Ngộ độc thức ăn là tình trạng khẩn cấp cần phải xử trí nhanh theo các phác đồ cấp cứu giải độc tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, bạn cũng nên biết những nguyên tắc cần thiết nếu chẳng may có người thân trong gia đình, cộng đồng bị ngộ độc thức ăn.
Đa số các biểu hiện của ngộ độc thức ăn thường xảy ra sau khi ăn, uống 5-10 phút đến vài giờ với các triệu chứng như buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy, phân, nước tiểu có thể có máu… Người bệnh có thể sốt hoặc không. Một số tình trạng nặng, nguy cấp gặp khi nhiễm độc nhiễm khuẩn thức ăn, nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư trong thức ăn hoặc khi ăn cá nóc, một số hải sản có chứa độc tố nguy hiểm, vi khuẩn có độc tố phát triển trong thực phẩm như tụ cầu, lỵ trực trùng, phẩy khuẩn tả, vi khuẩn Clostridium botulinum yếm khí sống trong thịt hộp, xúc xích khô, thịt khô hoặc các virut như adeno virus, rotavirus, norwalk virus…
Xử trí đúng cách tại nhà
Trước hết, nếu đang ăn, phải ngừng ăn; nếu bệnh nhân tỉnh táo, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ hết thức ăn độc ra ngoài. Cách gây nôn đơn giản nhất mà hiệu quả là uống một hơi hết 1 cốc nước pha muối (0,9%) rồi dùng tay móc họng, ngoáy vào họng để gây nôn. Nếu không kịp pha nước muối thì có thể uống nước lọc rồi dùng ngón tay trỏ đè vào gốc lưỡi, ép cơ thể nôn được càng nhiều các thức ăn trong dạ dày ra càng tốt. Sau khi gây nôn, nếu thấy nôn ra được hầu hết thức ăn thì để người bệnh nằm nghỉ, nhưng phải theo dõi sát và nếu có bất cứ triệu chứng gì khác lạ cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu bệnh nhân tiêu chảy nhiều thì có thể cho uống dung dịch oresol (pha theo hướng dẫn ghi trên bao bì) hoặc nếu không có sẵn gói oresol thì có thể pha 1 thìa cà phê muối trong 1 lít nước rồi cho người bệnh uống để chống mất nước cho cơ thể.
Điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm. Ảnh: TM
Đối với trường hợp có biểu hiện co giật, rối loạn ý thức thì không gây nôn vì có thể nguy hiểm đến tính mạng. Các trường hợp này cũng như các trường hợp phát hiện các triệu chứng khác lạ hay nặng cần chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt. Không cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc nào theo lời mách bảo. Các chất độc có tự nhiên trong thực phẩm có khá nhiều loại mà đôi khi chúng ta vô tình gặp phải như các loại cá độc, nấm độc, thức ăn bị ôi thiu… Vì vậy, cần đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện hoặc trạm y tế gần nhất với các dịch nôn hoặc thức ăn đang dùng để xét nghiệm tìm ra nguyên nhân gây ngộ độc.
Điều trị ngộ độc thức ăn tại cơ sở y tế
Các thuốc dùng cho trường hợp ngộ độc thức ăn cần sử dụng theo chỉ dẫn của chuyên môn. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, làm dừng chất độc vào máu bằng cách gây nôn cho bệnh nhân. Sử dụng các thuốc sau để nhanh chóng đào thải chất độc ra khỏi cơ thể: than hoạt uống, thuốc nhuận tràng sorbitol uống.
Trong trường hợp bệnh nhân mệt do mất nước bởi nôn, đi ngoài, sốt kéo dài, nhất là ngộ độc thức ăn do độc tố vi khuẩn thì thường nguy hiểm, cơ thể bị mất nước nhanh và nhiều, dễ dẫn đến suy dinh dưỡng do không được cung cấp đủ thức ăn bù lại cho bệnh nhân. Trong trường hợp này cần có các biện pháp can thiệp sau:
- Điều trị mất nước: Uống nước có hòa gói muối chống mất nước (oresol: ORS): cho 2 lít uống trong 4 giờ đầu, trẻ em: 75ml/kg. Nếu không có ORS: 2 thìa đường 1 thìa cà phê muối pha với 200ml nước hoặc pha nước cam, nước dừa, nước suối thành 1 lít vì chúng có nhiều kali tốt cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân vẫn nôn, nên cho uống ít một. Thuốc chống tiêu chảy chỉ dùng khi bệnh nhân đi ngoài nhiều lần toàn nước mà không sốt. Trong những trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc imodium, nếu cầm tiêu chảy rồi thì thôi.
- Thuốc chống nôn khi bệnh nhân nôn quá nhiều có thể cho tiêm thuốc prometazin, diphenhydramin.
- Ở cơ sở y tế có thể truyền dung dịch ringer lactate hay bicarbonate 1,4% 200ml trước rồi truyền natriclorid 0,9%. Rửa dạ dày có kỹ thuật khi lượng chất độc nhiều. Dùng thuốc kháng độc khi biết rõ loại chất độc đó là gì.
- Dùng kháng sinh nếu bệnh nhân có sốt nghi do nhiễm khuẩn (có thể chọn ciprofloxacin)…
Đánh giá mức độ nặng của bệnh nhân dựa vào mạch, huyết áp, mức độ mất nước và nguyên nhân gây ra tình trạng ngộ độc. Tuy nhiên, ngộ độc thức ăn đôi khi không chỉ xảy ra cho một cá nhân, có khi một gia đình, một tập thể ăn cùng một loại thức ăn đó, nó mang tính chất dịch tễ ảnh hưởng tới sức lao động, có khi còn lây lan thành dịch bệnh, nhất là trong mùa hè. Một số nhà ăn tập thể hay đám cưới sử dụng nguồn thực phẩm không đảm bảo có thể làm nhiều người ngộ độc thức ăn cùng lúc cần phải xử trí như một thảm họa y tế với phác đồ cấp cứu được quy định tại bệnh viện.