Thuốc và các phương pháp điều trị ngoại tâm thu

13-11-2024 09:29 | Tra cứu bệnh

SKĐS- Ngoại tâm thu là một rối loạn nhịp tim thường gặp. Ở người khỏe mạnh, bệnh được xem là lành tính và không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ngoại tâm thu có các bệnh nền liên quan đến tim mạch, cần chú ý thăm khám và điều trị sớm.

Mục tiêu của việc điều trị ngoại tâm thu là giảm triệu chứng bệnh, ngăn ngừa suy giảm chức năng tim do ngoại tâm thu, ngăn ngừa biến chứng và đột tử do tim.

Ở những người khỏe mạnh, không mắc bệnh tim mạch nền, ngoại tâm thu xuất hiện thưa thớt thì thường không cần điều trị. Bệnh thường lành tính và có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc hay biện pháp can thiệp nào. Thay đổi lối sống và một số giải pháp không dùng thuốc có thể kiểm soát các triệu chứng của ngoại tâm thu ở những trường hợp này.

Đối với những trường hợp có bệnh lý nền, phương pháp điều trị cần kết hợp thay đổi lối sống, sử dụng thuốc, điều trị bệnh lý nền hoặc thực hiện các kỹ thuật can thiệp nhằm kiểm soát bệnh và hạn chế tần suất bệnh.

1. Điều trị ngoại tâm thu bằng thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống là một phần quan trọng trong điều trị ngoại tâm thu, giúp giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn ngoại tâm thu, cải thiện sức khỏe tim mạch. Cụ thể:

  • Thực hiện lối sống lành mạnh, cân bằng.
  • Lựa chọn chế độ ăn uống tốt cho tim mạch: Bổ sung nhiều rau xanh và trái cây trong khẩu phần ăn; Sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc, thịt da cầm đã bỏ da. Ưu tiên các món hấp, luộc, đồng thời hạn chế những thực phẩm được chế biến sẵn, món ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ…
  • Ngừng hoặc hạn chế sử dụng thuốc lá và các loại thức uống chứa cồn như rượu, bia; các chất kích thích như cà phê…
  • Rèn luyện thói quen tập thể dục đều đặn thường xuyên để nâng cao thể lực, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tim mạch.
  • Tránh học tập và làm việc quá sức. Giảm thiểu các căng thẳng trong công việc và cuộc sống. Tránh các tình huống xúc cảm mạnh.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần. Giữ trạng thái tích cực và thoải mái.
  • Tập thói quen đi ngủ và thức dậy trong cùng một khung giờ, duy trì nhiệt độ phòng ngủ luôn mát mẻ, tắt các thiết bị phát sáng… để có giấc ngủ ngon, ngủ đủ giấc.
  • Kiểm soát tốt các bệnh nền hiện có, đặc biệt các bệnh tim mạch bằng cách tuân thủ điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
  • Thăm khám sức khỏe tim mạch theo định kỳ.
Thuốc và các phương pháp điều trị ngoại tâm thu- Ảnh 1.

Tập thể dục đều đặn thường xuyên cải thiện sức khỏe tim mạch.

2. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc ức chế ngoại tâm thu thường được sử dụng khi triệu chứng bệnh xảy ra thường xuyên hoặc bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng. Các nhóm thuốc điều trị bao gồm:

2.1. Thuốc điều trị các bệnh lý nền

Khi ngoại tâm thu xuất phát từ những bệnh lý tim mạch khác như tăng huyết áp, bệnh van tim, thiếu máu cơ tim cục bộ,... người bệnh cần sử dụng thuốc để kiểm soát tốt bệnh nền, điều này giúp giảm những đợt xuất hiện bệnh ngoại tâm thu. Thuốc được chỉ định sử dụng dựa trên loại bệnh, mức độ tổn thương của bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.

2.2. Thuốc chống rối loạn nhịp tim

Thuốc chống loạn nhịp nhóm III: Amiodarone là lựa chọn đầu tay trong điều trị ngoại tâm thu. Thuốc có tác dụng làm giảm số lượng và mức độ nguy hiểm của bệnh. Amiodarone được sử dụng cho người bệnh xuất hiện ngoại tâm thu sau cơn nhồi máu cơ tim, trong gắng sức, bệnh viêm cơ tim mạn tính, suy giảm chức năng tim, bệnh mạch vành ổn định. Thuốc cũng được sử dụng khi người bệnh không đáp ứng với những thuốc điều trị khác.

Một số tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc amiodarone bao gồm: hạ huyết áp, buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón. Mặc dù hiếm gặp, thuốc có thể gây rối loạn thị giác, giảm thị lực. Thuốc cũng có thể gây độc tính trên gan, độc tính trên phổi gây xơ phổi khi dùng kéo dài, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tuyến giáp hoặc ảnh hưởng trên thần kinh.

Thuốc chẹn beta giao cảm: Điều trị và giảm mức độ nguy hiểm của ngoại tâm thu ở người bệnh có bệnh mạch vành sau phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành, nhồi máu cơ tim và sa van hai lá, bệnh lý xảy ra do gắng sức. Những thuốc ức chế beta thường được sử dụng như: metoprolol, pindolol, atenolol, propranolol.

Thuốc chẹn beta giao cảm thể gây ra một số tác dụng phụ như: Mỏi cơ; giảm nhịp tim và huyết áp ở một số bệnh nhân, gây choáng và ngất xỉu; hạ đường huyết quá mức ở những bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin; rối loạn cương dương, giảm trí nhớ, mất ngủ, chân tay lạnh, trầm cảm...

Thuốc chẹn kênh canxi: Thuốc được sử dụng khi ngoại tâm thu gây ra do nguyên nhân thiếu máu cấp do co thắt hệ động mạch vành. Thuốc nhóm chẹn kênh canxi thường dùng là thuốc diltiazem.

Các tác dụng phụ của thuốc chẹn kênh canxi có thể gặp trong quá trình sử dụng là: đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn, mệt mỏi, huyết áp thấp, rối loạn nhịp tim, khô miệng, phù ngoại vi, táo bón, tiêu chảy…

Thuốc nhóm IA: Các thuốc của nhóm này bao gồm disopyramide và lidocaine. Disopyramide được chỉ định điều trị cho người bệnh không mắc bệnh tim, bệnh cơ tim phì đại. Thuốc lidocaine thường chỉ được sử dụng trong các trường hợp cấp cứu bằng cách tiêm truyền qua đường tĩnh mạch, đặc biệt do nhồi máu cơ tim.

3. Triệt đốt ngoại tâm thu bằng sóng cao tần

Thuốc và các phương pháp điều trị ngoại tâm thu- Ảnh 3.

Thực hiện đốt ngoại tâm thu bằng sóng cao tần.

Đối với những trường hợp người bệnh ngoại tâm thu không đáp ứng với liệu pháp thay đổi lối sống hoặc sử dụng thuốc, người bệnh có thể được chỉ định triệt đốt ngoại tâm thu bằng sóng cao tần.

Kỹ thuật này dựa trên cơ sở sử dụng những ống thông (catheter) chuyên biệt đưa vào trong các buồng tim. Các cảm biến (điện cực) trên đầu ống thông sử dụng năng lượng tần số vô tuyến để phá hủy vùng mô tim gây ra các cơn ngoại tâm thu, đồng thời khôi phục nhịp tim bình thường.

Triệt đốt ổ loạn nhịp bằng năng lượng sóng cao tần là phương pháp điều trị ít xâm lấn và tối ưu khi bệnh nhân đã dùng thuốc chống loạn nhịp nhưng hiệu quả, ở bệnh nhân có các cơn loạn nhịp nhanh gây các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng, hoặc làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như tiên lượng của người bệnh. Ưu điểm lớn nhất của đốt sóng cao tần là có khả năng loại bỏ được vĩnh viễn ổ gây ra loạn nhịp trong nhiều trường hợp, đặc biệt là đối với những ổ phát xung điện bất thường rõ ràng và dễ xác định

Tóm lại, ngoại tâm thu có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Điều quan trọng là phải xác định chính xác mức độ bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị để giảm thiểu triệu chứng bệnh cũng như phòng ngừa tái phát cơn ngoại tâm thu.

Rối loạn nhịp tim ở người cao tuổiRối loạn nhịp tim ở người cao tuổi

SKĐS - Rối loạn nhịp tim thường gặp ở người cao tuổi, thậm chí họ không có tiền sử bệnh tim hoặc các bệnh khác. Tuy nhiên, hầu hết các rối loạn nhịp tim là hậu quả của tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành.


Bs Nguyễn Minh Ngọc
Ý kiến của bạn