Thuốc xịt côn trùng DEET có an toàn không?

21-09-2024 15:13 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - DEET là một trong số ít hóa chất xua đuổi côn trùng được dùng phổ biến để xua đuổi muỗi, ve và các loại côn trùng gây hại khác… nhưng DEET có an toàn với sức khỏe không?

DEET được biết đến với tên gọi N,N-diethyl-meta-toluamide, xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm xua đuổi côn trùng. Những sản phẩm này bao gồm thuốc xịt, kem dưỡng da và khăn lau chống côn trùng… Kể từ khi DEET được công bố rộng rãi vào năm 1957, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) đã tiến hành đánh giá sâu rộng về hồ sơ an toàn của hóa chất này.

So sánh DEET với thuốc xịt côn trùng tự nhiên

Theo Consumer Reports, DEET luôn được coi là thành phần hoạt tính hiệu quả nhất trong thuốc chống côn trùng ở nồng độ ít nhất là 25%. Nhìn chung, nồng độ DEET trong sản phẩm càng cao thì hiệu quả bảo vệ càng lâu. Các lựa chọn khác để chống côn trùng bao gồm picaridin, permethrin và PMD (tinh dầu khuynh diệp chanh).

Thuốc xịt côn trùng DEET có an toàn không?- Ảnh 1.

Thuốc chống côn trùng DEET an toàn khi dùng theo hướng dẫn của sản phẩm.

Trong một nghiên cứu năm 2023 về 20 loại thuốc chống côn trùng gốc tinh dầu, các loại dầu hiếm khi giữ được tác dụng bảo vệ trong hơn 1,5 giờ. Một số loại mất tác dụng sau chưa đầy một phút. Ngược lại, dung dịch gốc DEET có tác dụng xua đuổi muỗi trong ít nhất sáu giờ.

Theo Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật Hoa Kỳ (ATSDR), phản ứng có hại với DEET rất hiếm. Trong một báo cáo năm 2017, cơ quan này cho biết 88% trường hợp phơi nhiễm DEET được báo cáo với các trung tâm kiểm soát chất độc không gây ra các triệu chứng cần phải được điều trị trong cơ sở y tế. Khoảng một nửa số người không gặp phải tác dụng phụ nào của việc phơi nhiễm và hầu hết những người còn lại chỉ có các triệu chứng nhẹ, như buồn ngủ, kích ứng da hoặc ho tạm thời, nhưng đã nhanh chóng khỏi.

Phản ứng nghiêm trọng với DEET thường gây ra các triệu chứng thần kinh như co giật, kiểm soát cơ kém, hành vi hung hăng và suy giảm chức năng nhận thức. Báo cáo của ATSDR cho biết, xét đến hàng triệu lần sử dụng DEET mỗi năm tại Hoa Kỳ, có rất ít báo cáo về những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe sau khi sử dụng DEET.

Sử dụng thuốc xua đuổi côn trùng hiệu quả có thể làm giảm nguy cơ bị côn trùng cắn ngứa và khó chịu, nhưng còn là một công cụ phòng ngừa sức khỏe. Gần nửa triệu người mắc bệnh Lyme sau khi bị ve cắn mỗi năm và ước tính có 7 triệu người đã bị nhiễm virus West Nile do muỗi truyền, kể từ khi nó xuất hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ vào năm 1999.

Tuy nhiên, hiện một số người đang quan ngại những sản phẩm hóa chất này và hướng đến những lựa chọn được tiếp thị là "tự nhiên" hoặc "có nguồn gốc thực vật". Mặc dù những loại thuốc chống côn trùng thay thế đó có thể được tiếp thị là ít độc hại hơn, nhưng chúng thường không có hiệu quả lâu dài bằng DEET.

Thực hành tốt nhất để sử dụng DEET xua đuổi côn trùng

Thuốc chống côn trùng có thể là một công cụ hữu ích để bảo vệ chống lại các bệnh do muỗi và ve truyền. Bạn cũng có thể tránh bị côn trùng cắn bằng cách mặc quần áo dài tay và loại bỏ hoặc tránh xa mọi nơi sinh sản của côn trùng, chẳng hạn như nước đọng, sân nhà và những nơi bạn thường xuyên lui tới.

Nếu chọn sử dụng sản phẩm có chứa DEET, hãy làm theo hướng dẫn trên nhãn sản phẩm. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, nên sử dụng nồng độ DEET tối thiểu cần thiết để duy trì khả năng bảo vệ không quá 50%.

Để giảm thiểu nguy cơ hít phải chất xua đuổi côn trùng này, CDC khuyến cáo nên sử dụng ở nơi thông gió tốt thay vì ở không gian hạn chế. Tốt nhất là nên thoa thuốc chống côn trùng có chứa DEET sau khi mặc quần áo.

DEET an toàn cho trẻ em, nhưng CDC khuyến cáo không nên để trẻ em dưới 10 tuổi tự bôi thuốc chống côn trùng. Trẻ em dưới hai tháng tuổi không nên dùng các sản phẩm có chứa DEET. Nếu hít hoặc nuốt phải các sản phẩm có chứa DEET, hoặc nếu chúng dính vào mắt, hãy gọi ngay cho trung tâm chống độc.

Nếu bạn đang tìm kiếm biện pháp bảo vệ đáng tin cậy khỏi côn trùng cắn, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều muỗi và ve, DEET là lựa chọn an toàn và hiệu quả khi sử dụng theo hướng dẫn.

Các giải pháp thay thế tự nhiên có thể không cung cấp cùng mức độ bảo vệ, do đó hãy cân nhắc đến môi trường sống và rủi ro mắc các bệnh do côn trùng truyền khi chọn thuốc xua đuổi côn trùng.

Mời độc giả xem thêm:

Đề phòng viêm da do tiếp xúc với côn trùng khi thời tiết chuyển mùaĐề phòng viêm da do tiếp xúc với côn trùng khi thời tiết chuyển mùa

SKĐS- Viêm da tiếp xúc do côn trùng là một phản ứng cấp tính của da khi gặp các chất kích ứng từ côn trùng. Ở nước ta, bệnh hay xuất hiện vào mùa mưa, thời tiết chuyển mùa thất thường như hiện nay. Bệnh tuy không nguy hiểm nhưng làm người bệnh ngứa ngáy, bứt rứt không yên.


Bảo Lâm
Theo VWH
Ý kiến của bạn