- 1. Phương án điều trị bằng thuốc cho người bị thuyên tắc phổi
- 2. Các tác dụng phụ thường gặp
- 2.1. Tác dụng phụ của heparin
- 2.2. Tác dụng phụ của enoxaparin
- 2.3. Tác dụng phụ của thuốc tiêu sợi huyết
- 3. Các phương pháp điều trị khác
- 3.1. Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông
- 3.2. Đặt lưới lọc tĩnh mạch (Vein filter)
- 4. Sự nguy hiểm của thuyên tắc phổi
- 5. Lời khuyên để phòng ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng của thuyên tắc phổi
1. Phương án điều trị bằng thuốc cho người bị thuyên tắc phổi
Phác đồ điều trị thuyên tắc phổi với mục đích làm tan cục máu đông, ngăn cục máu đông phát triển lớn hơn và ngăn cục máu đông mới hình thành. Bước đầu tiên trong điều trị thuyên tắc phổi là điều trị shock và cung cấp oxy.
1.1. Các thuốc điều trị thuyên tắc phổi
- Thuốc chống đông máu Heparin: Thường được sử dụng để ngăn sự tạo thành cục máu đông. Heparin có tác dụng chống đông máu nhanh. Heparin còn được dùng dự phòng và điều trị các bệnh do huyết khối như: dự phòng huyết khối tĩnh mạch sâu, điều trị thuyên tắc do huyết khối, dự phòng thành lập cục máu đông trong chạy thận nhân tạo, kết hợp trong điều trị hội chứng mạch vành cấp. Heparin là một thuốc được sử dụng từ lâu và có ưu điểm là giá thành rẻ.

Thuyên tắc phổi hay thuyên tắc mạch phổi là tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi do sự xuất hiện của cục máu đông. Phác đồ điều trị thuyên tắc phổi với mục đích làm tan cục máu đông, ngăn cục máu đông phát triển lớn hơn và ngăn cục máu đông mới hình thành.
Chống chỉ định: Người bị mẫn cảm với heparin; người bị dọa sảy thai, trừ khi có kèm theo đông máu nội mạch; bệnh nhân có vết loét dễ chảy máu, u ác tính và loét dạ dày; bệnh nhân bị rối loạn đông máu nặng; người có các tổn thương, chấn thương và phẫu thuật ở thần kinh trung ương, ở tai và mắt (vẫn dùng được liều thấp để dự phòng huyết khối)...
- Enoxaparin: Bác sĩ có thể thay thế heparin thông thường bằng các heparin trọng lượng phân tử thấp như enoxaparin hay nadroparin trong một số trường hợp do những ưu điểm nổi bật của chúng. Cụ thể, enoxaparin tiện dụng hơn do có thể tiêm dưới da, trong khi heparin thường phải tiêm tĩnh mạch. Thời gian bán thải của enoxaparin dài hơn heparin khoảng 2-3 lần nên chỉ cần dùng 1 lần/ngày.
Enoxaparin tác dụng chọn lọc yếu tố X (Xa) nên tác dụng ổn định, có thể dùng liều cố định theo cân nặng. Còn heparin thường phải điều chỉnh liều theo tác dụng chống đông. Hơn nữa, hiệu quả của enoxaparin bằng hoặc hơn heparin thường, mà tác dụng phụ như chảy máu hay giảm tiểu cầu cũng ít gặp hơn.
Chống chỉ định: chống chỉ định nếu bệnh nhân dị ứng với chế phẩm (với heparin hoặc các dẫn xuất của heparin). Enoxaparin cũng chống chỉ định ở những bệnh nhân đang bị chảy máu nặng hoặc có nguy cơ chảy máu không kiểm soát; bệnh nhân có tiền sử giảm tiểu cầu nghiêm trọng do heparin; bệnh nhân có các rối loạn đông máu; bệnh nhân suy thận nặng (trừ khi có thẩm phân)...
- Thuốc tan sợi huyết: Một số loại thuốc tiêu sợi huyết (làm tan cục máu đông đã hình thành) cũng có thể được sử dụng, nhưng chúng gây nguy cơ chảy máu cao cho bệnh nhân nên thường chỉ được dùng trong những trường hợp nặng.
Chống chỉ định: Chống chỉ định dùng thuốc tiêu sợi huyết cho các đối tượng không chắc chắn thời gian khởi phát huyết khối; có tiền sử xuất huyết nội sọ trong 3 tháng gần thời điểm điều trị; tổn thương cấu trúc mạch máu não; đột quỵ thiếu máu cục bộ trong vòng 3 tháng gần thời gian điều trị; chảy máu nội tạng (không bao gồm kinh nguyệt); tăng huyết áp nặng không kiểm soát được...
2. Các tác dụng phụ thường gặp
2.1. Tác dụng phụ của heparin
Các phản ứng thường gặp là buồn nôn, choáng váng, đổ mồ hôi hoặc khó thở trong hoặc sau khi tiêm. Bệnh nhân sử dụng heparin cũng có thể gặp một số tác dụng phụ ít nghiêm trọng như đau nhẹ, ngứa nhẹ ở chân, thay đổi màu da tại vị trí tiêm, da tái xanh,... Ngoài ra, việc điều trị heparin liều cao trong thời gian dài có thể dẫn đến loãng xương.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần được bác sĩ can thiệp ngay khi sử dụng heparin là:
- Tê đột ngột hoặc không khỏe, đặc biệt là ở 1 bên cơ thể.
- Đau ngực, ho đột ngột, thở nhanh, khó thở, thở khò khè, nhịp tim nhanh.
- Đột ngột đau đầu dữ dội, có vấn đề thị lực, lú lẫn, có vấn đề về ngôn ngữ hoặc thăng bằng.
- Đau, sưng, nóng, đỏ ở 1 hoặc cả 2 chân.
- Buồn ngủ, suy nhược hoặc thở hổn hển (ở trẻ sơ sinh).
- Sốt, ớn lạnh, chảy nước mắt hoặc chảy nước mũi.
2.2. Tác dụng phụ của enoxaparin
Tác dụng phụ ít nghiêm trọng, thường gặp khi sử dụng enoxaparin có thể bao gồm: Buồn nôn và nôn, tiêu chảy; nguy cơ loãng xương, sốt; sưng ở tay hoặc chân; đau, kích ứng, mẩn đỏ hoặc sưng tại vị trí được tiêm thuốc.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần phải ngưng thuốc và thăm khám là khi bị chảy máu bất thường ở mũi, miệng, âm đạo hoặc trực tràng, chảy máu từ vết thương hoặc kim tiêm lâu cầm, chảy máu không dừng lại; da nhợt nhạt, cảm thấy bị choáng váng hoặc khó thở, nhịp tim nhanh và khó tập trung; phân có màu đen hoặc máu, ho ra máu hoặc nôn ra chất giống như bã cà phê; tê, ngứa hoặc yếu cơ, đặc biệt là ở chân và bàn chân; không thể cử động được một số bộ phận cơ thể; yếu đột ngột, nhức đầu nặng, bị nhầm lẫn, khó khăn khi nói, nhìn hoặc mất cân bằng; khó thở...
2.3. Tác dụng phụ của thuốc tiêu sợi huyết
Các biến chứng có thể gặp sau tiêm tiêu sợi huyết bao gồm: Chảy máu não với các triệu chứng đau đầu, buồn nôn/nôn, ý thức xấu đi; xuất huyết trong mắt, chảy máu dạ dày, chảy máu chân răng... Một số phản ứng khác như: Phát ban, mề đay, co thắt phế quản, phù mạch, hạ huyết áp...
3. Các phương pháp điều trị khác
3.1. Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông
Các bác sĩ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ cục máu đông có kích thước quá lớn trong phổi người bệnh thông qua ống thông luồn mạch máu.

Bác sĩ sẽ lựa chọn phương án điều trị bệnh thuyên tắc phổi dựa trên tình trạng của bệnh nhân.
3.2. Đặt lưới lọc tĩnh mạch (Vein filter)
Bác sĩ sẽ sử dụng ống catheter để đặt một bộ lọc trong tĩnh mạch lớn của cơ thể (tĩnh mạch chủ dưới) đi từ chân của người bệnh lên tim. Bộ lọc này có thể giúp giữ cho cục máu đông không đi lên phổi. Tuy nhiên, kỹ thuật này thường dành riêng cho những người không thể dùng thuốc chống đông máu hoặc khi họ có cục máu đông tái phát mặc dù đã sử dụng thuốc chống đông máu.
4. Sự nguy hiểm của thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi hay tắc mạch phổi xảy ra khi cục máu đông ở một vị trí khác trong cơ thể bị vỡ, trôi nổi tự do trong hệ tuần hoàn đến động mạch phổi và gây tắc nghẽn đột ngột dòng máu lưu thông trong vùng đó.
Thông thường, máu lưu thông từ buồng tim phải qua phổi để lấy oxy và loại bỏ CO2, sau đó từ phổi trở về buồng tim trái để bơm đến các phần còn lại của cơ thể. Khi bị thuyên tắc phổi không chỉ gây tổn thương phổi mà còn làm giảm lượng oxy trong máu cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể, có thể gây tổn thưởng tất cả các cơ quan trong cơ thể, bao gồm não, thận và tim.
Thuyên tắc phổi là bệnh thường gặp, tỉ lệ tử vong khoảng 30% nếu không được điều trị. Tuy nhiên tần suất có thể giảm đáng kể nhờ chẩn đoán và điều trị sớm.
5. Lời khuyên để phòng ngừa, giảm thiểu ảnh hưởng của thuyên tắc phổi
- Tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý bỏ thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng.
- Tái khám đúng lịch hẹn để kiểm soát tình trạng bệnh, kịp thời phát hiện những bất thường, ngăn ngừa biến chứng.
- Hạn chế giữ nguyên một tư thế quá lâu.
- Thường xuyên vận động và tập thể dục đều đặn, vừa sức.

Các bác sĩ khuyến cáo người bệnh cần thường xuyên vận động và tập thể dục đều đặn, vừa sức.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, không sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia, cà phê, nước có gas, đồ chiên nóng nhiều mỡ,....
- Kiểm soát nồng độ cholesterol đưa vào cơ thể để ngăn ngừa mỡ máu.
- Kiểm soát cân nặng ở mức ổn định, tránh tình trạng thừa hay thiếu cân.
- Không mặc quần áo quá sát gây cản trở quá trình lưu thông của máu.
- Khi nằm hoặc ngồi, cố gắng giữ ngón chân cao hơn hông.
- Tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị ngay khi có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ thuyên tắc phổi.