Hà Nội

Thuốc y học cổ truyền trộn tân dược: Nguy biến hiện hữu

10-05-2019 07:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Dược liệu và thuốc đông dược vốn được nhiều người cho là sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nên an toàn, ít độc hại đối với sức khỏe con người.

Thế nhưng hầu hết người mua và sử dụng thuốc đông dược lại chủ yếu theo truyền miệng, không quan tâm hoặc chẳng thể tìm hiểu đến nguồn gốc xuất xứ. Lợi dụng thói quen này cộng với việc quản lý không chặt, không ít cơ sở đã lén trộn thêm tân dược vào thuốc đông dược để người bệnh thấy có tác dụng nhanh chóng và đắt hàng... bất chấp những nguy biến có thể xảy ra với người bệnh.

Có thể kết hợp nhưng không thể trộn lẫn

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Bộ Y tế vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, qua kiểm tra, giám sát chất lượng dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền (YHCT), thực phẩm chức năng (TPCN)..., các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng đã phát hiện nhiều vi phạm về tình trạng pha trộn tân dược vào sản phẩm YHCT để lưu hành trên thị trường và điều trị ngay tại các cơ sở chẩn trị YHCT. Việc làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro và gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Đã có không ít người bệnh sau khi sử dụng thuốc YHCT trộn lẫn tân dược sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thuốc y học cổ truyền trộn tân dượcThuốc Đông y bị trộn lẫn tân dược tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. (ảnh minh họa)

Một trong những cách đơn giản và phổ biến mà các cơ sở “đông tây y kết hợp” thường làm là mua tân dược về nghiền ra thành bột sau đó trộn với các loại dược liệu để bào chế thủ công thành các loại viên hoàn với danh nghĩa là thuốc đông y, lừa bán cho bệnh nhân. Loại tân dược được “ưa dùng” là bài thuốc trị cảm cúm trộn thêm hoạt chất paracetamol; hoặc thuốc điều trị bệnh khớp trộn các thuốc chống viêm chứa corticoid như dexamethasone, prednisolone...

BS. Nguyễn Quang Bảy - Khoa Nội tiết, Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thực tế điều trị đã gặp nhiều trường hợp ngộ độc paracetamol do các thầy lang trộn lẫn vào thuốc đông dược. Paracetamol có tác dụng giảm đau, hạ sốt, được chỉ định rộng rãi trong tây y, song nếu dùng quá liều sẽ gây độc cho gan. Bên cạnh đó, nếu người đang say rượu, người có men gan cao, người bị dị ứng với hoạt chất paracetamol khi uống sẽ nguy hiểm.

Ngoài ra, các thầy lang cũng thường lạm dụng thuốc chứa corticoid. Hoạt chất này hay được trộn với các bài thuốc đông y để chữa các bệnh liên quan đến xương khớp. Hệ lụy khi lạm dụng corticoid là sẽ gây nên hội chứng tăng đường máu dẫn đến đái tháo đường; hội chứng cushing, suy tuyến thượng thận, thậm chí gây suy cấp tính nếu đột ngột dừng thuốc dẫn đến trụy tim, trụy mạch, ngoài ra còn gây giòn xương, rối loạn điện giải.

Ngoài các hoạt chất được phép sử dụng, theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, hiện có tình trạng cơ sở cung cấp thuốc y học cổ truyền liều lĩnh trộn cả tân dược đã bị cấm lưu hành trên thế giới như 2 trường hợp phải vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai vào đầu tháng 3/2019 do biến chứng nặng khi sử dụng thảo dược Tiểu đường hoàn có chứa fenformin.

Nói về tình trạng trộn tân dược vào thuốc y học cổ truyền, ông Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, trộn tân dược vào đông dược là điều cấm kỵ trong bào chế thuốc. “Có những loại bệnh có thể sử dụng kết hợp tân dược với đông dược để có kết quả điều trị cao nhưng yêu cầu phải có phác đồ rõ ràng và không được trộn chung”, ông Khánh cho biết.

Về phía chuyên gia y học cổ truyền, ông Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, việc trộn các hoạt chất có tác dụng dược lý mạnh của tân dược vào các dạng bào chế đông dược, thực phẩm chức năng... là nhằm tạo ra những hiệu quả tức thời cho người bệnh như giảm đau, ăn ngon, ngủ yên, tăng cân, sinh lực dồi dào, trí óc minh mẫn... Tuy nhiên, di chứng về sau cho sức khỏe thì hết sức nặng nề, có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Kiên quyết xử lý

Trước tình trạng vi phạm của các cơ sở sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng trong việc sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc; quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh khiến người bệnh mất cơ hội chữa bệnh, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, truyền thông việc sử dụng thuốc cổ truyền có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Theo đó, Cục yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra các sản phẩm có trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm cả cơ sở công lập và tư nhân) và cơ sở kinh doanh, sản xuất trên địa bàn tỉnh, thành phố; xử lý nghiêm các cơ sở có sử dụng sản phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.

Thuốc y học cổ truyền trộn tân dượcNhiều thuốc đông y bị trộn lẫn tân dược để tăng tác dụng nhưng rất nguy hại về sau.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan, lực lượng có liên quan như: Công an, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh, thành phố để phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức kinh doanh thuốc cổ truyền không được đăng ký lưu hành và không có nguồn gốc, xuất xứ theo quy định của pháp luật.

Cục cũng yêu cầu tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn cho người dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở kinh doanh nhận thức rõ sự nguy hại tới sức khỏe và trách nhiệm của việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc cổ truyền không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng theo quy định của pháp luật và không do các cơ sở sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 10/6/2019.

Về phía bệnh nhân, ông Nguyễn Xuân Hướng - nguyên Chủ tịch Hội Y học cổ truyền Việt Nam đưa ra lời khuyên, khi bị bệnh, tốt nhất bệnh nhân nên tìm đến những nơi có uy tín lâu năm, có giấy phép hành nghề, các bệnh viện y học cổ truyền để được bắt mạch, kê đơn, tránh tự ý mua thuốc ở các cơ sở không được cấp phép, mua thuốc không rõ thành phần, nguồn gốc.


Hải Anh
Ý kiến của bạn