Người bệnh biểu hiện vui buồn bất thường, nói năng khó kiểm soát, có người thờ ơ lạnh nhạt không cảm xúc. Bệnh này có rối loạn về chức năng của tâm và não, gây ra những thay đổi về suy nghĩ, nhận biết, tâm trạng, tính tình. Đây là căn bệnh khá phổ biến hiện nay.
Nguyên nhân gây trầm cảm theo YHCT phần nhiều do khí uất kết lâu ngày làm tổn thương âm huyết, dẫn đến âm hư dương xung động gây hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu... Ngoài ra “Can mộc khắc Tỳ thổ” đã làm Tỳ mất vận hóa khiến khí trệ, huyết ứ gây tổn thương đến tâm não.
YHCT còn cho rằng nguyên nhân gây bệnh tâm não “nội thương” do “Khủng thương Thận” - sợ sệt quá làm tổn thương tạng thận; “Nộ thương Can” - hay tức giận tổn thương đến tạng can; “Ưu thương Phế” - hay lo lắng quá tổn tạng phế... Điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp như: tâm lý trị liệu, thuốc trị liệu, châm cứu bấm huyệt trị liệu.
Tâm lý trị liệu: thầy thuốc cần hiểu được tâm tư tình cảm của người bệnh, động viên tinh thần người bệnh để cải thiện các vấn đề cảm xúc và hành vi, quan tâm giải thích các vấn đề tâm lý chủ yếu bằng lời nói khiến người bệnh thay đổi suy nghĩ, có khả năng kiểm soát cảm xúc, giữ thăng bằng tâm lý và dễ chấp nhận sự thay đổi, biến cố của cuộc sống. Để trị liệu thành công cần sự phối hợp của người bệnh với chuyên gia tâm lý và sự hỗ trợ từ gia đình, người thân.
Huyệt bách hội.
3 bài thuốc trị liệu thường dùng:
Bài 1 - Tiêu giao gia vị: đương quy 14g, bạch thược 16g, sài hồ 12g, bạch truật 12g, phục thần 14g, cam thảo 4g, liên tâm 12g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần. Dùng cho người trầm cảm do can khí uất kết lâu ngày làm tổn thương âm huyết, có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu...
Bài 2 - Quy tỳ gia giảm: nhân sâm 12g, bạch truật 12g, phục thần 12g, hoàng kỳ 12g, táo nhân 12g, viễn chí 8g, long nhãn 12g, đương quy 16g, mộc hương 6g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần... Dùng cho người bị tâm thần do trầm uất suy nghĩ quá nhiều làm tổn thương tâm tỳ dẫn đến kém ăn, khó ngủ, mộng mị, hay quên.
Bài 3 - Lục vị gia giảm: thục địa 30g, hoài sơn 16g, đơn bì 14g, sơn thù 10g, phục thần 12g, trạch tả 8g, cúc hoa 14g, táo nhân 12g, viễn chí 10g. Sắc uống ngày một thang chia 3 lần. Dùng cho người sợ nóng, thần kinh quá hưng phấn, cười nói huyên thuyên khó kiểm soát.
Xoa bóp bấm huyệt trị liệu
Việc xoa bóp, day bấm huyệt có tác dụng tốt với bệnh nhân trầm cảm, giúp bổ thận (tăng cường hệ miễn dịch, tăng sức khỏe toàn thân), kiện tỳ (tăng cường hệ tiêu hóa, ăn ngon miệng), an thần định chí (giảm đau nhức, an thần kinh, ngủ ngon). Ngoài ra, xoa bóp huyệt còn giúp giải tỏa stress, giúp cho bệnh nhân vui vẻ, lạc quan hơn.
Ấn đường (ở điểm giữa đường nối hai đầu lông mày): Tác dụng an thần định trí, thanh nhiệt,...
Nội quan (trên cổ tay 2 tấc, dưới huyệt gian sử 1 tấc, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé): Tác dụng định tâm an thần, dễ ngủ...
An miên (tại điểm giữa đường nối huyệt ế phong và ế minh, chỗ lõm sau dái tai): Tác dụng trị mất ngủ đau đầu...
Bách hội (gấp 2 vành tai về phía trước, huyệt nằm ở điểm gặp nhau của đường thẳng dọc giữa đầu và đường ngang qua đỉnh vành tai, sờ vào thấy 1 khe xương lõm xuống). Tác dụng: chữa đau đầu, giảm trí nhớ...
Hợp cốc (khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái). Đây là huyệt chính điều trị bệnh tật vùng đầu.
Túc tam lý (úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chầy), từ đó đo ra 1 tấc). Dùng với người trầm cảm có ăn kém tỳ hư.
Tam âm giao (ở sát bờ sau - trong xương chày, bờ trước cơ gấp dài các ngón chân và cơ cẳng chân sau, từ đỉnh cao của mắt cá chân trong đo lên 3 tấc). Dùng khi người nóng âm hư.