Thuốc và các phương pháp điều trị nhồi máu não

25-10-2024 18:55 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Nhồi máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên thế giới. Thời gian và cách thức xử lý có vai trò quyết định tỷ lệ thành công trong điều trị căn bệnh này.

Các phương pháp điều trị nhồi máu não phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi bắt đầu điều trị, vị trí và kích thước cục máu đông và sức khỏe tổng thể của người bệnh…

1. Điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết

Thuốc tiêu sợi huyết (tiêu huyết khối) có vai trò làm tan huyết khối. Đây là thuốc duy nhất được Cơ quan Kiểm soát thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận sử dụng trong điều trị đột quỵ thiếu máu não cấp trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên xuất hiện.

Thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Alteplase) có vai trò giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ não. Để đạt tác dụng tối ưu và giảm biến chứng, người bệnh cần được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 3 giờ, tối đa 4,5 giờ đầu kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng. Đây được gọi là "thời gian vàng" để điều trị nhồi máu não bằng thuốc tiêu sợi huyết.

Cứ 3 bệnh nhân điều trị trong "thời gian vàng" sẽ có 1 bệnh nhân đạt kết quả tốt hơn so với không được điều trị kịp thời. Ngoài ra, cứ 8 bệnh nhân sẽ có 1 người có thể trở về cuộc sống bình thường. Do đó, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

 Thuốc tiêu sợi huyết có vai trò làm tan huyết khối ở não

Người bệnh nhồi máu não cần được điều trị càng sớm càng tốt.

1.1. Điều trị tiêu huyết khối bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch

Theo khuyến cáo, thuốc tiêu sợi huyết Alteplase (Actylyse lọ 50mg/50ml) được dùng với liều 0,9mg/kg (liều tối đa 90mg), Trong đó 10% tiêm liền vào tĩnh mạch trong 1 phút. 90% còn lại được truyền tĩnh mạch liên tục trong 1 giờ.

Sau đó, bệnh nhân được chuyển tới khoa điều trị tích cực hoặc đơn vị đột quỵ não để theo dõi.

Chụp lại cắt lớp vi tính sau 24 giờ để theo dõi tiến triển của nhồi máu não và tầm soát biến chứng của tiêu sợi huyết, và có thể bắt đầu dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu sau đó nếu không thấy biểu hiện chảy máu.

1.2. Điều trị tiêu huyết khối bằng thuốc tiêu sợi huyết đường động mạch

Điều trị tiêu huyết khối đường động mạch có ưu điểm là thuốc tập trung với nồng độ cao tại vùng có cục huyết khối, ít ảnh hưởng toàn thân; đồng thời có thể đánh giá trực tiếp quá trình tái thông mạch. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật phức tạp và chỉ thực hiện được ở một số ít cơ sở chuyên khoa hoặc các trung tâm đột quỵ lớn. Do vậy, tỷ lệ bệnh nhân được tiến hành điều trị tiêu huyết khối đường động mạch thấp hơn nhiều so với đường tĩnh mạch.

Sau khi tiến hành chụp DSA, tiếp cận vị trí tắc, tiến hành bơm rtPA pha loãng 0,2mg/ml trực tiếp vào vị trí tắc. Chụp kiểm tra đánh giá trực tiếp sự tái thông mạch.

Tuy nhiên, có một số biến chứng có thể gặp sau tiêm huyết khối, bao gồm chảy máu não, chảy máu ngoài sọ và một số phản ứng quá mẫn khác như phát ban, mày đay, co thắt phế quản, phù mạch, hạ huyết áp...

2. Can thiệp nội mạch lấy huyết khối trong đột quỵ nhồi máu não cấp

Phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết thường được dùng để cấp cứu đột quỵ do tắc các mạch máu não nhỏ. Nếu đột quỵ do cục máu đông làm tắc mạch máu não lớn, người bệnh sẽ được can thiệp mạch máu não để lấy huyết khối.

Can thiệp mạch máu não lấy huyết khối trong đột quỵ nhồi máu não cấp cần được thực hiện càng sớm càng tốt. Thời gian tối ưu được bác sĩ khuyến cáo là trong 4-6 giờ đầu tiên sau khi bệnh khởi phát, có thể mở rộng lên đến 24 giờ đầu. Can thiệp nội mạch lấy huyết khối chỉ được áp dụng điều trị những trường hợp đột quỵ nhồi máu não cấp đáp ứng đủ yêu cầu về tính an toàn.

Tùy vào từng trường hợp đột quỵ nhồi máu não cấp, bác sĩ sẽ cân nhắc tiêm thuốc tiêu sợi huyết vào động mạch bị tắc hoặc can thiệp mạch lấy cục máu đông bằng dụng cụ cơ học. Việc này giúp tái thông động mạch và hạn chế tình trạng tái phát huyết khối.

Ở những trường hợp phát hiện đột quỵ nhồi máu não muộn, bác sĩ sẽ xác định vùng não bị hoại tử bằng cách chỉ định cho người bệnh thực hiện các chẩn đoán hình ảnh như chụp MRI tưới máu não (tiêm thuốc cản từ), chụp CT Scanner (tiêm thuốc cản quang). Qua đó, bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc thực hiện can thiệp nội mạch lấy huyết khối mặc dù đã qua "thời gian vàng" cấp cứu đột quỵ não.

3. Điều trị nhồi máu não bằng phương pháp đặt stent động mạch cảnh

Thuốc và các phương pháp điều trị nhồi máu não- Ảnh 3.

Đặt stent động mạch cảnh được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh, thường do xơ vữa động mạch.

Đặt stent động mạch là một trong những phương pháp can thiệp mạch được sử dụng để điều trị nhồi máu não, đặc biệt là trong trường hợp nguyên nhân nhồi máu não liên quan đến hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch cảnh.

Phương pháp đặt stent động mạch cảnh là lựa chọn điều trị không phẫu thuật, được tiến hành bằng cách đưa những dụng cụ nhỏ vào lòng động mạch, tiếp cận vị trí tổn thương, mở rộng lòng động mạch cảnh bị hẹp bằng khung đỡ kim loại, giải phóng chỗ hẹp, giúp cho việc lưu thông máu lên não đầy đủ hơn.

Đặt stent động mạch cảnh là một kỹ thuật ít xâm lấn được sử dụng để điều trị hẹp động mạch cảnh, thường do xơ vữa động mạch. Đối với trường hợp bệnh ở giai đoạn sớm, mức độ hẹp ít, người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn điều trị nội khoa bằng thuốc kết hợp thay đổi lối sống nhằm làm chậm tiến triển bệnh cũng như ngăn ngừa biến chứng của hẹp động mạch cảnh.

Mặc dù phẫu thuật bóc nội mạc động mạch cảnh đã được chứng minh hiệu quả hơn và là lựa chọn hàng đầu trong điều trị hẹp động mạch cảnh mức độ nghiêm trọng và ở những bệnh nhân nguy cơ từ phẫu thuật thấp, tuy nhiên kỹ thuật đặt stent động mạch cảnh lại đóng vai trò quan trọng ở những người bệnh có nguy cơ phẫu thuật cao, khi phẫu thuật mổ mở gây ra nguy cơ cao cho người bệnh hơn là can thiệp đặt stent.

Đối với phương pháp đặt stent động mạch cảnh, bệnh nhân không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ. Phương pháp tái thông này cũng áp dụng được cho đoạn nền sọ cũng như đoạn động mạch đi trong sọ, những vị trí mà phẫu thuật đơn thuần rất khó tiếp cận. Do đó, phẫu thuật và đặt stent động mạch cảnh đều có ưu nhược điểm riêng, được lựa chọn tùy vào thể trạng người bệnh, vị trí tổn thương cũng như luôn được thảo luận đồng thuận bởi các chuyên gia và bệnh nhân.

4. Phẫu thuật

Thuốc và các phương pháp điều trị nhồi máu não- Ảnh 4.

Trong một số trường hợp nhồi máu não, phẫu thuật có thể được chỉ định.

Thông thường, các phương pháp điều trị như tiêu sợi huyết hoặc can thiệp mạch sẽ được ưu tiên để làm tan cục máu đông và khôi phục dòng máu đến não. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, phẫu thuật có thể được chỉ định. Quyết định cuối cùng về việc có phẫu thuật hay không sẽ do bác sĩ chuyên khoa đưa ra dựa trên đánh giá toàn diện tình trạng của bệnh nhân.

Một số trường hợp đặc biệt có thể được chỉ định phẫu thuật bao gồm:

Tụ máu não: Nếu cục máu đông gây ra xuất huyết não, phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ máu tụ, giảm áp lực lên não và ngăn ngừa tổn thương não nghiêm trọng hơn.

Chèn ép não (hiệu ứng khối): Khi cục máu đông gây ra chèn ép các cấu trúc quan trọng trong não, phẫu thuật có thể cần thiết để giải phóng áp lực và bảo vệ não.

Mảnh vỡ mạch máu di chuyển: Nếu các mảnh vỡ của mạch máu bị vỡ di chuyển vào não và gây tắc nghẽn, phẫu thuật có thể được thực hiện để loại bỏ chúng.

Mạch máu bị rách nghiêm trọng: Trong trường hợp mạch máu bị rách nghiêm trọng, phẫu thuật có thể được thực hiện để sửa chữa mạch máu và ngăn chặn chảy máu.

Tóm lại: Nhồi máu não là một tình trạng cấp cứu y tế đòi hỏi phải được điều trị kịp thời để giảm thiểu tổn thương não và phục hồi chức năng. Tương ứng với thời gian từ khi nhồi máu não đến khi nhập viện khác nhau vẫn có thể có các lựa chọn điều trị khác nhau, tuy nhiên nhìn chung thời gian điều trị càng sớm, khả năng phục hồi của người bệnh càng cao. Vì vậy, khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nhồi máu não, hãy gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, giảm thiểu những di chứng của bệnh.

Nhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhồi máu não: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS- Nhồi máu não còn được gọi là đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi động mạch não bị hẹp, tắc nghẽn, dẫn đến thiếu cung cấp máu lên não. Điều này khiến một phần não bị suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vị trí và kích thước của vùng não bị nhồi máu.


BS. Ngọc Minh
Ý kiến của bạn