Phần lớn bệnh nhân nứt kẽ hậu môn không cần phải phẫu thuật. Nứt kẽ hậu môn cấp tính thường được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) để phân mềm, khuôn hơn. Sử dụng những thuốc đặt tại chỗ để giảm đau, kháng viêm và ngâm hậu môn vào nước ấm 10-20 phút nhiều lần trong ngày (đặc biệt sau khi đại tiện) sẽ làm dịu và lỏng cơ thắt hậu môn, do đó giúp quá trình liền vết thương tốt hơn.
Các trường hợp mạn tính khó điều trị bằng thuốc hay thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
Mục tiêu điều trị nứt kẽ hậu môn là làm giảm áp lực lên ống hậu môn bằng cách làm mềm phân, hạn chế triệu chứng khó chịu và chảy máu. Trong đó, hai phương pháp chính được thực hiện phổ biến bao gồm:
1. Dùng thuốc điều trị nứt kẽ hậu môn
Nếu các phương pháp như thay đổi lối sống, thay đổi thói quen và ăn uống chưa mang lại hiệu quả tích cực, các bác sĩ có thể sử dụng phương pháp điều trị bằng thuốc.
Thuốc điều trị nứt kẽ hậu môn thường gồm thuốc làm mềm phân, thuốc làm lành vết nứt và thuốc làm giảm trương lực cơ thắt.
Một số loại thường được bác sĩ chỉ định như sau:
1.1. Thuốc bôi giúp nhanh lành vết nứt kẽ hậu môn
- Tetracycline
Tetracyclin là loại thuốc kháng sinh phổ rộng quen thuộc đối với nhiều người. Thuốc chứa Tetracycline hydrochloride là thành phần chính có tác dụng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn. Vì vậy, có thể dùng loại thuốc này làm thuốc bôi nứt kẽ hậu môn. Các triệu chứng viêm nhiễm, ngứa ngáy sẽ được cải thiện. Đồng thời, vết nứt sẽ không lan rộng và nhanh lành hơn.
Bên cạnh đó, tetracyclin còn được chỉ định để chữa các bệnh ngoài da.
Lưu ý:
Khi điều trị, cần dùng thuốc một cách thận trọng, bôi thuốc 3 - 4 lần/ngày.
Những người bị dị ứng với thành phần của thuốc và phụ nữ mang thai không nên sử dụng loại thuốc này.
- Nitroglycerin
Là loại thuốc bôi nứt kẽ hậu môn với thành phần chính là nitroglycerin có tác dụng làm giãn mạch máu. Lúc này, máu đi đến vết nứt sẽ được lưu thông dễ dàng. Đồng thời, cơ co thắt được nới lỏng làm giảm áp lực lên vết nứt. Vì vậy, vết nứt hậu môn sẽ lành lại nhanh hơn. Từ đó giúp người bệnh thoát khỏi cảm giác đau rát sau đại tiện.
Cách sử dụng thuốc như sau:
- Vệ sinh sạch sẽ và dùng khăn mềm lau khô da xung quanh hậu môn.
- Sau đó, lấy lượng thuốc vừa phải rồi bôi một lớp mỏng lên da.
- Bôi 2 - 3 lần/ngày vào buổi sáng và tối hoặc khi hậu môn đau rát.
Một số tác dụng phụ cần lưu ý:
- Đau đầu;
- Chóng mặt;
- Hạ huyết áp,…
Tình trạng này sẽ tự biến mất sau vài giờ thoa thuốc.
- Proctolog
Đây là thuốc bôi nứt kẽ hậu môn có tác dụng giảm đau và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm. Với 2 thành phần chính là ruscogénines và trimébutine, loại thuốc này còn giúp bảo vệ mạch máu, tăng tính bền vững cho thành mạch.
Sau một thời gian sử dụng, người bệnh sẽ giảm ngay các cơn đau rát và hạn chế tình trạng chảy máu khi đại tiện.
Proctolog là loại thuốc chỉ được dùng trong một thời gian ngắn, mỗi ngày chỉ bôi từ 1 - 2 lần. Do đó, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng. Tuyệt đối không dùng thuốc một cách tùy tiện.
1.2. Nhóm thuốc nhuận tràng
- Sorbitol
Là thuốc nhuận tràng thẩm thấu, được dùng phổ biến đối với người bị táo bón hoặc khó tiêu. Trong đó, táo bón do nhiều nguyên nhân gây ra như ít vận động, thường xuyên nhịn đại tiện, chế độ ăn ít chất xơ,…
Sorbitol được dùng để cải thiện chứng táo bón khi người bệnh đã tăng cường vận động và điều chỉnh chế độ ăn nhưng không đạt hiệu quả.
Tác dụng của thuốc sorbitol:
Sorbitol có tác dụng làm mềm phân, giúp phân dễ dàng đi qua đường ruột, giúp giảm cảm giác khó chịu và đau khi đi tiêu, giảm tình trạng táo bón…
Liều lượng:
Điều trị táo bón: Người lớn dùng 1 gói vào lúc đói, buổi sáng.
Pha 1 gói trong 1/2 cốc nước, uống trước bữa ăn 10 phút.
Các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng thuốc sorbitol:
- Tiêu chảy;
- Đau bụng;
- Nôn và buồn nôn, đặc biệt ở những người bệnh có đại tràng kích thích;
- Trướng bụng…
Các trường hợp chống chỉ định:
- Quá mẫn với thành phần thuốc;
- Viêm đại tràng thực thể (viêm loét đại - trực tràng, bệnh Crohn);
- Hội chứng tắc ruột hay bán tắc;
- Đau bụng chưa rõ nguyên nhân;
- Vô niệu;
- Tắc đường dẫn mật.
1.3. Thuốc giãn cơ vòng hậu môn:
- Glyceryl Trinitrate (GTN)
Là thuốc được kê đơn để điều trị nứt kẽ hậu môn cho người trưởng thành (trên 18 tuổi). Thuốc có tác dụng hỗ trợ cơ vòng hậu môn thư giãn và cải thiện lưu lượng máu đến hậu môn. Điều này có thể giúp vết nứt lành nhanh chóng hơn.
Thuốc thường được chỉ định điều trị vết nứt hậu môn liên tục trong khoảng 8 tuần. Tuy nhiên, thuốc có thể dẫn đến một số tác dụng phụ bao gồm đau đầu nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ có thể kê thuốc với một nửa liều lượng khuyến cáo hoặc bổ sung thuốc giảm đau như paracetamol.
Glyceryl Trinitrate (GTN) là thuốc tương đối mạnh. Do đó, không tự ý thêm liều nếu không được sự đồng ý của bác sĩ. Ngoài ra, không dùng thuốc cho các trường hợp nứt kẽ hậu môn ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
1.4. Chích độc tố Botulinum Toxin A (Botox)
Nứt hậu môn không có da thừa hay u nhú phì đại cũng có thể điều trị bằng tiêm Botulinum Toxin A vào cơ vòng trong và vết nứt. Với thủ thuật này, người bệnh có thể rút ngắn được thời gian điều trị khi chỉ cần tiêm 1 lần duy nhất, hồi phục nhanh. Tỷ lệ tái phát ở phương pháp này là khoảng 30%.
Trong suốt quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ liều lượng cũng như các yêu cầu và chỉ định của bác sĩ. Để tránh xảy ra tác dụng phụ nguy hiểm, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng.
2. Phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn
Nội soi đại tràng - hậu môn để đánh giá các bệnh lý gây nên nứt kẽ hậu môn.
Sau khi sử dụng thuốc nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm, các trường hợp mạn tính khó điều trị bằng thuốc hay thay đổi lối sống, các bác sĩ sẽ đề nghị phẫu thuật.
Các phương pháp phẫu thuật điều trị nứt kẽ hậu môn thường được áp dụng bao gồm:
2.1. Nong hậu môn
Nong hậu môn là kỹ thuật đưa dụng cụ vào hậu môn tạo phản xạ giúp cho đại tràng được kích thích, tăng nhu động để dễ đẩy phân ra ngoài. Đối với người bệnh hẹp hậu môn nong hậu môn giúp cho lỗ hậu môn từ từ được nới rộng và dần trở về kích thước bình thường.
Chỉ định nong hậu môn:
Người bệnh hẹp hậu môn bẩm sinh hoặc mắc phải sau phẫu thuật tạo hình hậu môn.
Nong hậu môn dự phòng hẹp hậu môn trong tất cả các trường hợp tạo hình hậu môn trực tràng.
Người bệnh táo bón.
2.2. Phẫu thuật cắt bên cơ thắt trong hậu môn
Đây là "tiêu chuẩn vàng" trong điều trị các trường hợp nứt hậu môn đã điều trị nội khoa thất bại. Thủ thuật này được sử dụng rộng rãi nhất trong việc điều trị các vết nứt hậu môn. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ tạo một vết cắt nhỏ ở cơ vòng hậu môn bên cạnh tương ứng với chiều dài khe nứt.
Các nghiên cứu cũng xác định rằng, đối với vết nứt mạn tính, phẫu thuật luôn mang lại hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, phương pháp này cũng có nguy cơ gây ra chứng tiểu không kiểm soát.
2.3. Phẫu thuật cắt mô xung quanh vết nứt
Các mô xung quanh vết nứt ở hậu môn sẽ được cắt bỏ hoàn toàn để vết thương có thể lành. Thông thường, phương pháp này được kết hợp với điều trị nứt kẽ hậu môn bằng nội khoa bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt mở cơ thắt trong.
Trong thủ thuật này phần nứt hậu môn bị loại bỏ hoàn toàn để vết thương hở tự lành một cách tự nhiên, thường được kết hợp với cắt bên cơ vòng trong hậu môn hoặc kết hợp với các loại thuốc bổ trợ khác.
Phẫu thuật nứt kẽ hậu môn nhằm tạo ra một đường cắt làm cho cơ vòng trong hậu môn giảm co thắt, từ đó có thời gian để chữa lành.
Phẫu thuật này được tiến hành nhằm mục đích làm rộng ra hoặc nới cơ vòng ở hậu môn để ngăn không cho lỗ hậu môn bị các vết nứt làm hẹp lại. Thủ thuật này thường được chỉ định đối với nứt kẽ hậu môn mạn tính và người bệnh bị tái phát nhiều lần.
3. Lưu ý khi điều trị nứt kẽ hậu môn
Để điều trị nứt kẽ hậu môn đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau:
- Vệ sinh sạch sẽ tay và vùng hậu môn trước khi tiến hành bôi thuốc trị vết nứt kẽ ở hậu môn;
- Sau mỗi lần đi vệ sinh nên thấm khô hậu môn bằng khăn mềm hoặc giấy chất lượng, không dùng giấy vệ sinh thô hoặc giấy có mùi thơm để tránh kích ứng hậu môn;
- Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng thuốc;
- Nếu thấy những triệu chứng bất thường hoặc không có tiến triển thì hãy ngừng thuốc và đi tái khám.