Hà Nội

Thượng đỉnh Nga-Triều đầu tiên: Sự chủ động của Triều Tiên

23-04-2019 15:18 | Quốc tế
google news

SKĐS - Sáng 23/4, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã xác nhận thông tin Nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ thăm chính thức Nga vào cuối tháng 4 này. Tuy nhiên, các nguồn tin báo chí cho biết hai nhà lãnh đạo Nga-Triều có thể gặp nhau vào tối nay (24/4).

Theo KCNA, nhận lời mời của Tổng thống Nga Putin, nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ thăm chính thức Nga vào cuối tháng 4 này.Trong thời gian chuyến thăm ông Kim Jong Unsẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Putin. Hãng tin Nhật bản Kyodo dẫn các nguồn chính thức cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tới Nga bằng tàu hỏa và cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa ông với Tổng thống Putin sẽ diễn ra trên đảo Russky, ngoài khơi thành phố Vladivostok. Trước đó, hôm 18/4 Bộ Ngoại giao Nga cũng đã thông báo thông tin trên và dự kiến địa điểm mà  hai nhà lãnh đạo sẽ hội kiến có thể là tại thành phố Vladivostok, Nga. Còn theo báo chí phương Tây, rất có khả năng Tổng thống Nga Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp và ăn tối cùng nhau vào tối nay (24/4).

Thượng đỉnh Nga -Triều đầu tiênHai nhà lãnh đạo Nga-Triều Tiên có thể sẽ gặp mặt và ăn tối cùng nhau tại Vladivostok vào tối nay (24/4).

Hãng tin Sputnik dẫn một nguồn thạo tin, cho biết nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đến thăm một trong những con tàu của Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Nga trong chuyến thăm tới thành phố Viễn Đông Vladivostok trong khuôn khổ cuộc gặp  thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Đại sứ Nga tại Triều Tiên Alexander Matsegora ngày 22/4 đã đến thành phố Vladivostok, trước thềm chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Các nguồn tin cho biết tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Triều lần này, hai bên sẽ trao đổi hàng loạt các nội dung liên quan đến tình hình an ninh trên bán đảo Triều Tiên cũng như hợp tác chính trị, kinh tế và thương mại giữa hai nước. Hai nhà lãnh đạo có thể sẽ thảo luận về chiến lược hợp tác với Mỹ trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân đang đi vào bế tắc hiện nay. Nhà lãnh đạo Kim Jong Uncũng được cho là sẽ thông báo cho Tổng thống Nga Putin chiến lược mới do ông đưa ra tại kỳ họp quốc hội khóa mới, các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước trong bối cảnh Triều Tiên vẫn bị giới hạn bởi các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, The Independent nhận định chuyến đi này là nỗ lực của Triều Tiên nhằm tìm kiếm sự hợp tác kinh tế với Nga sau khi cuộc gặp Mỹ - Triều lần 2 gần đây không đạt kết quả, và Triều Tiên vẫn phải hứng chịu các lệnh trừng phạt. Hãng tin Anh Reuters cho rằng với chuyến công du Nga này, ông Kim Jong Unđang tìm những sự hỗ trợ từ bên ngoài cho các kế hoạch phát triển kinh tế, trong bối cảnh thượng đỉnh Hà Nội không đạt kết quả dẫn tới việc Washington vẫn chưa nới lỏng hoàn toàn các lệnh trừng phạt với Triều Tiên. Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết đã nhìn thấy ông Kim Chang Son, trợ lý chính của ông Kim Jong Un, tại Vladivostok hôm 21/4, dẫn tới đồn đoán rằng hội nghị thượng đỉnh giữa hai người sẽ được tổ chức tại thành phố này vào khoảng thời gian từ ngày 24 tới 25/4.

Giới phân tích nhận định thượng đỉnh Nga-Triều lần này là một sự “chuyển hướng” rõ nét trong chính sách của Triều Tiên. Hoặc đây cũng có thể là một thông điệp ngầm gửi tới Mỹ rằng “nếu Mỹ không thiện chí, thì Triều Tiên không thiếu người hỗ trợ”. Hãng tin Reuters nhận định sau hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Trump ở Hà Nội, ông Kim Jong Unnhiều khả năng muốn chứng tỏ rằng ông vẫn được các nhà lãnh đạo khác trên thế giới tìm tới và rằng ông có nhiều sự lựa chọn khác.Trước khi tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh Nga – Triều, nhà lãnh đạo Kim Jong Unđã có hàng loạt các cuộc gặp cấp cao với lãnh đạo các nước lớn bao gồm 4 cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 cuộc gặp với Tổng thống Hàn Quốc Mun Moon Jae In và 2 cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dư luận cho rằng, chuyến thăm Nga lần này của ông Kim Jong Uncho thấy, Nga vẫn chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong chính sách đối ngoại của Triều Tiên.

Ở một góc nhìn khác, ABC News cho rằng đây là cách Triều Tiên gây sức ép đến Mỹ sau khi ông Kim Jong Un nói rằng “sẽ cho” Mỹ thời hạn đến cuối năm để đưa ra những đề xuất mới và hợp lý liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris hôm 22/4  tuyên bố khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 3 tùy thuộc vào động thái sắp tới của Bình Nhưỡng. Ông Harris nhấn mạnh "quả bóng hiện đang ở bên sân của Triều Tiên".


N.Minh
Ý kiến của bạn