1. Tổng quan bệnh thương hàn
Thương hàn là gì?
- Bệnh thương hàn gặp nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu các nước đang phát triển.
Bệnh thương hàn là bệnh nhiễm khuẩn - nhiễm độc toàn thân do Salmonella typhi - paratyphi A,B,C gây ra.
Bệnh cảnh lâm sàng phong phú: Sốt, nhức đầu, thường gây sốt kéo dài nếu chẩn đoán - điều trị muộn, gây nhiều biến chứng.
Bệnh xảy ra quanh năm, cao điểm vào hè thu, có thể gây dịch.
2. Nguyên nhân, yếu tố mắc bệnh thương hàn
Người mắc bệnh thương hàn do:
- Salmonella là một giống thuộc họ Enterobacteriaceae. Dựa vào kháng nguyên O thân vi khuẩn để xếp nhóm Salmonellae và dựa vào kháng nguyên lông H và kháng nguyên vi bề mặt để phân loại type huyết thanh, tổng cộng có hơn 2300 type huyết thanh.
- Salmonellae gây nhiều bệnh như thương hàn, viêm dạ dày - ruột cấp, nhiễm khuẩn máu, viêm khu trú (viêm màng não, viêm phổi, viêm nội tâm mạc, viêm mạch máu, viêm xương - tuỷ, viêm khớp, áp-xe gan, lách, mô mềm).
- S.typhi tương tự các Salmonella khác. Vi khuẩn gram âm, có lông, không bao, không sinh nha bào, trực khuẩn kỵ khí tùy nghi.
- Bệnh thương hàn chỉ gặp ở người. Lây gián tiếp qua thức ăn - uống bị nhiễm từ tay người lành mang khuẩn (hoặc hiếm là nước tiểu) hoặc từ nước sinh hoạt.
- Các loài nhuyễn thể nhiễm từ nguồn nước thải và đồ hộp bị nhiễm do sai sót quy trình đóng hộp và có thể gây các vụ dịch.
- Ruồi cũng đóng vai trò nhất định trong truyền bệnh.
3. Triệu chứng bệnh thương hàn
Bệnh thương hàn có các triệu chứng như:
Thời kỳ ủ bệnh:
Thay đổi theo liều nhiễm, thường 7 - 14 ngày, dao động từ 3 ngày đến 60 ngày. Trong thời kỳ ủ bệnh 10 - 20% có tiêu chảy thoáng qua.
Thời kỳ khởi phát:
- Vi khuẩn giải phóng dần vào máu và bệnh nhân bắt đầu sốt, theo dạng sốt tăng dần trong 2 - 3 ngày. Hầu hết bệnh nhân có sốt và nhức đầu.
- Trong tuần đầu, các dấu hiệu - triệu chứng không đặc hiệu, với đau đầu, mệt mỏi, nhiệt độ tăng dần từng hồi có lúc 39 - 400C.
- Triệu chứng hay gặp là táo bón và ho khan.
- Khám thực thể: Nốt hồng ban đường kính 2 - 4 mm, ấn mất, phát triển ở bụng trên và ngực dưới xuất hiện ngày thứ 7 đến ngày 12, số lượng < 30 nốt. Nốt hồng ban là mao mạch viêm tắc do vi khuẩn, nuôi cấy chất dịch từ nốt hồng ban có thể dương tính. Thời điểm này gặp mạch chậm tương đối (ở vùng bệnh lưu hành dấu hiệu này càng ngày càng hiếm).
Thời kỳ toàn phát:
- Suốt tuần 2 của bệnh, bệnh nhân biểu hiện nhiễm độc rõ nét với biểu hiện thái độ vô cảm mặc dầu sốt vẫn còn cao. Bụng chướng nhẹ, hay gặp lách lớn. Dấu hồng ban vẫn có thể gặp trong thời kỳ này.
- Vào tuần 3, phổ biến là nhiễm độc tăng và sụt cân rõ nét. Sốt liên tục và xuất hiện nói sảng. Chướng bụng, đi ngoài 1 - 3 lần/ngày, phân vàng, lỏng, nát, dấu hiệu óc ách hố chậu phải. Người yếu, mạch nhanh - yếu, và có thể có ran nổ nhỏ hạt hai đáy phổi.
- Tử vong có thể xảy ra ở giai đoạn này do nhiễm độc, viêm cơ tim, xuất huyết tiêu hóa và hoặc thủng ruột. Các biến chứng có thể xảy ra trong giai đoạn này.
Thời kỳ lui bệnh:
- Những bệnh nhân sống đến tuần thứ 4 các dấu hiệu - triệu chứng như sốt, tình trạng ý thức và chướng bụng cải thiện dần dần, nhưng lúc này các biến chứng ruột và các biến chứng khác vẫn có thể xảy ra.
Thời kỳ hồi phục:
- Kéo dài có khi 2 - 3 tháng và hầu hết bệnh tái phát xảy ra ở giai đoạn này. Với trường hợp bệnh được chẩn đoán và điều trị đúng, sốt giảm trong vòng 3 ngày, có khi đến 7 ngày...
Bệnh cũng có nhiều biến chứng, đặc biệt nếu được chẩn đoán và điều trị muộn. Hai biến chứng hay gặp là xuất huyết tiêu hóa và thủng ruột.
4. Cách điều trị bệnh thương hàn
Điều trị thương hàn nhằm:
- Diệt mầm bệnh, tránh trở thành người mang mầm bệnh, giảm tỷ lệ mắc, phòng biến chứng, giảm tỷ lệ tử vong.
- Nên bắt đầu điều trị kháng sinh sớm sau khi cấy máu. Fluoroquinolone và cephalosporin thế hệ 3 là thuốc chọn lựa điều trị thương hàn do hiệu lực cao, tái phát và tồn tại tình trạng người lành mang mầm bệnh thấp trong hoàn cảnh có nhiều dòng vi khuẩn đa kháng kháng sinh.
- Dùng sớm, liều cao dexamethasone giảm được tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân thương hàn nặng.
- Can thiệp phẫu thuật khi thủng ruột.
5. Bệnh thương hàn có lây nhiễm không?
Bệnh thương hàn lây qua đường tiêu hoá.
- Lây trực tiếp: tiếp xúc trực tiếp chất thải, đồ dùng bệnh nhân nhiễm khuẩn; hoặc trực tiếp từ người lành mang mầm bệnh (ít gặp).
- Gián tiếp: chủ yếu từ thực phẩm, nguồn nước nhiễm khuẩn; ruồi cũng đóng vai trò truyền bệnh nhất định. So với việc lây trực tiếp, lây gián tiếp hay gặp hơn.
6. Cách phòng bệnh thương hàn
- Nơi bệnh lưu hành, chiến lược hiệu quả để giảm tỷ lệ mới mắc bằng các biện pháp y tế công cộng để đảm bảo nước sinh hoạt an toàn và xử lý tốt chất thải. Hiệu quả lâu dài và giảm tỷ lệ mới mắc và tử vong do các bệnh đường ruột khác.
- Khi chiến lược y tế công cộng chưa tốt, chủng ngừa cộng đồng đều đặn cũng giảm rõ rệt tỷ lệ mới mắc.
- Ở phương Tây, vaccine chỉ dành cho người đi du lịch vào vùng có bệnh ở nước ngoài, người tiếp xúc gần gũi bệnh nhân (hộ gia đình) có bằng chứng mang khuẩn thương hàn và người tiếp xúc khuẩn thương hàn ở phòng thí nghiệm.