Thuốc và TPCN giả là 'sát thủ' thầm lặng đe dọa tính mạng con người

19-05-2025 17:14 | Y tế
google news

SKĐS - Thuốc và thực phẩm chức năng giả đang âm thầm hủy hoại sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em - những đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Hậu quả không chỉ làm bệnh tình trầm trọng hơn mà còn là những mất mát về kinh tế và niềm tin.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, chuyên gia chống độc - TS.BS Nguyễn Lương Kỷ - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong bối cảnh thị trường thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) ngày càng phát triển, vấn nạn thuốc giả, kém chất lượng đang là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, phụ nữ và trẻ em là hai nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi sử dụng phải các sản phẩm không đạt tiêu chuẩn.

Thuốc giả gây hậu quả nặng nề về sức khỏe và kinh tế

TS.BS Nguyễn Lương Kỷ cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 1 trong 10 loại thuốc tại các quốc gia thu nhập thấp và trung bình là giả hoặc kém chất lượng, gây ra hậu quả nặng nề về sức khỏe và kinh tế.

Đối với trẻ em, thuốc hạ sốt, kháng sinh, thuốc điều trị tiêu chảy giả có thể khiến bệnh trở nặng, gây co giật, mất nước nghiêm trọng, thậm chí tử vong. WHO ước tính rằng việc sử dụng thuốc kháng sinh giả trong điều trị viêm phổi có thể gây ra đến 72.000 ca tử vong trẻ em mỗi năm.

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, việc dùng vitamin, sắt, canxi hoặc TPCN giả trong thai kỳ có thể gây sảy thai, sinh non, dị tật thai nhi hoặc thiếu chất ở mẹ và bé. Một số loại TPCN làm đẹp, giảm cân không rõ nguồn gốc còn chứa chất độc gây rối loạn nội tiết, tổn thương gan thận.

Ngoài ra, kháng sinh giả hoặc có nồng độ hoạt chất thấp khiến vi khuẩn không bị tiêu diệt hoàn toàn, từ đó thúc đẩy sự kháng kháng sinh, khiến các đợt điều trị sau thất bại.

Việc sử dụng thuốc giả còn khiến chi phí điều trị bệnh tăng gấp đôi, chưa kể tác động tâm lý nặng nề nếu hậu quả xảy ra với con nhỏ. WHO ước tính thiệt hại kinh tế toàn cầu do thuốc giả ở các nước thu nhập thấp và trung bình lên đến 30,5 tỷ USD mỗi năm.

Thuốc và TPCN giả là 'sát thủ' thầm lặng đe dọa tính mạng con người- Ảnh 1.

Hàng loạt thuốc giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị Công an TP. Hà Nội phát hiện. Ảnh: Công an TP. Hà Nội.

Sử dụng TPCN giả gây ra nhiều hiểm họa nghiêm trọng cho sức khỏe

Theo TS.BS Nguyễn Lương Kỷ, sử dụng TPCN giả có thể gây ra những hậu quả sau:

Không mang lại hiệu quả

TPCN giả thường chứa các thành phần không đúng như công bố, hàm lượng hoạt chất thấp hoặc thậm chí không có hoạt chất. Điều này dẫn đến việc người dùng không nhận được bất kỳ lợi ích sức khỏe nào như mong đợi, làm lỡ thời gian điều trị bệnh (nếu có).

Nguy cơ nhiễm độc

Các sản phẩm giả có thể được sản xuất từ nguyên liệu kém chất lượng, chứa tạp chất độc hại, kim loại nặng, vi khuẩn, nấm mốc vượt quá mức cho phép. Việc sử dụng lâu dài có thể gây ngộ độc, tổn thương gan, thận, hệ thần kinh và các cơ quan khác.

Tác dụng phụ không mong muốn

Một số TPCN giả có thể chứa các chất cấm, tân dược trái phép hoặc hormone mà người dùng không hề hay biết. Điều này có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm, tương tác thuốc bất lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng.

Mt cơ hội điều trị bệnh

Đối với những người đang mắc bệnh, việc sử dụng TPCN giả thay vì thuốc điều trị có thể làm bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn, bỏ lỡ "thời điểm vàng" để chữa trị, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa

TPCN giả, kém chất lượng có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, ngộ độc thực phẩm, làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến các bệnh về đường ruột.

Gây dị ứng

Các thành phần không rõ nguồn gốc trong TPCN giả có thể gây ra các phản ứng dị ứng như phát ban, ngứa, khó thở, choáng váng.

Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe

Việc tích tụ các chất độc hại từ TPCN giả trong cơ thể trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh mãn tính nguy hiểm như suy gan, suy thận, ung thư.

Mất lòng tin vào thị trường

Việc tràn lan TPCN giả gây mất niềm tin cho người tiêu dùng vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất và phân phối chân chính.

Làm gì để tránh mua phải thuốc và TPCN giả?

TS.BS Nguyễn Lương Kỷ khuyến cáo, để tránh việc mua phải thuốc và TPCN giả người dân cần lưu ý:

  • Mua tại cơ sở y tế, nhà thuốc được cấp phép, thận trọng khi mua online, hàng xách tay.
  • Kiểm tra kỹ tem chống giả, bao bì, hạn sử dụng.
  • Cảnh giác với sản phẩm có giá quá rẻ.
  • Không tự ý dùng thuốc hay TPCN mà không có chỉ định của bác sĩ.
  • Khi nghi ngờ sản phẩm giả, cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương hoặc đường dây nóng Bộ Y tế.

Xem thêm bài viết:

Hà Nội lập chuyên án điều tra về sản xuất, buôn bán sữa, thuốc giả Hà Nội lập chuyên án điều tra về sản xuất, buôn bán sữa, thuốc giả

SKĐS - TP Hà Nội yêu cầu Công an TP tổ chức các chuyên án điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả trên địa bàn thành phố.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn