Hà Nội

Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Kỳ vọng đạt thỏa thuận

25-02-2019 07:01 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên, tạo động lực mới thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.

Tại sao lại là Việt Nam?

Trong thông điệp liên bang hôm 6/2/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo Việt Nam là nơi tổ chức Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Có nhiều lý do để Mỹ và Triều Tiên chọn Việt Nam là địa điểm tổ chức Hội đàm thượng đỉnh lần 2, như: khoảng cách địa lý, các điều kiện an ninh, hậu cần, liên lạc... Nhưng quan trọng hơn cả có lẽ là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa cũng như thái độ chủ động, tích cực của Việt Nam. Hình mẫu một quốc gia phát triển năng động, cởi mở, duy trì quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên cũng như các bên liên quan khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản là thế mạnh của Việt Nam mà hiếm có nước nào khác có được. Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Việt Nam là một địa điểm có ý nghĩa lịch sử, có thể chuyển tải một cách rõ ràng thông điệp về quá khứ và tương lai đối với Triều Tiên. Đối với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Việt Nam là một mô hình đáng tham khảo trên con đường xây dựng đất nước phát triển thịnh vượng và duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa.

Điểm khác biệt giữa Hội đàm thượng đỉnh lần 1 và 2

Trên cơ sở những thông tin được công bố, có thể thấy 2 điểm khác biệt chính giữa Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 và lần 2. Một là, thời gian hội đàm. Nếu như Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 chỉ diễn ra trong 1 ngày (chính xác là 140 phút hội đàm và 50 phút ăn trưa làm việc) thì Hội đàm lần 2 dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 27 và 28 tháng 2. Thời gian dài hơn hứa hẹn số lần hội đàm giữa hai bên (hội đàm hẹp, hội đàm rộng, chiêu đãi chính thức...) nhiều hơn, nội dung trao đổi cũng sẽ bao quát và toàn diện hơn.

Hai là, nội dung thỏa thuận. Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore chủ yếu mang tính biểu tượng và thỏa thuận hai bên đạt được chỉ là sự “tái khẳng định quyết tâm chính trị” giữa lãnh đạo hai nước. Tuy nhiên, thỏa thuận/tuyên bố chung của Hội đàm lần 2 sẽ phải cụ thể và thực chất hơn, đặc biệt là 3 vấn đề mấu chốt: xây dựng cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, cải thiện quan hệ Mỹ - Triều và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, nếu Hội đàm lần 1 là sự thể hiện quyết tâm chính trị của Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un, thì Hội đàm lần 2 sẽ là bước đi nhằm cụ thể hóa quyết tâm chính trị đó.

Cái bắt tay lịch sử trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1.

Cái bắt tay lịch sử trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1.

Quan điểm của Triều Tiên và Mỹ

Đối với Triều Tiên, duy trì chế độ là mục tiêu hàng đầu của mọi quyết sách đối nội và đối ngoại. Mục tiêu của Nhà lãnh đạo Triều Tiên là rất thực dụng và rõ ràng: thực hiện phi hạt nhân hóa theo từng giai đoạn và từng vấn đề để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận, thúc đẩy hợp tác kinh tế Bắc - Nam Triều Tiên, thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế và xây dựng nền tảng cầm quyền lâu dài.

Đối với Mỹ, mục tiêu quan trọng nhất của Tổng thống Donald Trump là chiến thắng tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ thêm 1 nhiệm kỳ. Do đó, ông cần một thắng lợi lớn về đối ngoại để tạo “đột phá khẩu” trong thế bế tắc của chính trị Mỹ hiện nay. Việc Tổng thống Trump đồng ý tổ chức hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un xuất phát từ mong muốn chứng tỏ năng lực ngoại giao cá nhân khi giải quyết một trong những vấn đề đối ngoại hóc búa nhất của Mỹ. Đây cũng là lý do giải thích việc cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề hạt nhân Triều Tiên gần đây trở nên “thực tế hơn” và Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố giành được “thắng lợi lớn” mặc dù vấn đề hạt nhân Triều Tiên hầu như không có tiến triển thực chất kể từ sau Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1.

Mỹ và Triều Tiên dự kiến sẽ cho đi và nhận lại những gì?

Trước khi lên đường đi Bình Nhưỡng, trong buổi nói chuyện tại Đại học Standford ngày 31/1, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun đã công khai “bản yêu sách” của phía Mỹ, gồm: cam kết phá hủy các cơ sở hạt nhân (cả uranium và plutonium), khai báo toàn diện chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), phá hủy hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Triều Tiên các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)... Như vậy, ngoài các biện pháp phi hạt nhân hóa, dự kiến Mỹ sẽ yêu cầu một số nhượng bộ bổ sung từ phía Triều Tiên. Không loại trừ khả năng, Mỹ sẽ đề xuất một lộ trình (roadmap) phi hạt nhân hóa tương đối chi tiết để kiểm chứng quyết tâm phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Để khuyến khích Triều Tiên thực hiện cam kết, dự kiến Mỹ sẽ đưa ra một số nhượng bộ như chấp thuận việc triển khai dự án viện trợ nhân đạo đối với Triều Tiên, kết nối đường sắt đường bộ giữa hai miền Triều Tiên, đưa các dự án hợp tác liên Triều như: Khu công nghiệp Kaesong và Khu du lịch núi Kumgang vào diện “ngoại lệ” của lệnh trừng phạt... Đối với Mỹ, việc cho phép khởi động lại các dự án liên Triều với điều kiện không sử dụng tiền mặt (thanh toán bằng hàng hóa, nhu yếu phẩm) sẽ giảm bớt gánh nặng kinh tế cũng như nguy cơ sử dụng sai mục đích. Tất nhiên, Triều Tiên sẽ muốn nhiều hơn thế nhưng trong bối cảnh hiện nay có lẽ các biện pháp trên là thực tế và khả thi hơn cả. Đơn cử một ví dụ, Triều Tiên muốn dỡ bỏ cấm vận quốc tế nhưng điều này sẽ khó có thể thực hiện ngay vì cần có nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Về phần mình, Triều Tiên đang và sẽ tiếp tục đưa ra các điều kiện để thực hiện phi hạt nhân hóa, bao gồm cả chính trị (tuyên bố kết thúc chiến tranh), quân sự (dừng hoặc hoãn tập trận chung Hàn - Mỹ) và kinh tế (dỡ bỏ cấm vận).

Đối với Triều Tiên, việc khai báo toàn bộ năng lực hạt nhân quốc gia (vũ khí hạt nhân, vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân, công nghệ hạt nhân, thiết bị phóng... được coi là hành động “tự sát”. Do đó, ít có khả năng Triều Tiên chấp nhận lộ trình “khai báo, kiểm chứng, phá hủy” như Mỹ yêu cầu. Khả năng Triều Tiên nhượng bộ trong vấn đề ICBM cũng không cao vì đây được coi là “con bài” chiến lược của nước này trong đàm phán với Mỹ. Mất “con bài” này sẽ làm giảm tính cấp thiết của vấn đề hạt nhân, thậm chí khiến Mỹ cảm thấy không cần thiết phải đàm phán song phương với Triều Tiên.

Phương thức phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên có thể chấp nhận là phi hạt nhân hóa một cách tự nguyện, theo từng giai đoạn dựa trên tiến trình cải thiện quan hệ Mỹ - Triều và xây dựng lòng tin giữa hai nước. Điều này cơ bản vẫn dựa trên các nguyên tắc “hành động đổi hành động” và “hành động từng bước và đồng thời” mà Triều Tiên vẫn chủ trương bấy lâu nay.

Đối với vấn đề kết thúc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, cho đến cuối năm 2018 Triều Tiên là bên chủ động thúc đẩy việc ra tuyên bố kết thúc chiến tranh hoặc ký kết Hiệp định hòa bình để thay thế Hiệp định đình chiến năm 1953. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay dường như Mỹ lại là bên chủ động hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đề xuất của phía Mỹ và Triều Tiên có chấp nhận hay không vẫn là một ẩn số, phụ thuộc chủ yếu vào các điều kiện đánh đổi mà Mỹ yêu cầu. Mặt khác, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không có lịch trình đến Việt Nam nhân dịp này cho thấy ít có khả năng Mỹ và Triều Tiên ra tuyên bố kết thúc chiến tranh hoặc ký Hiệp định hòa bình tại Hội đàm thượng đỉnh lần 2. Tuy nhiên, đây vẫn có thể trở thành chủ đề đàm phán và được đề cập trong thỏa thuận/tuyên bố chung Mỹ - Triều.

Có lẽ đối với Triều Tiên, việc ra một tuyên bố mang tính chính trị sẽ không hấp dẫn bằng hành động thực tế, đó là việc thành lập văn phòng liên lạc giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây là một bước đi vừa có tính biểu tượng vừa có giá trị thực tiễn trong quá trình xây dựng lòng tin, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia thù địch.

Tóm lại, Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng lòng tin giữa Mỹ và Triều Tiên, tạo động lực mới thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và xây dựng nền hòa bình bền vững trên bán đảo Triều Tiên.


Nhất Linh
Ý kiến của bạn