Hội nghị thượng đỉnh Nga Triều
Cũng như bất cứ một hội nghị thượng đỉnh nào mà Triều Tiên tham gia, mọi công tác chuẩn bị về thời gian, địa điểm, lịch trình đều được giữ bí mật. Thông tin chính thức của Điện Kremlin xác nhận là Tổng thống Nga Vladimir Putin và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong –un sẽ có cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ CHDCND Triều Tiên Kim Jong Un vào cuối tháng 4 theo lời mời của Tổng thống V.Putin. Chuyến thăm sẽ kéo dài 3 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Kim Jong Un tới Nga. Nhiều thông tin cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên giữa Tổng thống Nga V.Putin và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra trước chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Putin, từ ngày 26-27/4 tham dự Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và con đường.
Theo một số nguồn tin của truyền thông Nga, Chủ tịch Kim Jong-Un sẽ tới thành phố Vladivostok trên một chuyến tàu đặc biệt. Thành phố cảng Vladivostok – thuộc vùng Viễn Đông của Nga , nơi rất gần với biên giới Triều Tiên sẽ được lựa chọn là nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga Triều TIên. Một nhóm nhân viên an ninh của Triều Tiên sẽ đến Vladivostok trước bằng máy bay để kiểm tra hoạt động chuẩn bị cho chuyến thăm, một quan chức giấu tên của Chính phủ Nga cho biết.
Hội nghị thượng đỉnh Nga Triều Tiên có thể diễn ra trong một vài ngày tới
Trong quá khứ, Triều Tiên và Nga từng có các cuộc gặp cấp cao nhất, vào năm 2011, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã gặp cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il. Tổng thống Putin cũng từng gặp ông Kim Jong Il ba lần vào các năm 2000, 2001 và 2002 khi thì ở Nga, lúc ở Triều Tiên.
Mặc dù Chủ tịch Triều Tiên đã nhận được lời mời thăm Nga từ tháng 5/2018, nhưng chuyến thăm vẫn chưa được thực hiện. Nhất là trong bối cảnh hiện nay Mỹ gia tăng sức ép trong khi Triều Tiên cũng có những tuyên bố bất ngờ thử nghiệm vũ khí trở lại. Đây chính là thời điểm thích hợp để Triều Tiên quay lại với người láng giềng, một đồng minh lâu năm của Triều Tiên từ thời Chiến tranh Lạnh.
Chiến lược mới của Triều Tiên và sự nắm bắt của Nga
Theo giới phân tích chính trị, sau khi Triều Tiê không đạt được thỏa thuận tại các hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 với Mỹ, nước này dường như đang tìm kiếm một chiến lược mới cho mình, chiến lược xoay trục sang Nga. Đây có thể là “lời giải” cho những bế tắc mà Triều Tiên đang gặp phải, đồng thời là cơ hội để nhận được sự hỗ trợ về kinh tế, chính trị từ một thành viên thường trực của Hội đồng bảo an LHQ là Nga. Nga còn là quốc gia thường xuyên phủ quyết các đề xuất của Mỹ về áp đặt trừng phạt Triều Tiên tại LHQ .
Ngoài ra, tại Hội nghị thượng đỉnh với Nga lần này, Triều Tiên còn muốn gửi một thông điệp tới các nước khác rằng, Triều Tiên là quốc gia có tiềm năng kinh tế và chính trị ở khu vực. Hội nghị lần này cũng giúp củng cố uy tín của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trên trường quốc tế.
Sau khi những dự định với Mỹ “đổ bể” dường như chiến lược của Triều Tiên cũng thay đổi. Họ tìm đến với Nga. Đây cũng là cách mà Bình Nhưỡng đang tạo thêm cho mình những cơ hội để chọn “người đồng hành” ra thế giới.
Ông Andei Lankov – học giả thuộc Đại học Kookmin, Seoul cho biết, thông qua chuyến thăm Nga, ông Kim Jong Un muốn chứng minh cho Mỹ thấy Triều Tiên sẽ không bị cô lập nếu các vấn đề mà nước này đang phải đối mặt không giải quyết được với Tổng thống Trump. Ông Lankov dự đoán, hai bên có thể thảo luận cách thức nhằm giảm nhẹ sự trừng phạt của LHQ đối với Triều Tiên hay những sự hỗ trợ khác về kinh tế.
Trong khi đó, Nga cũng có những toan tính riêng của mình khi “bắt tay” với Triều Tiên. Một mặt Tổng thống Nga muốn đóng vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán hạt nhân, xa hơn nữa là Nga muốn trở lại với vai trò cường quốc ngoại giao toàn cầu ở những điểm nóng trên thế giới.
Các nhà phân tích nhận định, khó có sự đột pháp nào tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga Triều Tiên, nhưng có thể sẽ có một số tuyên bố như cam kết tăng cường lao lưu thương mại, tài trợ kinh tế…. Còn về phần mình, Nga sẽ yêu cầu Bình Nhưỡng ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, theo đuổi các giải pháp ngoại giao, hoặc cao hơn nữa có thể là một sự hợp tác 3 bên giữa Nga, Hàn Quốc và Triều Tiên. Tất cả phải đợi tới sau hội nghị thượng đỉnh Nga Triều Tiên mà dư luận rất mong chờ này…