Hà Nội

Thượng đỉnh G20 “Phủ bóng” nhiều mâu thuẫn

02-12-2018 14:20 | Quốc tế
google news

SKĐS - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với sự có mặt của lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới vừa diễn ra trong 2 ngày cuối tuần qua tại thủ đô Buenos Aires của Argentina.

Tuy nhiên, với những bất đồng liên quan đến thương mại, biến đổi khí hậu, hay cuộc đối đầu mới đây giữa Nga và Ukraine trên Eo biển Kerch, hội nghị kéo dài 2 ngày lần này đang phải đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ khi G20 tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cách đây 10 năm.

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, G20 đánh dấu 10 năm diễn đàn được nâng cấp, từ một nhóm quy tụ các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng 19 nước có nền kinh tế quy mô lớn và Liên minh châu Âu (EU), trở thành diễn đàn cấp cao nhất, nơi các nhà lãnh đạo bàn thảo và đưa ra những quyết sách có tác động mạnh mẽ tới hệ thống kinh tế, tài chính và thương mại toàn cầu. Bởi vậy, hội nghị thượng đỉnh năm này được ví như một cột mốc để nhìn lại những gì G20 đã làm được trong thập niên qua, cũng như để G20 khẳng định lại vai trò là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế và quản trị kinh tế toàn cầu trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc cực đoan và cạnh tranh địa chính trị gia tăng như hiện nay.

Trước khi hội nghị thượng đỉnh G20 lần này diễn ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở thành tâm điểm của sự công kích, theo đó, đa phần các ý kiến chỉ trích cho rằng ông chính là người phá đi tính thống nhất trước đây của G20 về thương mại và biến đổi khí hậu.

Mỹ-Trung luôn bất đồng tại các kỳ thượng đỉnh G20

Mỹ-Trung luôn bất đồng tại các kỳ thượng đỉnh G20

Nhiều nhà lãnh đạo G20 bày tỏ lo ngại về những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế thế giới. Một dẫn chứng là trong bài phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo các nhà lãnh đạo G20 về việc gia tăng các nguy cơ đối với nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh trong việc cải cách kinh tế, theo đó gia tăng nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và nhập khẩu nhiều hơn. Bên cạnh đó, ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 "theo đuổi sự mở cửa" cũng như "chèo lái kinh tế thế giới một cách có trách nhiệm".

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc áp đặt "sai trái" các biện pháp trừng phạt và chủ nghĩa bảo hộ thương mại. "Hành động xấu xa trở lại với các biện pháp trừng phạt đơn phương, bất hợp pháp cũng như các biện pháp bảo hộ đang được lan truyền, bỏ qua Hiến chương Liên hợp quốc, nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tiêu chuẩn pháp lý được quốc tế công nhận", Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga dù không nêu đích danh ai, song trên thực tế có thể thấy rõ những tuyên bố này ám chỉ trực tiếp đến Tổng thống Donald Trump - người vừa hủy cuộc gặp đã lên kế hoạch với Tổng thống Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires vì vụ "đụng độ trên Eo biển Kerch" mới đây giữa hải quân Nga và Ukraine. Tổng thống Trump cũng bị chỉ trích là đã phá hủy sự ổn định mà G20 đã thúc đẩy 1 thập kỷ trước. Hiện Mỹ - cường quốc số 1 thế giới đang đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào một loạt nước như Iran, Nga, Cuba, Venezuela... và cũng là nước "châm ngòi" cho cuộc chiến về thuế với các đối tác thương mại lớn với chính sách "Nước Mỹ trước tiên".

Tuy nhiên, giơi phân tích cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với G20 hiện nay chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan cùng những chính sách đơn phương. Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền năm 2017 với chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, những chia rẽ giữa các nền kinh tế trong G20, đặc biệt giữa Mỹ và các nước EU chủ chốt, bắt đầu bộc lộ rõ… Tại hội nghị thượng đỉnh năm 2017 tại Hamburg (Đức), ông Trump đã “đi ngược chiều” với 19 lãnh đạo còn lại, khi không chịu phản đối chủ nghĩa bảo hộ hay không ủng hộ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, khiến cuộc gặp này trở thành một trong những cuộc đối đầu căng thẳng nhất từ trước tới nay giữa các lãnh đạo G20.

Cuộc “hội ngộ” giữa Tổng thống Trump với các lãnh đạo khác của G20 tại Buenos Aires lần này cũng không kém phần căng thẳng, trên "phông nền" thất bại của hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu (G7) ở Canada hồi tháng 6, hay những bất đồng tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Papua New Guinea tháng 11 vừa qua, khiến các lãnh đạo không thể thông qua tuyên bố chung. Xung đột thương mại leo thang mà đỉnh điểm là cuộc chiến thuế quan chưa có hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc, đang có nguy cơ gây bất ổn cũng như kìm hãm các hoạt động kinh tế một cách nghiêm trọng.

Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng trở thành diễn đàn để các nhà lãnh đạo bàn luận một loạt vấn đề từ cái chết của nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đến vụ đối đầu giữa Nga và Ukraine hay cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi đó, không một nước nào “chịu nhún” và nhượng bộ về mặt lợi ích.

Với một loạt vấn đề che phủ hội nghị, G20 năm nay mang một gam màu xám. Điểm sáng duy nhất tại hội nghị, đó là thượng đỉnh Nga, Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy quan hệ song phương. Tuy nhiên, cái “bắt tay” Nga-Trung  không khiến ai ngạc nhiên bởi Nga-Trung vốn luôn đứng cùng một phe trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn đề cao chính sách “Nước Mỹ trên hết”.


N.Minh (Theo Reuters, BBC, AP)
Ý kiến của bạn