DS. Trần Xuân Thuyết
Người tăng huyết áp sau khi uống thuốc hạ áp không nên ăn nho và các chế phẩm từ nho. |
Nho là loại quả mọng, hình trứng hoặc hình cầu, vỏ mỏng và dai, trong có 4 hạt nhỏ hình quả lê. Rất nhiều loại sâu bệnh phá hoại nho như: bọ cánh cứng, rệp sáp, nhện đỏ, hại cây hại hoa, ruồi đục quả, bệnh thán thư, phấn trắng, sương mai, thối đen hại cây, hại quả. Do đó người trồng phải diệt trừ sâu bệnh kịp thời. Muốn thu hái quả đạt tiêu chuẩn thương phẩm phải chờ đến lúc hết dư lượng thuốc trừ sâu bệnh, quả phải chín kỹ trên cây mới được thu hái (đó là đặc điểm khác với các loại quả, thường hái khi quả già, sau đó quản chín trong quá trình bảo quản vận chuyển như chuối, na...).
Trên thị trường nước ta còn nhập nhiều nho ngoại như Thái Lan, Trung Quốc. Đặc biệt là nho đỏ của Mỹ có giá rất đắt (70-80 nghìn đồng/kg) có lẽ do quả to, đẹp và không có dư lượng thuốc trừ sâu (nho sạch).
Thành phần hóa học
Trong quả nho chín có chứa các loại đường dễ hấp thu như fructose 10,4%, glucose 10,3%... 100g nho chín cung cấp năng lượng tương đương 71calori. Các acid hữu cơ như acid malic, acid tartric và 8 loại acid hữu cơ khác tạo vị chua ngon cho dịch quả. Chất xơ hòa tan pectin có nhiều trong dịch quả. Các acid amin quý như arginin, cystin, leucin, phenylalanin, valin, prolin chứa trong dịch quả và trong hạt có tỷ lệ cao nhất. Trong quả nho đỏ có chứa resveratrol - một chất có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, chống lão hóa, chống ung thư; chứa trong vỏ hạt, thịt nho đỏ, hàm lượng cao lại nằm trong vỏ và hạt (hiệu lực chống ôxy hóa của resveratrol mạnh gấp 7 lần vitamin E).
Trong nhân hạt nho chứa 6-20% dầu béo, trong đó acid linoleic chiếm tới 55%, là một acid béo có tác dụng làm tăng HDL (cholesterol tốt, có tỷ trọng cao) làm giảm LDL (cholesterol xấu, có tỷ trọng thấp). Do đó làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch như: xơ vữa mạch máu, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Dầu béo hạt nho còn giúp cho nam giới bất lực phục hồi khả năng sinh dục; ngoài ra nó còn giảm kết vón tiểu cầu làm giảm nguy cơ đột quỵ do tắc mạch vành (tạo cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim) hoặc tắc mạch não gây tai biến mạch máu não.
Trong vỏ quả nho đỏ còn có chất chát, có tác dụng kháng khuẩn khi ăn vào cơ thể chất này không bị dịch vị phá hủy, nên có thể vào máu tuần hoàn khắp cơ thể để kháng khuẩn ở nơi cần.
Tác dụng của nước ép nho đỏ
Dùng máy xay sinh tố, xay cả quả nho đỏ rửa sạch (gồm cả vỏ, hạt, thịt quả), ta sẽ được nước ép nho đỏ. Nước ép nho đỏ có tác dụng: Bồi bổ cơ thể cho người làm việc căng thẳng đầu óc hoặc mỏi mệt cơ bắp hoặc người mới ốm dậy; tăng cường sức chống đỡ của cơ thể với người bệnh ung thư đang xạ trị hoặc hóa trị; chữa các chứng ăn khó tiêu, sâu răng, sốt, táo bón; giảm các nguy cơ đột quỵ do tim mạch. Điều cần lưu ý là nước ép nho đỏ gắn kết với hệ thống men cytocrome P450 gây tác dụng ức chế chuyển hóa ở gan với nhiều loại thuốc gây nên tác dụng tốt với thuốc này, xấu với thuốc kia như:
Tác dụng tốt do làm tăng hiệu lực các loại thuốc
Cyclosporin A (biệt dược Sandimmun) là thuốc ức chế miễn dịch chống thải loại, dùng cho người bệnh ghép thận, gan, tim, phổi, tủy sống, giác mạc hoặc các bệnh như viêm da dị ứng, viêm khớp dạng thấp, vẩy nến... Nếu kết hợp cho người bệnh uống nước ép nho đỏ hằng ngày sẽ giảm 50% liều cyclosporin, giảm tác dụng phụ của cyclosporin (giảm nửa tiền thuốc).
Oestrogen: nội tiết tố nữ thường dùng điều trị hội chứng mãn kinh của phụ nữ (do tuổi già hoặc do phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng). Điều trị ung thư tiền liệt tuyến ở nam giới.
Theophyllin là thuốc trợ hô hấp, giãn phế quản, giãn mạch vành, kích thích tim, dùng cho người hen suyễn, khó thở, người đau thắt ngực do mạch vành, người suy tim, suy tâm thất trái.
Terfenadin trị các chứng dị ứng
Các trường hợp được chỉ định dùng các loại thuốc nói trên nếu kết hợp cho bệnh nhân uống nước ép nho đỏ (hoặc nhai kỹ cả vỏ cả hạt khi ăn nho đỏ) sẽ tăng cường hiệu lực thuốc điều trị, giảm tác dụng phụ có hại cho người bệnh.
Tác dụng xấu với người đang dùng thuốc trị tăng huyết áp.
Gây tăng hiệu lực thuốc làm hạ huyết áp không kiểm soát được với các loại thuốc thuộc nhóm đối kháng calci như amlodipin, nifedipin, diltiazem, verapamil, nicardipin...
Gây tăng kali trong máu với các loại thuốc ức chế men chuyển như benazepril, captopcil, cilazapril, enalapril...
Cách rửa quả nho
Nhiều người thường rửa quả nho bằng cách đặt cả chùm nho vào chậu nước rồi rửa hoặc xối nước từ vòi nước vào chùm nho. Cách làm này không đảm bảo rửa sạch quả nho. Trước khi rửa nho cần lấy kéo cắt đầu cuống sát quả để tách từng quả nho mà không bị rách vỏ. Loại bỏ quả dập nát rồi rửa trong chậu nước sạch cho hết đất, cát, bụi bám vào quả. Sau đó ngâm quả nho trong nước sạch có pha 1% muối ăn, ngâm trong 30-40 phút rồi rửa sạch, vớt quả nho ra rổ, đặt rổ nho dưới vòi nước chảy xối mạnh cho sạch. Để ráo nước dùng bát to rót nước sôi nguội vào 3/4 bát, cho quả nho đã rửa sạch vào ngoáy kỹ rồi vớt quả ra rổ sạch. Lúc đó mới dùng quả nho này để ăn cả vỏ nhai hạt thật kỹ hoặc xay trong cối xay sinh tố để chế nước nho ép.