Một chủ hợp tác xã chuyên thu mua khoai lang cho biết: “Đa phần giao dịch giữa người dân và thương lái đều chỉ ở dạng thu mua bằng hợp đồng miệng. Chính vì lẽ đó, chuyện bị “bẻ kèo”, làm giá thường xuyên xảy ra”.
Nhiều người trồng khoai khốn khổ vì quá lệ thuộc vào cánh thương lái Trung Quốc (thu hoạch khoai lang xuất khẩu ở Bình Tân, Vĩnh Long).
Lão nông Tư Miên ở huyện Bình Tân than vãn: “Lúc đầu thấy khoai có giá bà con ai nấy cũng mừng ra mặt, đổ xô trồng chẳng nghĩ ngợi gì cả. Nay giá cả, đầu ra tiêu thụ đều lệ thuộc vào thương lái. Họ cần thì mua giá cao, không thì mua giá thấp dẫn đến nhiều nông dân phải lâm nợ vì… khoai”.
Dọc các huyện Tam Bình, Bình Tân và Bình Minh (Vĩnh Long) vùng trồng khoai chìm sâu trong vẻ ảm đạm. Nhiều ruộng khoai lang đã quá lứa nhưng người trồng không thèm thu hoạch, bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Mới mấy năm trước, có nhiều “đại gia” như ông Tám Hồng, ông Kiệt… được cho là do thương gia Trung Quốc thuê đứng ra mướn đất nông dân trồng khoai, còn giờ lại được thay bằng lúa.
Ông Tư Phúc, hộ trồng khoai chuyên nghiệp ở huyện Bình Tân cho biết, trước đây nhiều hộ tranh nhau thuê đất trồng khoai xuất khẩu với giá 35 - 65 triệu đồng/ha/năm. Tính toán chi phí, cộng vốn đầu tư giống khoai, phân thuốc, nhân công… đã lên đến 140 - 170 triệu đồng/ha; trong khi giá bán khoai rớt thảm hại và không đủ tiền thuê người thu hoạch, tính ra đã lỗ đứt vốn.
Vỡ nợ vì thương lái Trung Quốc
Trước đây, bà con vùng chuyên canh khoai Bình Tân mọi người ai nấy cũng đều ngưỡng mộ tài kinh doanh thu mua khoai của thương nhân Phạm Trung T (SN 1985, xã Tân Thạnh, huyện Bình Tân - xin được giấu tên). Thương nhân T làm ăn chủ yếu giao dịch với cánh thương lái người Trung Quốc để đưa khoai lang xuất khẩu. Tuy nhiên, do bị gian thương Trung Quốc quỵt nợ nên T lâm vào cảnh nợ nần chồng chất dẫn đến phả sản, không khả năng thanh toán tiền khoai cho nông dân, đường cùng T quay sang lừa những người thân quen để có tiền trả nợ.
Qua thời gian dài điều tra, Công an TP.Vĩnh Long xác định T đã dùng thủ đoạn gian dối, làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để lừa người khác vay tiền rồi chiếm đoạt. Cụ thể: T vay không thế chấp của chị Võ Thị Cẩm N ở ấp Tân Phú, xã Tân Hòa,TP. Vĩnh Long 500 triệu đồng với mức lãi suất 5%, đóng lãi khoảng 4 lần thì T không đóng nữa và cũng không hoàn trả vốn.
Tương tự, T mượn của chị Phạm Thị Ánh T tổng cộng số tiền gần 1,5 tỷ đồng nhưng không có khả năng thanh toán. Do nợ chồng nợ và không còn đường vay mượn, T đã nghĩ ra cách làm giả sổ đỏ mang thế chấp để được tiếp tục vay tiền.
Còn ở Cà Mau, mặc dù sự việc thương lái Trung Quốc lừa bịp thu mua cua với giá cao rồi ôm tiền tỷ bỏ về nước đã xảy ra cách đây khoảng 2 năm, nhưng mỗi khi nhắc tới chuyện này từ người nuôi, đến thương lái ai nấy cũng đều lắc đầu ngán ngẩm.
Theo người dân địa phương kể lại, người Trung Quốc đến thị trấn Năm Căn mua cua và hoạt động sôi nổi từ cuối năm 2011, đầu năm 2012, lúc có thông tin Cà Mau xây dựng thương hiệu tập thể cho cua biển Năm Căn. Ở thời điểm đó, một số thương lái Trung Quốc đến Cà Mau không trực tiếp đứng ra mua cua biển mà thông qua các đại lý. Các ông chủ đại lý trực tiếp thu gom cua ở Cà Mau và cả những tỉnh lân cận với giá cao. Ban đầu các thương lái trả tiền sòng phẳng cho các đại lý, thậm chí trả tiền trước khi lấy hàng để lấy lòng tin.
Cua biển Cà Mau lúc bấy giờ “sốt” chưa từng thấy, cua được bán đi TP.HCM giá 150.000-200.000 đồng/kg, thương lái Trung Quốc mua 300.000 – 450.000 đồng/kg, giá cao hấp dẫn quá. Khi đã xây dựng được lòng tin, các thương lái này chậm dần khâu trả tiền, rồi gối đầu, khất nợ và chuyển qua các đại lý mới.
Nhiều bà con ở thị trấn Năm Căn bức xúc cho biết, thủ đoạn của những thương lái Trung Quốc là đưa ra giá cao ngất ngưởng để thu hút các vựa cua và người dân ở địa phương bán cua cho họ. Thời gian đầu, họ có thể đưa cả tiền trước khi lấy hàng, đến khi có được sự tin tưởng của người dân và các doanh nghiệp thu gom thủy hải sản trên địa bàn thì họ nói kẹt vốn nên yêu cầu được khất nợ, sau đó thì quỵt luôn.
Chị Võ Thị Loan, ngụ khóm 1, thị trấn Năm Căn bị thương lái Trung Quốc lừa số tiền gần 1 tỷ đồng bức xúc: “Trước đó, A Kiều đến làm quen và yêu cầu được giao dịch làm ăn với cơ sở thu gom cua biển của gia đình. Lúc đầu khi mới hợp tác, người này chào giá mua rất cao, tiền bạc giao dịch A Kiều thanh toán rất sòng phẳng, nhưng dần về sau thì người này viện đủ lý do để khất nợ, rồi biến mất không sủi bọt”.
Đa số các đại lý bị mất tiền (người ít nhất 15 triệu đồng, nhiều nhất 1,6-1,7 tỷ đồng) đều xác nhận không thực hiện hợp đồng bằng giấy mà thỏa thuận bằng miệng với thương lái Trung Quốc, do đó việc đòi lại tiền cua đã xuất bán coi như trắng tay.