Hà Nội

Thuốc và rượu: Những hệ lụy khôn lường

07-07-2020 21:05 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Rượu là một dung dịch được cấu thành từ 2 thành phần chính: nước và cồn (ethanol), trong đó cồn chiếm từ 1 - 50%. Tùy từng nhà sản xuất, ngoài 2 thành phần chính này, rượu còn được bổ sung một lượng nhỏ chất riêng biệt để tạo màu sắc và hương vị đặc thù.

Lượng cồn trong bia là 4 - 8%, rượu vang: 8 - 12%, vokda: 37 - 45%, rượu nếp tự nấu: 30 - 45%, wisky: 40 - 50%, brandy: 45%...  Khi sử dụng, rượu có nhiều tác động trên hệ thần kinh trung ương.

Uống rượu bia làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh mạn tính sẵn có của bệnh mạch vành; tăng huyết áp và các bệnh chuyển hóa như tăng cholesterol máu, đái tháo đường, bệnh gút.

Tương tác thuốc và rượu bia

Chất cồn (hay ethanol, ancol etylic) ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa của thuốc trong cơ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc (tăng hoặc giảm tác dụng), có thể biến thuốc thành chất độc, làm tăng tác dụng phụ của thuốc. Sự thay đổi hiệu lực thuốc gây nguy hiểm cho bệnh nhân, nhất là những thuốc có khoảng liều điều trị hẹp. Hầu như tất cả lượng cồn trong rượu được chuyển hóa ở gan, do đó việc dùng thuốc khi uống rượu hay uống rượu sau khi dùng thuốc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng.

Thuốc và rượu

Ảnh hưởng đến hấp thu thuốc: Làm co thắt vùng hạ vị (dưới rốn), do đó làm giảm hấp thu một số thuốc. Tuy nhiên, cũng có thể làm tăng hấp thu thuốc do kích thích đường tiêu hóa, làm tăng sự hòa tan và tăng lưu lượng máu đến ruột.

Thuốc và rượu

Ảnh hưởng đến phân bố thuốc: Ở người nghiện rượu, albumin huyết giảm nên làm tăng sự phân bố thuốc vào mô.

Thuốc và rượu

Ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc: Gan là nơi xử lý tất cả chất cồn đi vào cơ thể, người nghiện rượu làm tăng cảm ứng enzym chuyển hóa thuốc ở gan (tăng hiệu lực của enzym). Vì vậy mà thuốc được chuyển hóa nhanh hơn, nên ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

Thuốc và rượu

Tác động nguy hiểm của các nhóm thuốc với rượu bia

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Gồm các loại thuốc thông dụng như aspirin, diclofenac, ibuprofen, meloxicam... Nhóm thuốc này có tác dụng phụ gây loét dạ dày, tá tràng. Nếu uống chung với rượu bia sẽ làm tăng nguy cơ loét dạ dày, tá tràng, đặc biệt là nguy cơ xuất huyết tiêu hóa lên gấp nhiều lần.

Thuốc giảm đau paracetamol (acetaminophen): Loại thuốc thông dụng này khi dùng chung với rượu sẽ làm tăng độc tính trên gan, gây tổn thương gan nặng khi dùng liều cao paracetamol do rượu làm tăng chuyển hóa tạo ra chất độc NAPQI cho gan. Do đó, tuyệt đối không dùng paracetamol để giảm đau đầu khi say rượu. Ngoài paracetamol, thuốc kháng lao (pyrazinamid, rifampicin), thuốc sốt rét (cloroquin), thuốc kháng nấm (griseofulvin, ketoconazol) cũng gây độc tính tương tự khi dùng chung với rượu.

Thuốc hạ đường huyết: Rượu làm hạn chế khả năng điều hòa đường huyết của gan, vì vậy mà gây ra tương tác với thuốc tiểu đường dạng uống (đặc biệt nhóm sulfonylurea) hoặc insulin. Rượu làm tăng tác dụng của các loại thuốc này khiến bệnh nhân có thể bị hạ đường huyết quá mức. Rượu còn gây nhầm lẫn hoặc che dấu triệu chứng của hạ đường huyết quá mức như run tay, vã mồ hôi, chóng mặt, mất ý thức... Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý, bệnh nhân có thể hôn mê và tử vong. Với metformin, rượu làm tăng nguy cơ nhiễm toan acid lactic. Nguy cơ biến chứng tim mạch của bệnh nhân đái tháo đường cao hơn khi bệnh nhân nghiện rượu.

Thuốc hạ huyết áp: Rượu làm giãn mạch và gây hạ huyết áp, giảm thân nhiệt. Nếu dùng chung với thuốc hạ huyết áp thì có thể gây giảm huyết áp đột ngột, rất nguy hiểm. Việc hạ huyết áp ở người cao tuổi có thể dẫn đến chóng mặt, té ngã, ngất xỉu. Nếu uống nhiều và đều đặn, sẽ làm tăng huyết áp và nguy cơ đột quỵ.

Thuốc ngủ, các thuốc ức chế thần kinh trung ương, thuốc kháng histamin thế hệ cũ: Thuốc thường gặp như promethazin, clopheniramin, diazepam, codein, barbiturat… có thể dẫn đến buồn ngủ, an thần, giảm khả năng tập trung khi  vận hành phương tiện;  suy hô hấp, hôn mê và tử vong.

Các thuốc gây hiệu ứng antabuse: Các thuốc này ức chế sự chuyển hóa rượu, tạo ra acetaldehyd. Khi đã dùng thuốc, nếu uống rượu thì sau 5-10 phút sẽ cảm thấy mặt đỏ bừng, nôn, nhức đầu dữ dội, giãn mạch nặng, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, đánh trống ngực; nếu nặng có thể gây trụy tim mạch và tử vong. Các thuốc này bao gồm kháng sinh metronidazol và tinidazol, một số kháng sinh nhóm cephalosporin (cefamandol, latamoxef, cefoperazon…), thuốc hạ đường huyết (metformin, nhóm sulfonylurea như glibenclamid, gliclazid, glipizid…), thuốc kháng nấm (ketoconazol, miconazol, tinidazol...)…

Lời khuyên cho bệnh nhân

- Tuyệt đối không sử dụng đồng thời thuốc điều trị bệnh với rượu. Cần ngưng sử dụng rượu trước khi dùng thuốc, nếu nhất thiết sử dụng thuốc sau khi đã sử dụng rượu, bia hoặc thức uống có cồn nên hỏi ý kiến dược sĩ, bác sĩ để tránh tương tác nguy hiểm xảy ra.

- Không lạm dụng rượu, bia hoặc thức uống có cồn, sử dụng ở lượng vừa phải, không sử dụng khi bụng đói.


DS. VĨNH PHÚ
Ý kiến của bạn