Thuốc và phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc

07-09-2024 17:57 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thoái hóa võng mạc cận thị là một trong những biến chứng nguy hiểm do cận thị nặng gây ra. Bệnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng thị giác, ảnh hưởng đến học tập, làm việc và sinh hoạt. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh có thể bị mất thị lực vĩnh viễn.

Các bệnh lý thoái hóa võng mạc như thoái hóa điểm vàng, thoái hóa võng mạc chu biên,... đang ngày càng gia tăng và có dấu hiệu ngày càng trẻ hóa. Các phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc hiện nay chủ yếu nhằm mục đích làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của bệnh mà không chữa trị khỏi bệnh hoàn toàn.

Một phương pháp mới điều trị thoái hóa võng mạc được nghiên cứu trong thời gian gần đây đã mở ra hy vọng cho hàng triệu bệnh nhân thoái hóa võng mạc trên toàn thế giới, đó là điều trị thoái hóa võng mạc bằng tế bào gốc.

Các tế bào gốc sẽ thay thế các tế bào bị mất trong mắt, giải phóng các yếu tố tăng trưởng, giúp sửa chữa các tổn thương của tế bào thần kinh, bảo vệ các tế bào thần kinh võng mạc nội sinh khỏi sự chết đi.

Nguyên tắc điều trị thoái hóa võng mạc mắt chính là điều trị nguyên nhân hình thành bệnh và điều trị các triệu chứng của bệnh. Theo các bác sĩ nhãn khoa, các phương pháp điều trị bệnh cụ thể hiện nay là:

Thuốc và phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc- Ảnh 1.

Thoái hóa võng mạc là quá trình lão hóa và suy thoái lớp tế bào võng mạc mắt.

1. Liệu pháp quang động laser điều trị thoái hóa võng mạc

Ứng dụng điều trị các bệnh lý đáy mắt thường gặp như thoái hóa võng mạc, bong rách võng mạc… Phương pháp này sử dụng laser để phá hủy tân mạch võng mạc, giúp ngăn chặn tình trạng xuất huyết dịch kính và phù hoàng điểm. Thông qua đó, ngăn chặn bệnh tiến triển nhanh chóng và cải thiện thị lực hiệu quả. Tuy vậy, phương pháp này phải thực hiện nhiều lần do bệnh dễ tái phát và cần được chăm sóc khoa học.

2. Tế bào gốc đa năng

Được đánh giá là phương pháp mới trong việc điều trị võng mạc bị thoái hóa. Tế bào gốc được nuôi cấy để có thể thay thế, sửa chữa tế bào võng mạc bị yếu, lão hóa hoặc chết đi. Tuy vậy, phương pháp này đang trong quá trình thử nghiệm và hoàn thiện, chưa được áp dụng rộng rãi trong điều trị bệnh.

3. Thuốc kháng VEGF

  • Thuốc kháng VEGF được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển quá mức gây rò rỉ chất dịch và hình thành mạch máu mới của các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu. Đây là thuốc kê đơn, có thể tồn tại nhiều tác dụng phụ nên cần được thăm khám kỹ lưỡng và sử dụng với liều lượng và thời gian phù hợp.
Thuốc và phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc- Ảnh 2.

Cần lựa chọn thuốc phù hợp để điều trị Thoái hóa võng mạc.

  • Là một protein được sản sinh từ các tế bào, yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) có vai trò kích thích sự hình thành các mạch máu mới. Đồng thời, chúng giúp tăng tính thấm thành mạch và cung cấp oxy cho các mô hoạt động. Tuy nhiên, VEGF phát triển quá mức sẽ làm rò rỉ chất dịch và tăng sinh các tân mạch máu ở võng mạc, là nguyên nhân chính gây ra thoái hóa điểm vàng.
  • Nhóm thuốc kháng VEGF gồm: Bevacizumab (Avastin), Aflibercept (Eylea), Ranibizumab (Lucentis). Đều là những kháng thể đơn dòng, các loại thuốc trên có tác dụng ức chế sự hình thành VEGF do đó ngăn chặn sự chảy máu và quá trình tăng sinh các mạch máu mới ở võng mạc.

4. Nhóm thuốc vitamin và khoáng chất

Theo nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân gây ra thoái hóa điểm vàng là do sự hình thành các phân tử gốc tự do trong cơ thể, tác động bằng các phản ứng oxy hóa lên các tế bào mắt. Vì vậy, các chất chống oxy hóa được sử dụng để ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng và giúp ngăn chặn sự hoạt hóa của các phân tử gốc tự do.

Thuốc và phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc- Ảnh 3.

Đến bác sĩ để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả.

Một số vitamin và khoáng chất thường được bổ sung để bảo vệ mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng, tăng cường thị lực như: VitaminA, B2, E và vitamin C, Selenium, kẽm…

4.1 Thuốc nhỏ mắt trị thoái hóa võng mạc gồm những loại nào?

Các loại thuốc nhỏ mắt trị thoái hóa điểm vàng chủ yếu có tác dụng bổ sung, tăng cường dinh dưỡng và ngăn ngừa bệnh lý về mắt. Các vitamin và dưỡng chất phổ biến gồm:

  • Vitamin A

Vitamin A bao gồm retinol, các carotenoid (lutein và zeaxanthin) là những chất chống oxy hóa có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường thị lực ở mắt, giúp duy trì sự hoạt động của các mô và màng của mắt. Ngoài ra, vitamin A có nhiều trong gan động vật, cá, sữa, bơ, những trái cây và rau củ có màu đỏ cam hoặc xanh.

  • Vitamin C

Giống như vitamin E, vitamin C cũng giúp bảo vệ các mô và tế bào mắt khỏi tấn công của những phân tử gốc tự do. Các loại quả thuộc họ cam chanh, bông cải xanh, cải bắp, cà chua… là những thực phẩm giàu vitamin C bạn có thể bổ sung mỗi ngày.

  • Vitamin B2

Vitamin B2 có nhiều trong men bia, rau quả, sữa, trứng, gan động vật. Các thuốc chứa vitamin B2 giúp khôi phục chức năng cơ thị giác, bảo vệ giác mạc, tăng cường thị lực, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.

  • Vitamin E

Các loại thuốc nhỏ mắt trị thoái hóa điểm vàng giàu vitamin E giúp bảo vệ tế bào và các mô của mắt khỏi bị tấn công bởi các phân tử gốc tự do. Đây cũng là chất chống oxy hóa rất quan trọng được tìm thấy nhiều trong dầu thực vật, mầm lúa mì ngũ cốc và các quả hạch…

  • Selenium

Được biết đến là chất chống oxy hóa, selenium có vai trò quan trọng giúp bảo vệ tế bào mắt khỏi bị hư hại do sự tấn công của các phân tử gốc tự do. Chất khoáng này cũng có nhiều trong thịt, trứng, cá…

  • Kẽm

Kẽm giúp bảo vệ và tăng cường thị lực ở mắt. Ngoài dùng thuốc nhỏ mắt chứa kẽm, bạn có thể bổ sung các thực phẩm như hàu, tôm, cua, thịt bò, ngũ cốc, sữa chua,...

  • Omega 3

Omega 3 có vai trò rất quan trọng trong cơ thể, là thành phần cấu tạo võng mạc, giúp tăng cường thị lực, bảo vệ mắt và ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng. Loại acid béo không bão hòa này có nhiều trong cá, sữa, đậu nành, hạt lanh…

5. Phẫu thuật

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người bệnh có thể được thực hiện phẫu thuật laser hoặc phẫu thuật ghép thấu kính. Thông thường, các phương pháp điều trị này được áp dụng trong những trường hợp thoái hóa võng mạc nghiêm trọng, khi các tế bào võng mạc bị bong rách và khả năng phục hồi rất thấp.

6. Chế độ dinh dưỡng

Bên cạnh việc điều trị với các phác đồ y học do bác sĩ chỉ định, một chế độ dinh dưỡng khoa học cũng sẽ góp phần giúp thúc đẩy mô tế bào nhanh chóng tái tạo và cải thiện thị lực cho người bệnh.

  • Người mắc thoái hóa võng mạc cần bổ sung các chất đạm từ hạt ngũ cốc, thịt động vật, vitamin A, vitamin C, vitamin E, Lutein, Zeaxanthin…
  • Hạn chế những thực phẩm chế biến sẵn để tránh hấp thu nhiều dầu mỡ, cholesterol khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Thoái hóa võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhThoái hóa võng mạc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Thoái hóa võng mạc mắt là một bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thị lực. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh lý này có thể gây mù lòa và những hệ lụy khôn lường.


BS Nguyễn Đức Khoa
Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh
Ý kiến của bạn