Thuốc và món ăn phòng trị cảm mạo

24-02-2020 05:59 | Sức khỏe sinh sản

SKĐS - Thời tiết lạnh, ẩm dễ gây cảm mạo phong hàn nên việc lựa chọn các bài thuốc để chủ động phòng chống các bệnh do hàn tà gây ra là rất cần thiết.

Xin giới thiệu một số bài thuốc và món ăn thuốc đơn giản để phòng và điều trị cảm.

Bài 1: Nước hãm gừng tươi tía tô: lá tía tô 30g, gừng tươi 15g, sắc hãm 15 phút, gạn lấy nước, thêm đường uống. Dùng tốt cho người bị ngoại cảm phong hàn nôn ói đau bụng.

Bài 2: Ngũ thầm thang: gừng tươi, kinh giới, tử tô diệp, trà lượng thích hợp, cùng đem sắc lấy nước, thêm đường đỏ khuấy đều, cho uống. Dùng thích hợp cho người bị ngoại cảm phong hàn.

Bài 3: Cháo kinh giới phòng phong: kinh giới 10g phòng phong 12g, bạc hà 6g, đạm đậu xị 8g, gạo tẻ 80g. Tất cả dược liệu nấu lấy nước bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo, cháo chín cho nước thuốc và đường trắng vừa đủ khuấy đun sôi đều. Dùng tốt cho người bị ngoại cảm sợ lạnh, sợ gió, đau đầu.

Thời tiết lạnh ẩm mùa đông xuân dễ gây cảm lạnh.

Thời tiết lạnh ẩm mùa đông xuân dễ gây cảm lạnh.

Bài 4: Cháo đào nhân: đào nhân 20g, gạo 60g. Đào nhân giã nát, lọc lấy nước, cho gạo đã vo sạch vào nấu cháo, ăn khi đói. Dùng tốt cho người bị đầy tức trướng đau vùng ngực bụng do lạnh. Món này cũng dùng tốt cho người bị đầy tức vùng ngực, hen suyễn, ho.

Bài 5: Cháo hành giải cảm: hành sống 2-3 củ, gừng 10g, gạo tẻ 60g. Hành và gừng giã nát cho vào bát. Gạo vo sạch nấu cháo. Cháo chín, cho vào bát có hành và gừng, khuấy đều, ăn nóng (thêm đường, muối tùy ý). Dùng tốt cho bệnh nhân ngoại cảm phong hàn, đau bụng nôn ói...

Bài 6: Rượu hồ tiêu: hồ tiêu tán bột 50g, rượu trắng 250ml, ngâm trong 15 ngày. Mỗi lần uống 15ml. Người bị phong hàn nhập lý đau quặn bụng, nôn thổ ra nước trong dùng bài này rất hiệu quả.

Bài 7: Thông tiêu ẩm: hành tươi 20g, gừng tươi 10g, bột tiêu 3g. Tất cả cho vào ấm, đổ nước sôi hãm, uống. Dùng tốt cho người bị đau bụng do lạnh, buồn nôn, nôn ra nước trong.

Bài 8: Thông xị thang: hành tươi cả rễ 30g, gừng tươi 8g, đạm đậu xị 12g. Hành rửa sạch thái lát, gừng tươi đập giập, đạm đậu xị nhặt bỏ tạp chất; sắc với 500ml nước, đun sôi, cho tiếp rượu nhạt 30ml khuấy đều, gạn lấy nước thuốc, uống nóng cho vã mồ hôi. Dùng cho người bị cảm mạo phong hàn, đau đầu, đau tức vùng ngực không có mồ hôi, sợ gió sợ lạnh kèm theo có đau bụng buồn nôn, tiêu chảy.

Bài 9: Thông xị hoàng tửu thang: đậu xị 15g, hành lá 30g, hoàng tửu 50ml. Đậu xị đem nấu với 1 bát nước trong 10 phút, tiếp tục cho hành lá đun sôi trong 5 phút, sau cùng cho hoàng tửu vào, khuấy đều. Ăn cái và uống nước canh khi còn nóng ấm. Chữa ngoại cảm phong hàn, sốt nóng, đau đầu có kèm theo nôn thổ, đau bụng tiêu chảy.

Bài 10: Ích trí tán: xuyên ô 4g, ích trí nhân 4g, can khương 0,5g, thanh bì 3g, sinh khương 1g, đại táo 2g. Tất cả sao khô, tán bột. Mỗi lần dùng 10g, uống với nước cơm hay cháo (thêm chút đường hoặc muối). Dùng tốt cho người bệnh đau vùng ngực bụng do lạnh, đầy trướng, ấn nắn đau tức, nôn thổ, tiêu chảy; đau tê nhức chân tay do lạnh.


BS. Phương Thảo
Ý kiến của bạn