Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai đã có buổi chia sẻ với báo chí về quy trình nhập sữa, thuốc tại bệnh viện cũng như các chế tài quản lý để 'chặn' thực phẩm, sữa hay thuốc giả vào bệnh viện.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, tại BV Bạch Mai việc đấu thầu mua sắm các sản phẩm vật tư từ thiết bị y tế hay thuốc và các sản phẩm khác đều phải dựa trên các tiêu chí quốc gia.
Ví dụ để được đưa vào đấu thầu thuốc thì phải có danh mục thuốc, hoạt chất và đặc biệt một tiêu chí 'sống còn' là thuốc phải có tên trong dược điển quốc gia. Các sản phẩm 'chế tác' không đúng dược điển thì không được đấu thầu.

PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc BV Bạch Mai.
Ngoài ra, BV Bạch Mai còn áp dụng các tiêu chuẩn của FDA, EU vào thầu. Với những tiêu chí này đã là 'rào cản' ngăn được hàng lậu hàng giả khi vào bệnh viện. Bệnh viện Bạch Mai không hạn chế nhà thầu nhưng để vào đấu thầu thì nhà thầu phải đạt chuẩn theo quy định và đưa tiêu chí chất lượng lên hàng đầu.
"Bệnh viện đã thực hiện rà soát và không có sản phẩm sữa giả, thuốc giả mà cơ quan chức năng vừa phát hiện', Giám đốc bệnh viện Bạch Mai khẳng định.
PGS. Cơ cũng mong rằng, cơ quan chức năng vào cuộc từ khâu kiểm định ở giai đoạn nhập khẩu hay sản xuất, đến tiêu thụ cần phải được kiểm soát chặt chẽ. Bởi, để phát hiện những sản phẩm kém chất lượng, hàng giả thì bệnh viện không đủ và cũng không có chức năng kiểm tra loại hàng hóa này.
"Chúng tôi là người mua cho người bệnh dùng nên cần phải có sản phẩm đảm bảo chất lượng tốt nhất', PGS. Cơ nói.
PGS. Cơ cũng nêu quan điểm, tại cơ sở y tế thì người đứng đầu và cán bộ y tế phải liêm khiết, không bị doanh nghiệp mua chuộc vì lợi nhuận. Và, điều này bệnh viện Bạch Mai đang kiên định, kiên trì đấu tranh.
Nếu chúng ta có chế tài với cán bộ thì họ không bị mua chuộc không bị dụ dỗ như vậy mới kiểm soát được và đây cũng là việc thường xuyên liên tục kiên định kiên trì bệnh viện đã và đang làm.
Bệnh viện đã ra văn bản và thành lập nhiều hội đồng hội chẩn rà soát đơn thuốc định kỳ hàng tuần, hàng tháng theo từng chuyên ngành. Chủ động rà soát hết đơn thuốc bác sĩ kê trong đó có cả việc rút ngẫu nhiên các đơn thuốc. Đã có bác sĩ bị cho nghỉ việc vì liên quan đến vấn đề này khi thực hiện kê đơn cho bệnh nhân mua bên ngoài bệnh viện.
Còn vấn đề về thực phẩm chức năng trong bệnh viện, PGS Cơ cho hay, 3 năm nay bệnh viện đã nghiêm cấm không bán thực phẩm chức năng trong bệnh viện. Không có chuyện đơn thuốc có 10 loại mà 3 thuốc mà 7 thực phẩm chức năng. Đơn thuốc của BV Bạch Mai chỉ có thuốc, không có thực phẩm chức năng.
PGS cũng bày tỏ: 'Là một bác sĩ điều trị mấy chục năm tôi thấu hiểu người dân. Có người dân vùng sâu vùng xa khó khăn đến bệnh viện huyện phải bán gà, đi bệnh viện tỉnh thì bán trâu bò, đi bệnh viện tuyến trung ương phải bán nương bán rẫy. Vừa được xóa đói giảm nghèo xong nhưng khi đi bệnh về lại tái nghèo. Chúng tôi thấu hiểu điều đó, vì vậy khi làm lãnh đạo bệnh viện tôi đã vừa có chế tài cũng như vừa có giáo dục cán bộ từ việc kê đơn đến thực hiện các xét nghiệm. Người bệnh được thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp với tình trạng sức khỏe không bị lạm dụng xét nghiệm. Không lấy người bệnh để kinh doanh. Chúng ta phải làm cho có tâm'.