Thuốc và phương pháp điều trị polyp mũi

07-11-2024 16:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Polyp mũi có thể làm tắc nghẽn mũi, gây biến chứng khó thở, viêm xoang, song thị hoặc hai mắt xa nhau bất thường... Vì vậy, cần phát hiện và điều trị sớm polyp mũi. Hai phương pháp điều trị bệnh chủ yếu là dùng thuốc và phẫu thuật.

1. Polyp mũi có thể gây ra những biến chứng gì?

Polyp mũi lớn hay nhiều polyp mũi có thể ngăn cản dòng không khí và dẫn lưu dịch trong mũi xoang, dẫn đến các hậu quả sau:

  • Chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Làm bùng phát cơn hen suyễn: Viêm xoang mạn tính kèm polyp mũi có thể khiến bệnh hen nặng hơn và làm cơn hen cấp xuất hiện nhiều hơn.
  • Nhiễm trùng xoang: Polyp mũi có thể khiến bạn dễ bị mắc viêm xoang tái phát nhiều lần.

2. Điều trị nội khoa

Điều trị nội khoa được chỉ định cho các trường hợp polyp mũi mới được phát hiện, có kích thước nhỏ, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc ít gây biến chứng.

Corticoid xịt mũi: Thuốc thường được kê đơn để giảm tình trạng viêm, qua đó làm giảm kích thước hay loại bỏ được polyp. Các thuốc thường dùng có thể giúp thu nhỏ hoặc loại bỏ polyp: triamcinolone (Nasacort), fluticasone (Flonase), budesonide (Rhinocort), flunisolide (Nasarel) hoặc mometasone (Nasonex)…

Polyp mũi sẽ co lại khi sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc nhỏ mũi có chứa steroid. Steroid mạnh hơn ở dạng giọt có thể được sử dụng làm teo polyp mũi. Tuy nhiên, người bệnh nên sử dụng thuốc này một cách cẩn thận và chỉ nên dùng giới hạn trong các đợt ngắn hạn theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng phụ thuộc thuốc.

Polyp phản ứng và co lại bằng cách sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc xịt ở 80% bệnh nhân. Thuốc xịt mũi steroid mới có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng trong nhiều năm một cách hiệu quả vì chúng rất ít được hấp thụ vào cơ thể. Tuy nhiên, nhiều loại steroid phải mất đến 6 tuần điều trị mới thấy có tác dụng.

Thuốc và phương pháp điều trị polyp mũi- Ảnh 1.

Polyp mũi có thể làm tắc mũi, gây biến chứng dẫn đến khó thở cần phát hiện và điều trị sớm.

Chống chỉ định dùng corticosteroid

Corticosteroid dùng xịt mũi nói chung là an toàn trong cách điều trị polyp mũi và hiếm khi gây ra tác dụng phụ. Các phản ứng bất lợi đôi khi được báo cáo bao gồm chảy máu mũi và loét niêm mạc mũi.

Corticoid uống: Nếu corticoid xịt mũi không hiệu quả, corticoid uống có thể được sử dụng. Vì corticoid uống có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể, nên loại thuốc này chỉ nên uống trong một khoảng thời gian ngắn. Thời gian tùy thuộc tình trạng của bạn. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Mặc dù hiệu quả hơn nhưng steroid đường uống có nhiều tác dụng phụ toàn thân khi sử dụng kéo dài. Vì vậy, thuốc này cần phải được sử dụng thận trọng cho các bệnh nhân sau:

  • Bệnh nhân bị đái tháo đường và tăng huyết áp, vì chúng có thể gây khó kiểm soát đường huyết và các cơn tăng huyết áp.
  • Bệnh nhân loét dạ dày, loãng xương và tâm thần là những bệnh nhân chống chỉ định tương đối cho việc sử dụng thuốc này.
  • Cũng nên tránh sử dụng thuốc này ở những bệnh nhân mắc lao phổi, vì có thể khiến bệnh tái phát.

Những tác phụ có thể gặp phải khi sử dụng thuốc corticoid không đúng cách:

  • Đối với hệ tiêu hóa: Gây đau thượng vị, viêm loét dạ dày hay viêm tụy,…
  • Đối với da: Gây ban đỏ, chậm liền sẹo, mụn trứng cá, thậm chí teo da
  • Dùng quá liều cũng khiến người bệnh bị mất ngủ, rối loạn tâm thần
  • Nghiêm trọng hơn có thể gây rối loạn chuyển hóa, bao gồm tăng đường máu, làm tăng mức độ bệnh đái tháo đường,...
  • Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị giác như gây đục thủy tinh thể hay tăng nhãn áp,…
  • Tăng huyết áp
  • Gây phù do giữ natri và nước
  • Loãng xương, teo cơ và loạn dưỡng cơ.

Nguy hại nghiêm trọng khi dùng quá liều corticoid là nguy cơ cao bị teo tuyến thượng thận, khiến tuyến thượng thận không còn khả năng bài tiết hormone như bình thường.

Kháng sinh: Kháng sinh có thể được kê toa trong trường hợp có viêm xoang mạn hay viêm xoang tái phát nhiều lần.

Thuốc kháng histamine: Nếu như bạn bị dị ứng, thuốc kháng histamine có thể được dùng để giảm tình trạng viêm, phù nề do dị ứng gây ra ở mũi xoang.

Lưu ý: Những loại thuốc như kháng histamin hay thuốc thông mũi không tốt để kiểm soát polyp mũi. Nhưng bạn có thể cần dùng thuốc kháng histamin để kiểm soát dị ứng và thuốc kháng sinh nếu bạn bị nhiễm trùng trước khi bắt đầu sử dụng coticoid.

3. Điều trị ngoại khoa

Khi điều trị bằng các loại thuốc không đáp ứng, phẫu thuật cắt bỏ polyp mũi sẽ là phương pháp tiếp theo. Tùy thuộc vào vị trí, kích thước và số lượng polyp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật phù hợp.

Các phương pháp phẫu thuật polyp mũi bao gồm:

Phẫu thuật cắt polyp mũi: Polyp nhỏ và đơn độc sẽ được cắt bỏ dễ dàng bằng máy cắt hút (còn gọi là máy bào mô: microdebrider). Sau phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục điều trị tình trạng viêm bằng kháng sinh và corticosteroid dạng uống.

Phẫu thuật nội soi mũi xoang: Phương pháp phẫu thuật này phức tạp hơn, không những cắt bỏ polyp mà còn mở rộng các lỗ thông xoang bị viêm tắc.

Sau phẫu thuật, người bệnh được điều trị giảm viêm bằng thuốc xịt mũi, các thuốc chống dị ứng và rửa mũi bằng nước muối sinh lý nhằm phòng ngừa polyp tái phát.

4. Các nguy cơ có thể xảy ra khi phẫu thuật cắt polyp mũi?

Thuốc và phương pháp điều trị polyp mũi- Ảnh 2.

Phẫu thuật là một phương pháp được áp dụng để điều trị polyp mũi.

Ngày nay với những tiến bộ về kỹ thuật y khoa, phẫu thuật cắt polyp (phẫu thuật nội soi mũi xoang chức năng) tương đối an toàn. Song các nguy cơ vẫn có thể xảy ra như trong bất kỳ các phẫu thuật nào khác. Bạn vẫn nên tham vấn với bác sĩ về những nguy cơ trước khi đi đến quyết định phẫu thuật. Những nguy cơ có thể của phẫu thuật cắt Polyp bao gồm:

  • Chảy máu.
  • Xơ dính sau mổ.
  • Nhiễm trùng mũi xoang sau mổ.
  • Tắc ống mũi trán (đường thoát dịch từ xoang trán xuống mũi).
  • Rò dịch não tủy.
  • Các biến chứng về mắt: mù, nhìn đôi,…
  • Mucocele hay u nhầy (là loại u lành tính nhưng cứ phát triển dần làm mòn, tiêu xương của thành xoang gây các biến dạng ở mặt).

Tuy nhiên, các tai biến nặng thường rất hiếm xảy ra, tỷ lệ dưới một phần ngàn (1‰). Đa số các biến chứng là nhẹ và tạm thời, bệnh nhân có thể phục hồi được. Các biến chứng nặng nếu phát hiện sớm có thể xử trí và hồi phục tốt.

5. Những việc không nên làm khi bị polyp mũi

Không ngoáy mũi

Ngoáy mũi là một trong những việc làm cấm kỵ khi bị polyp mũi. Việc ngoáy mũi bằng tay thì sẽ mang vi khuẩn vào mũi tạo điều kiện cho polyp mũi phát triển, khi sử dụng các vật dụng để ngoáy mũi sẽ dễ làm tổn thương mũi và các polyp mũi có nguy cơ bị vỡ sẽ rất nguy hiểm.

Không để mũi bẩn

Mũi bẩn có thể khiến niêm mạc mũi tổn thương và là cơ hội cho polyp phát triển gây biến chứng. Vì vậy, người bệnh cần vệ sinh mũi đúng cách hàng ngày. Theo đó, bệnh nhân có thể thấm thuốc vào bông tăm và nhẹ nhàng đưa vào mũi để làm sạch mũi. Lưu ý, không được tự ý mua thuốc để vệ sinh mũi mà cần hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào cho mũi.

Không tự ý dùng thuốc nhỏ mũi

Người bệnh polyp mũi không được tự ý dùng thuốc nhỏ mũi, vì rất có thể sẽ làm tình trạng polyp mũi phát triển ngày càng nặng hơn. Vì vậy, để tránh gây tổn thương cho niêm mạc mũi và khiến polyp phát triển, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, đối với những bệnh nhân polyp mũi cần chú ý không được để mũi bị lạnh, khi đi ra ngoài tốt nhất bạn nên bảo vệ mũi bằng cách đeo khẩu trang, khi ngủ không để quạt quay trực tiếp vào mũi sẽ làm ảnh hưởng đến mũi.

Polyp mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhPolyp mũi: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Polyp mũi là một dạng u lành tính, xuất phát từ tình trạng viêm thoái hóa của niêm mạc mũi xoang. Bệnh tuy không đe dọa tính mạng nhưng gây nhiều phiền toái trong sinh hoạt của người bệnh.


DS. Nguyễn Thanh Huyền
Ý kiến của bạn