Thương chiến Mỹ - EU ăn miếng trả miếng

07-01-2020 21:04 | Quốc tế

SKĐS - Dù muốn tránh một cuộc chiến tranh thương mại trực diện với Mỹ nhưng châu Âu vẫn chưa tìm ra đối sách phù hợp nhất là khi Mỹ vẫn không ngừng giáng các đòn trừng phạt thương mại xuống lục địa già này.

Năm 2020 được ghi nhận là năm mà các cuộc chiến tranh thương mại tiếp tục đe dọa nền kinh tế thế giới. Ngay từ đầu năm, Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) căng thẳng trở lại khi Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tuyên bố cứng rắn, rằng Pháp  sẵn sàng cùng với các nước châu Âu khác chống trả nếu như Mỹ áp đặt trừng phạt.

Cụ thể, Mỹ dự định sẽ áp thuế lên tới 100% đối với một số mặt hàng của Pháp trong đó có rượu vang, mỹ phẩm và đồ da - đây là những mặt hàng nhạy cảm về chính trị và mang tính biểu tượng của Pháp. Mỹ  cho rằng Paris đang theo đuổi chính sách phân biệt đối xử với các công ty kỹ thuật số của nước này khi đơn phương thông báo đánh thuế thu nhập 3% đối với các tập đoàn  công nghệ Mỹ hồi tháng 7/2019. Bởi theo Pháp, các công ty như: Google, Apple, Facebook... đang thu được nguồn lợi khổng lồ ở Pháp mà hầu như chưa phải trả gì.

Nhằm trấn an các quốc gia châu Âu khác, Mỹ kêu gọi các nước không “bắt chước” Pháp áp dụng thuế công nghệ, thay vào đó nên chờ một giải pháp đa phương thông qua đàm phán. Tuy nhiên ngay  tháng 12/2019, Canada cho biết đang cân nhắc một biện pháp tương tự.

Kể từ sau phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2019 cho phép Mỹ áp thuế lên hàng hóa của EU đáp trả việc khối này trợ giá trái luật cho hãng chế tạo máy bay Airbus thì Mỹ liên tiếp áp thuế lên khối hàng hóa từ EU trị giá hàng tỷ USD. 4 quốc gia EU chịu tác động nhiều nhất từ các biện pháp thuế bao gồm: Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha. Các mặt hàng nông sản và trang thiết bị gồm rượu whisky, áo len, đồ len của Anh, cà phê và máy móc của Đức, rượu vang và ô liu Pháp cũng như ô liu Tây Ban Nha đều  bị áp thuế...

Thương chiến Mỹ  - EU  ăn miếng trả miếngThương chiến Mỹ - EU.

Để bảo vệ liên minh, EU còn đe dọa  sẽ có phán quyết tương tự liên quan tới việc Mỹ trợ giá cho hãng chế tạo máy bay Boeing. Trong trường hợp WTO đưa ra phán quyết về vấn đề này vào năm 2020, EU có thể sẽ áp thuế lên hàng hóa Mỹ để trả đũa các khoản trợ cấp của Washington.

Có thể nói, cuộc tranh chấp thương mại kéo dài giữa Mỹ và EU có nguồn gốc từ cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Boeing và Airbus, đây cũng là “ngòi nổ” của cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire đã  phản bác cáo buộc của Mỹ về sự phân biệt đối xử thuế quan trong bức thư gửi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. Ông Le Maire khẳng định: “Chúng tôi muốn tránh cuộc thương chiến, nhưng đồng thời sẵn sàng phản kháng cùng với các đối tác châu Âu, nếu chúng tôi phải hứng chịu đòn trừng phạt mà chúng tôi cho là không đúng chỗ, không thân thiện và bất hợp pháp”.

Ai phải gánh hậu quả khi các biện pháp trừng phạt giáng xuống?

Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Daniel Rosario cảnh báo: “Nếu Mỹ áp đặt các biện pháp đáp trả thì Mỹ sẽ buộc EU phải thực hiện hành động tương tự. Điều này sẽ đánh vào người tiêu dùng và các công ty của Mỹ trước tiên và nặng nhất, đồng thời sẽ khiến các nỗ lực đàm phán giải quyết vấn đề thêm phức tạp”.

Không phải đến bây giờ Mỹ mới trừng phạt EU. Vào năm 2018 Mỹ từng áp thuế lên các sản phẩm nhôm và thép, sau đó EU cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên các sản phẩm rượu whisky khiến sản lượng xuất khẩu rượu của Mỹ sang EU giảm tới 21%. Khi bị đánh thuế tất cả các mặt hàng của EU hay Mỹ đều tăng giá, khiến người tiêu dùng “lĩnh đủ”.

Việc  đe dọa áp thuế lẫn nhau  dự báo sẽ  gây thêm gánh nặng cho thương mại giữa hai bên trong bối cảnh các doanh nghiệp châu Âu đang đau đầu với “bài toán” Anh rời khỏi  EU chưa có “lời giải”.

Mới đây, Ủy ban Dự trữ liên bang Mỹ đã công bố báo cáo cho thấy các biện pháp trừng phạt, đánh thuế đang tác động tiêu cực nhiều hơn là mang lại  lợi ích, bởi việc đánh thuế trở lại đang làm chi phí sản xuất tăng thêm, các doanh nghiệp thu hẹp sản xuất...

Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu tạo ra nhiều hệ lụy hơn là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, bởi cuộc chiến này sẽ làm suy yếu các công ty đa quốc gia của Mỹ, thu hẹp quy mô thị trường, khiến họ phải bán tài sản ở nước ngoài...

Thua thiệt nhất trong cuộc thương chiến giữa EU và Mỹ chính là người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế của mỗi quốc gia...


Trần Hải
Ý kiến của bạn
Tags: