Hà Nội

Thuốc và các phương pháp điều trị mụn cóc

25-08-2024 16:26 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Thuốc điều trị mụn cóc chủ yếu là dùng một số hoạt chất để bạt sừng, bong vẩy, đốt cháy, loại bỏ u nhú, hạn chế sự lây lan virus HPV.

Mụn cóc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhMụn cóc: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Mụn cóc là bệnh da liễu thường gặp gây ra bởi HPV (Human Papilloma Virus) – virus gây u nhú ở người. Virus HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài, tạo thành những u nhỏ lành tính, bề mặt sần sùi, gọi là mụn cóc. Bệnh dễ lây lan và cần được điều trị đúng cách.

1. Vì sao bị mụn cóc?

Mụn cóc do virus HPV gây ra. Đây là loại virus có mặt ở nhiều nơi và cũng là virus gây ra bệnh ung thư cổ tử cung.

Các nhà khoa học đã xác định được hơn 100 chủng (type) virus HPV khác nhau, nhưng chỉ có một số chủng là có thể gây ra mụn cóc. Trong đó chủng 6 và 11 gây ra khoảng 90% mụn cóc.

Mụn cóc lây chủ yếu do truyền nhiễm khi da tiếp xúc trực tiếp với da qua vết cắt, vết nứt hoặc da tiếp xúc với những vật dụng chung có dính virus HPV. Loại virus này có thể ở trên bề mặt như khăn tắm, đồ dùng cá nhân. HPV cũng có thể lây qua bàn chân trần khi đi ở hồ bơi, nhất là bàn chân có tổn thương.

Tuy nhiên, tùy vào cơ địa và sức khỏe hệ miễn dịch của mỗi người khi tiếp xúc với virus HPV có thể phát bệnh mụn cóc hay không. Đa số bệnh nhân khỏe mạnh và hệ miễn dịch tốt sẽ không bị mụn cóc, dù có tiếp xúc với virus HPV.

Thuốc và các phương pháp điều trị mụn cóc- Ảnh 2.

Mụn cóc ở lòng bàn chân. (ảnh minh họa)

2. Khi nào cần điều trị mụn cóc?

Mụn cóc nhỏ thường vô hại và dần dần tự biến mất. Các mụn cóc to có thể ảnh hưởng đến các mô cơ bên dưới da. Bên cạnh hầu hết các nốt mụn cóc lành tính, hiện nay vẫn có nhiều loại mụn cóc có xu hướng phát triển nhanh, có khả năng lây lan rộng nếu để lâu, hoặc rất dễ tái phát trở lại sau khi đã lành. Đa số bệnh nhân đều thấy khó chịu và muốn đốt bỏ hoặc cắt các mụn này vì lý do thẩm mỹ hoặc rủi ro lây nhiễm sang chỗ khác hay người khác.

Các triệu chứng cho thấy nốt mụn cóc cần có sự can thiệp điều trị là:

  • Đau.
  • Phát triển nhanh, lây lan sang các vùng da khác.
  • Mụn cóc mọc ở bộ phận sinh dục.
  • Mụn cóc tồn tại lâu trên 2 năm.

Với tùy từng trường hợp bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp điều trị phù hợp. Điều quan trọng nhất trong điều trị mụn cóc là chẩn đoán đúng. Mục tiêu điều trị mụn cóc là tiêu diệt virus và loại bỏ các tổn thương, nốt mụn mà không để lại sẹo. Lựa chọn biện pháp điều trị nào phụ thuộc vào loại mụn, độ lớn, vị trí của mụn và triệu chứng mà bệnh nhân mắc phải.

Thông thường trị liệu mụn cóc có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng tùy vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Nhìn chung, điều trị mụn cóc kết hợp từ 2 hay nhiều cách sẽ tốt hơn là trị liệu đơn độc.

3. Thuốc điều trị mụn cóc

Không có thuốc trị dứt điểm virus HPV. Cũng không có thuốc kháng sinh trị virus. Thuốc kháng sinh chỉ áp dụng để giảm triệu chứng viêm khi mụn cóc bị nhiễm trùng. Vì vậy, điều trị mụn cóc chủ yếu là dùng một số hoạt chất để bạt sừng, bong vẩy, đốt cháy, loại bỏ u nhú, hạn chế sự lây lan virus HPV.

Một số thuốc hay dùng để điều trị mụn cóc là:

Thuốc bôi salicylic acid: Đối với các mụn cóc nhỏ đường kính dưới 0.5 cm có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi. Có thể bôi, chấm dung dịch acid salicylic để làm tiêu hủy virus HPV. Acid salicylic là một hoạt chất được sử dụng để loại bỏ lớp ngoài da, làm bạt sừng, hỗ trợ làm mềm vùng da xung quanh mụn cóc. Acid salicylic có tính sát khuẩn nhẹ, thường được bác sĩ kê đơn dùng dưới dạng gel, miếng dán, thuốc mỡ, kem đậm đặc. Bác sĩ sẽ lựa chọn nồng độ thuốc trị mụn cóc thích hợp dựa vào mức độ trầm trọng của mỗi bệnh nhân. Đôi khi bác sĩ sẽ cho thuốc thoa salicylic nồng độ mạnh hơn (nồng độ khoảng 40-50%) sẽ giúp mụn cóc mau bóc ra hơn.

Trước khi chấm dung dịch acid salicylic, cần rửa sạch vùng chấm thuốc bằng xà phòng. Tốt nhất là bôi thuốc sau khi tắm. Trong khi tắm nên ngâm cho mụn cóc mềm ra, dùng đá nhám chà sát nhẹ bề mặt mụn để giảm kích thước, loại bỏ bớt các tế bào sừng đã chết. Nên thoa thuốc mỗi lần sau khi tắm, lau khô người và nơi bị mụn cóc.

Thuốc bôi acid salicylic phải sử dụng nhiều tuần mới phát huy tác dụng và khiến mụn cóc biến mất hoàn toàn.Biện pháp này không nên sử dụng nếu mụn cóc mọc ở vùng da mặt.

Lưu ý: Chỉ bôi thuốc lên đúng vị trí mụn cóc, hạn chế tối đa thuốc lan ra vùng da xung quanh. Sau khi lấy thuốc xong, đậy kín nắp và bảo quản ở nơi thoáng mát.

Tác dụng phụ: Axit salicylic có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn như: gây nóng rát và châm chích nhẹ tại vùng da bôi thuốc, hoặc có thể lở loét và kích ứng da ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Chống chỉ định: Không dùng acid salicylic cho tổn thương mụn cóc có nhiễm trùng; người mắc đái tháo đường; bệnh nhân tim mạch; rối loạn tuần hoàn ngoại vi.

Thuốc bôi imiquimod (là thuốc trị ung thư da) lên mụn cóc sẽ làm mụn từ từ rụng đi, nhất là mụn cóc phẳng hay mụn cóc vùng sinh dục. Thuốc này có thể làm vùng da đau sưng đỏ trước khi mụn cóc dần rụng đi. Kết hợp phương pháp xịt lạnh và thuốc imiquimod thường có kết quả tốt hơn. Thuốc imiquimod là thuốc kê toa, thường phải do bác sĩ chuyên khoa kê đơn. Người bệnh phải dùng theo đúng chỉ định.

Thuốc bôi podofilox trực tiếp vào mụn cóc khiến mụn rụng đi từ từ. Tại vùng da bôi thuốc, bệnh nhân sẽ cảm thấy bị tê tê như bị phỏng, có thể hơi ngứa.

Thuốc bôi 5-fluorouracil (5-FU) thường được dùng cho điều trị mụn cóc ở trẻ em. Thuốc do bác sĩ chuyên khoa kê toa, phải dùng theo đúng chỉ định.

Tiêm thuốc bleomycin (là thuốc hóa trị chữa ung thư) trực tiếp vào mụn cóc cũng có hiệu quả trong việc chữa trị bệnh. Tiêm thuốc này chỉ dành cho trường hợp mụn cóc không hiệu quả với các cách khác. Phương pháp này không được khuyến khích sử dụng.

4. Các phương pháp điều trị mụn cóc

Khi biện pháp điều trị mụn cóc bằng thuốc bôi không mang lại hiệu quả hoặc mụn cóc quá to, lan rộng, bệnh nhân nên đến cơ sở y tế để khám và được tư vấn điều trị bằng các biện pháp khác.

Các biện pháp điều trị mụn cóc tại cơ sở y tế được áp dụng như sau:

Laser điều trị

Thường sử dụng laser xung nhuộm hoặc laser carbon dioxide. Laser xung nhuộm (bước sóng 582 nm) làm việc bằng cách hấp thu có chọn lọc bởi các tế bào máu. Biện pháp này ít hủy hoại và có nhiều khả năng để chữa lành mà không để lại sẹo. Quá trình điều trị không cần sử dụng thuốc an thần hoặc gây tê cục bộ để giảm đau cho bệnh nhân.

Điều trị mụn cóc bằng cách sử dụng laser carbon dioxide cần phải gây tê cục bộ để giảm đau cho người bệnh. Laser carbon dioxide hoạt động bằng cách hấp thu có chọn lọc các phân tử nước. Tia laser carbon dioxide làm bốc hơi và phá hủy mô và da. Phương pháp này có thể gây đau, nhưng không để lại sẹo rộng khi được sử dụng một cách thích hợp.

Biện pháp làm lạnh

Sử dụng nitơ lỏng: Biện pháp nitơ lỏng thường được sử dụng để điều trị mụn cóc cho những trường hợp khó trị (mụn to ở lòng bàn tay, bàn chân). Nitơ lỏng có nhiệt độ rất thấp (- 196 độ C) sẽ làm tổn thương mô, ứ đọng mạch máu, tắc mạch, viêm, đóng băng các khoang ngoại bào và phá hủy mụn cóc.

Biện pháp nitơ lỏng không điều trị hết mụn ngay lần đầu tiên mà thường được chia thành nhiều đợt, mỗi đợt cách nhau 1-2 tuần, cho đến khi khỏi hoàn toàn (khoảng 3-4 tháng).

Áp lạnh bằng nitơ lỏng có thể gây sẹo hay mất sắc tố vĩnh viễn, cũng như gây tê, mất cảm giác tạm thời. Do vậy, bệnh nhân có màu da sáng hoặc sậm màu không nên điều trị áp lạnh, đặc biệt là cho các mụn cóc trên mặt.

Sử dụng dimethyl ether và propane: Xịt lạnh bằng hỗn hợp dimethyl ether và propane (DMEP) có thể áp dụng cho mụn cóc thông thường và mụn cóc lòng bàn tay chân. Thuốc có bán dưới dạng không kê đơn, nhưng cần đọc và theo đúng hướng dẫn sử dụng một cách cẩn thận.

Lưu ý: Biện pháp này có bất lợi là các miếng mút ẩm quá lớn đối với mụn cóc nhỏ. Các biến chứng bao gồm phồng rộp ở vùng da bình thường nếu việc đóng băng dư thừa không được kiểm soát.

Thuốc và các phương pháp điều trị mụn cóc- Ảnh 3.

Áp lạnh điều trị mụn cóc.

Đốt điện

Biện pháp đốt bằng dòng điện cao tần được chỉ định với mụn cóc đường kính dưới 1cm, ở vị trí khó tiểu phẫu (kẽ ngón chân, tay…), khó áp dụng biện pháp khác.

Phương pháp này tiến hành nhanh, đơn giản, có thể khoét sâu để lấy hết nhân rễ mụn cóc, nhưng cũng vì khoét sâu nên vết thương sẽ lâu lành, có thể để lại sẹo nếu chăm sóc vết thương không tốt dẫn đến bị nhiễm trùng…

Tiểu phẫu cắt bỏ mụn cóc

Phương pháp này áp dụng với mụn cóc có đường kính dưới 2cm, mọc ở vị trí bằng phẳng. Biện pháp này xử trí mụn cóc nhanh hơn đốt điện, chăm sóc vết thương sau tiểu phẫu cũng dễ dàng và ít nguy cơ nhiễm trùng hơn. Tuy nhiên bệnh dễ tái phát do không lấy được hết nhân mụn cóc. Tiểu phẫu mụn cóc cũng có thể để lại sẹo xấu.

Liệu pháp miễn dịch

Với những mụn cóc cứng đầu, không đáp ứng các phương pháp điều trị truyền thống, liệu pháp miễn dịch sẽ tác động vào virus gây bệnh, cải thiện tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ sử dụng một số hóa chất, chẳng hạn như diphencyprone (DCP) làm mụn cóc biến mất.

Kết hợp tiểu phẫu và thoa thuốc bôi: Phương pháp này, bác sĩ sẽ cắt mụn cóc đến gần sát, sau đó thoa thuốc trichloroacetic acid nồng độ cao (80%) để diệt virus HPV trên bề mặt mụn cóc.

5. Lưu ý đặc biệt khi điều trị mụn cóc

Trong quá trình điều trị mụn cóc, nhất là biện pháp chấm nitơ lỏng sẽ có nốt dịch bóng nước trên bề mặt vết thương. Tuyệt đối không được làm vỡ hoặc cố tình chọc dịch bóng nước này. Nếu thấy triệu chứng sưng, nóng, tấy đỏ và đau, tiết dịch mủ, có mùi hôi tại vết thương; toàn thân sốt cao, ớn lạnh... là dấu hiệu vết thương đã bị nhiễm trùng, bệnh nhân cần quay lại cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Sau khi điều trị xong mụn cóc, có thể xuất hiện các mụn cóc ở vị trí khác. Hiện tượng này là do mụn cóc ban đầu (dân gian thường gọi là "mụn mẹ") trước khi được điều trị đã kịp phát tán virus ra các vùng xung quanh và tạo ra những "mụn con" mà chưa được phát hiện. Đôi khi mụn con này cũng tự biến mất sau khi điều trị xong mụn mẹ vài tuần. Do vậy nên điều trị mụn cóc từ sớm, trước khi virus phát tán.

Bệnh nhân không tự ý kết hợp cả bôi thuốc khi đang điều trị mụn cóc bằng các phương pháp khác. Việc kết hợp giải pháp điều trị cho từng bệnh nhân do bác sĩ chỉ định. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ.


DS. Nguyễn Thanh Huyền
Ý kiến của bạn