Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậm

25-10-2024 19:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Ở người trưởng thành, nhịp tim trung bình từ 60-100 lần/phút. Khi tim đập chậm dưới 60 lần/phút có thể là nhịp tim chậm. Nhịp tim chậm ít xảy ra hơn nhịp tim nhanh, nhưng có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, cần được điều trị kịp thời.

1. Các phương pháp chẩn đoán nhịp tim chậm

Khi nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu nhịp tim chậm, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, tìm hiểu các triệu chứng và thực hiện các thăm khám, xét nghiệm. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra mạch của bệnh nhân và lắng nghe nhịp tim của bệnh nhân.

Nhịp tim chậm có thể được phát hiện khá đơn giản qua khám lâm sàng, đếm nhịp mạch cho thấy kết quả là tim đập rất chậm.

Để xác định tình trạng nhịp tim chậm, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán sau:

1.1. Điện tâm đồ

Phương pháp này rất cần thiết đối với bệnh nhân có triệu chứng nhịp tim chậm. Bằng cách theo dõi hoạt động điện tim thông qua các điện cực được dán vào ngực của người bệnh, bác sĩ có thể phát hiện tín hiệu bất thường nhịp tim.

Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậm- Ảnh 1.

Điện tâm đồ là chẩn đoán cần thiết đối với bệnh nhân có triệu chứng nhịp tim chậm.

1.2. Siêu âm tim

Đây là phương pháp chẩn đoán các vấn đề bất thường ở tim phổ biến hiện nay. Các thông tin liên quan đến tình trạng của tim có thể được nhận biết thông qua siêu âm tim là: Kích thước, hình dạng, hoạt động co bóp của tim, cấu trúc van tim, nhịp tim…

1.3. Holter điện tâm đồ

Một số trường hợp tình trạng nhịp tim chậm xuất hiện ở những thời điểm khác nhau, khi đo điện tim khó phát hiện. Khi đó bác sĩ có thể cho bệnh nhân đeo một thiết bị theo dõi nhịp tim liên tục (Holter điện tâm đồ) từ 24 – 48 - 72 giờ hoặc 7 ngày, 14 ngày. Các chỉ số nhịp tim của bệnh nhân theo từng thời điểm sẽ được ghi lại đầy đủ trong suốt thời gian đeo thiết bị. Từ đó, bác sĩ sẽ chẩn đoán được các bất thường nhịp tim.

1.4. Thiết bị ghi điện tim cấy trong cơ thể

Nếu sử dụng Holter điện tâm đồ nhưng vẫn không đo được bất thường nhịp tim, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng máy ghi điện tim cấy trong cơ thể. Thiết bị sẽ hoạt động, ghi lại nhịp tim liên tục trong vài tuần đến vài tháng. Phương pháp này có thể xác định được rối loạn nhịp tim tại thời điểm bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.

1.5. Nghiệm pháp bàn nghiêng

Nhịp tim chậm có thể khiến bệnh nhân bị ngất xỉu nhiều lần. Do đó, nghiệm pháp bàn nghiêng được áp dụng để tìm nguyên nhân gây ngất có liên quan đến vấn đề ở tim hay không. Bệnh nhân nằm trên bàn nghiêng, thay đổi tư thế trong thời gian nhất định và được theo dõi liên tục để phát hiện tư thế tạo ra các triệu chứng gây ngất.

1.6. Nghiệm pháp gắng sức

Nhịp tim thay đổi sinh lý theo nhu cầu hoạt động của cơ thể: thường nhịp tim chậm khi nghỉ ngơi, tăng lên khi vận động, gắng sức. Tuy nhiên, những bệnh nhân có bệnh lý nhịp tim chậm sẽ không có phản xạ tăng nhịp tim khi gắng sức. Do đó, phương pháp này có thể giúp đánh giá tình trạng nhịp tim chậm.

Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậm- Ảnh 3.

Nghiệm pháp gắng sức có thể giúp đánh giá tình trạng nhịp tim chậm.

1.7. Đo mức độ chất điện giải

Xét nghiệm này giúp đo mức độ các chất điện giải trong máu như kali, magie, canxi… Nếu kết quả cho thấy mức độ các chất điện giải bị thiếu hụt, giảm sút nghiêm trọng có thể được chẩn đoán là nguyên nhân gây ra tình trạng nhịp tim chậm.

1.8. Kiểm tra nồng độ hormone tuyến giáp

Tuyến giáp là cơ quan thường dễ bị rối loạn chức năng, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, trong đó có nhịp tim chậm. Do đó, thực hiện xét nghiệm đo nồng độ hormone tuyến giáp, đánh giá chức năng của tuyến giáp có thể giúp sàng lọc các nguyên nhân gây nhịp tim chậm có liên quan đến sự rối loạn chức năng tuyến giáp.

1.9. Xét nghiệm Troponin

Khi cơ tim bị tổn thương, nồng độ Troponin sẽ tăng lên trong máu. Xét nghiệm Troponin giúp chẩn đoán các vấn đề tổn thương ở tim như nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim…

2. Điều trị nhịp tim chậm

2.1. Phương pháp điều trị nhịp tim chậm

Phương pháp điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân bệnh lý nền gây ra và các triệu chứng biểu hiện.

Nếu như nhịp tim chậm không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì sẽ không cần thiết phải điều trị, trừ khi nguyên nhân bệnh lý nền gây nên nhịp tim chậm cần phải được điều trị.

Nếu nhịp tim chậm do một số bệnh lý gây ra (như thiểu năng tuyến giáp, hoặc mất cân bằng điện giải,...), thì thường sau khi giải quyết nguyên nhân cũng sẽ giải quyết được tình trạng nhịp tim chậm.

Nếu việc sử dụng thuốc điều trị bệnh nền khiến tim đập quá chậm, bác sĩ có thể chỉ định giảm liều thuốc đang sử dụng hoặc chuyển sang điều trị bằng một loại thuốc khác.

Nếu như tổn thương của hệ dẫn truyền xung điện là nguyên nhân khiến nhịp tim chậm thì bệnh nhân có thể sẽ phải đặt máy tạo nhịp nhân tạo.

2.2. Thuốc điều trị nhịp tim chậm

Tùy theo tuổi tác, nguyên nhân gây ra tình trạng nhịp tim chậm, bệnh nền kèm theo… bác sĩ sẽ cân nhắc hướng điều trị và chỉ định cho dùng loại thuốc điều trị phù hợp.

Điều trị nhịp tim chậm bằng phương pháp nội khoa có thể sử dụng các loại thuốc như sau:

  • Atropine: Là thuốc ức chế cạnh tranh acetylcholin ở thụ thể M2 cơ tim, ức chế phó giao cảm. Thuốc chống chỉ định với những bệnh nhân được chẩn đoán Glaucoma góc đóng hoặc bệnh nhân bị u xơ tuyến tiền liệt.
  • Isoproterenol: Là nhóm thuốc kích thích giao cảm không chọn lọc, thuốc không được sử dụng đối với những bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc có cơn đau thắt ngực tiến triển.
  • Epinephrine: Là nhóm thuốc kích thích giao cảm.
  • Dopamine: Là nhóm thuốc kích thích thụ thể Beta 1 cùng với Alpha của hệ giao cảm.
  • Xanthine oxidase: Được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có nhịp chậm xoang, suy nút xoang mức độ nhẹ.

Lưu ý: Thuốc điều trị rối loạn nhịp tim chậm cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định và bệnh nhân phải hợp tác sử dụng đúng liều và thời gian dùng thuốc thì kết quả điều trị mới được cải thiện.

2.3. Cấy máy tạo nhịp tim

Nếu điều trị bằng thuốc không đem lại hiệu quả như mong muốn, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân cấy máy tạo nhịp tim (tạm thời hay vĩnh viễn). Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những bệnh nhân bị hội chứng suy nút xoang, block nhĩ thất hoàn toàn… Đây là giải pháp lâu dài giúp điều trị hiệu quả tình trạng nhịp tim chậm bệnh lý.

Máy cấy tạo nhịp tim là một thiết bị được cấy ghép vào cơ thể nhằm điều chỉnh lại tần số tim. Những bệnh nhân mang máy tạo nhịp nhân tạo vẫn hoàn toàn có thể sống cuộc sống bình thường, năng động (tuy nhiên cũng còn phải tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý nền đang có).

Thuốc và các phương pháp điều trị nhịp tim chậm- Ảnh 4.

Cấy máy tạo nhịp tim là giải pháp lâu dài giúp điều trị hiệu quả tình trạng nhịp tim chậm bệnh lý.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân bị nhịp tim chậm

Để đưa nhịp tim trở lại mức bình thường, bệnh nhân bị nhịp tim chậm cần chú ý, bên cạnh việc tái khám định kỳ và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ tim mạch, nên kết hợp một số biện pháp sau:

  • Có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Hãy chú ý cân bằng công việc cũng như sinh hoạt, tránh căng thẳng, áp lực.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tốt cho sức khỏe tim mạch như: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc, cá…
  • Hạn chế những thực phẩm nhiều dầu mỡ, đóng hộp.
  • Giảm lượng muối, đường trong chế biến món ăn.
  • Tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục thường xuyên với cường độ phù hợp.
  • Giảm cân khoa học nếu thừa cân, béo phì.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…
  • Kiêng chất kích thích như: rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
  • Tuân thủ điều trị các bệnh nền hiện có.
  • Ngoài ra, việc sàng lọc sớm bệnh tim mạch cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người bệnh phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh và có biện pháp bảo vệ cơ thể khỏi những biến chứng nghiêm trọng.
Nhịp tim chậm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaNhịp tim chậm: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến hệ thống điện học trong tim. Đồng thời, nhịp tim chậm cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.


BS. Phan Thuỳ Dương
Ý kiến của bạn