Mất thính lực có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, tuổi càng cao thì nguy cơ nghe kém càng cao. Khoảng 80% nghe kém xảy ra ở người lớn tuổi.
Đối với người từ tuổi 60 trở đi hiếm ai không bị nghe kém hoặc sức nghe không suy giảm so với thời còn trẻ. Ngoài ra, nghe kém còn xuất hiện ở đối tượng trẻ em, người làm việc trong môi trường có tiếng ồn…
- 1. Điều trị mất thính lực bằng thuốc
- 1.1. Thuốc giảm đau - chống viêm
- 1.2. Thuốc kháng sinh
- 1.3. Thuốc giãn mạch
- 1.4. Các thuốc khác
- 2. Các phương pháp khác
- 2.1. Phẫu thuật điều trị mất thính lực
- 2.2. Sử dụng máy trợ thính
- 2.3. Hệ thống thính giác dẫn truyền qua xương (máy trợ thính neo xương)
- 2.4. Cấy ốc tai điện tử
- 2.5. Cấy ghép điện cực thân não
- 3. Lời khuyên thầy thuốc
Ở trẻ em, mất thính lực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển âm ngữ và ngôn ngữ cũng như khả năng học tập.
Ở người lớn, mất thính lực có thể ảnh hưởng đến hiệu suất công việc. Những khó khăn liên tục trong giao tiếp có thể có tác động tiêu cực đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
Ngoài ra, những người bị mất thính lực, đặc biệt là người lớn tuổi, có thể bị trầm cảm và cô lập vì khó khăn trong việc trò chuyện. Bị mất thính lực có thể thực sự gây căng thẳng.
Các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy, khó tiêu và táo bón là các triệu chứng phổ biến của căng thẳng và lo âu.
Mất thính lực cũng liên quan đến suy giảm nhận thức. Điều trị mất thính lực có thể tác động tích cực đến khả năng nhận thức, đặc biệt là trí nhớ.
Hiện nay, có nhiều cách điều trị suy giảm thính lực khác nhau tùy thuộc vào tình trạng.
Tuy nhiên, để điều trị đúng, hiệu quả cần có các bước đánh giá, thăm khám. Do đó, khi bị suy giảm thính lực, nghe kém, bạn có thể đi khám chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị... Điều trị suy giảm thính lực cũng có thể được áp dụng các cách như:
1. Điều trị mất thính lực bằng thuốc
Cách điều trị suy giảm thính lực bằng thuốc được chỉ định tùy theo tình trạng. Một số loại thuốc được dùng trong điều trị suy giảm thính lực như:
1.1. Thuốc giảm đau - chống viêm
Trong trường hợp suy giảm thính lực do nhiễm trùng tai giữa, thường tự khỏi trong vòng 1 tuần. Người bệnh có thể dùng các thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen.
1.2. Thuốc kháng sinh
Điều trị nhiễm trùng tai, đặc biệt là viêm tai giữa (otitis media) hoặc viêm tai ngoài (otitis externa) Một số loại thuốc kháng sinh được sử dụng là augmentin, azithromycin và kháng sinh các cephalosporin thế hệ I, II, III kết hợp với thuốc kháng sinh tại chỗ (thuốc nhỏ tai). Nhóm kháng sinh tại chỗ quinolon gồm ofloxacin, ciprofloxacin thường được sử dụng trong trường hợp này. Thuốc nhỏ tai cũng có thể chứa hoạt chất kháng viêm steroid.
Lưu ý: Sử dụng kháng sinh đúng liều lượng và theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.
1.3. Thuốc giãn mạch
Được sử dụng trong một số trường hợp giảm thính lực do tuần hoàn kém ở tai trong. Ví dụ Betahistine Thường dùng trong điều trị bệnh Ménière và các rối loạn tiền đình khác, có thể cải thiện lưu lượng máu đến tai trong và giảm các triệu chứng liên quan đến giảm thính lực
1.4. Các thuốc khác
Thuốc nội tiết: Giúp tăng chuyển hoá, kéo dài độ bền bỉ cho dây thần kinh thính giác.
Vitamin A, B, E,... giúp tái tạo các mô liên kết, chống oxy hoá tế bào thần kinh;
Thuốc chống lo âu hoặc trầm cảm: Đôi khi được kê đơn để giúp kiểm soát các triệu chứng liên quan đến mất thính lực, như lo âu hoặc trầm cảm liên quan đến ù tai hoặc giảm thính lực.
Lưu ý: Các thuốc điều trị suy giảm thính lực này đều cần có sự chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc.
2. Các phương pháp khác
2.1. Phẫu thuật điều trị mất thính lực
Trong trường hợp điều trị nội khoa (dùng thuốc) thất bại, các bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật can thiệp. Phẫu thuật là một phương pháp hiệu quả để điều trị suy giảm thính lực trong một số trường hợp cụ thể. Các loại phẫu thuật bao gồm vá màng nhĩ, chỉnh hình chuỗi xương con và đặt ống thông nhĩ, cắt bỏ khối u… Những phương pháp này giúp khắc phục các tổn thương cấu trúc tai và cải thiện thính lực.
Các phẫu thuật này cũng đơn giản, nên bạn không cần quá lo lắng.
2.2. Sử dụng máy trợ thính
Máy trợ thính làm cho âm thanh to hơn. Chúng có thể được sử dụng cho nhiều đối tượng, ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh bị mất thính lực có thể hiểu âm thanh tốt hơn khi sử dụng máy trợ thính. Điều này có thể giúp trẻ có cơ hội học các kỹ năng nói từ khi còn nhỏ.
2.3. Hệ thống thính giác dẫn truyền qua xương (máy trợ thính neo xương)
Những máy này được đưa vào xương sau tai, nơi chúng truyền âm thanh vào tai trong qua hộp sọ dựa theo nguyên lý truyền âm qua xương, chuyển đổi âm thanh từ môi trường xung quanh thành dao động cơ học. Máy sử dụng một microphone để thu nhận âm thanh từ môi trường xung quanh. Âm thanh sau đó được chuyển đổi thành tín hiệu điện, và tín hiệu này được khuếch đại và chuyển đổi thành dao động cơ học. Có lựa chọn máy cấy ghép qua phẫu thuật hoặc không cần phẫu thuật.. Những thiết bị này thường được khuyến nghị cho những người có mất thính lực ở một bên tai (điếc một bên), các vấn đề về hình dạng ống tai, mất thính lực dẫn truyền hoặc hỗn hợp kèm theo nhiễm trùng tai kéo dài.
2.4. Cấy ốc tai điện tử
Cấy ghép ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử phức tạp được sử dụng để cung cấp khả năng nghe cho những người bị mất thính lực nặng hoặc hoàn toàn không thể sử dụng thiết bị trợ thính thông thường. Cấy ghép ốc tai điện tử có thể giúp nhiều trẻ em bị mất thính lực từ nặng đến rất nặng - kể cả trẻ rất nhỏ. Ốc tai điện tử có một microphone thu nhận âm thanh từ bên ngoài, chuyển thành tín hiệu điện và gửi tín hiệu trực tiếp đến dây thần kinh thính giác để truyền âm thanh đến não. Cấy ghép ốc tai có micrô nằm sau tai và bộ phát nằm dưới da.
Cấy ốc tai điện tử trước đây chủ yếu dành cho bệnh nhân nhỏ tuổi, nhưng hiện đã phổ biến hơn ở những bệnh nhân lớn tuổi hơn mắc mất thính giác nghiêm trọng.
2.5. Cấy ghép điện cực thân não
Đây là một phương pháp điều trị mất thính lực nặng hoặc điếc hoàn toàn, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị khác, như máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai, không còn hiệu quả. Phương pháp này được thiết kế để kích thích trực tiếp vào thân não thính giác, bỏ qua các phần bị tổn thương của hệ thống thính giác trước đó (như ốc tai và dây thần kinh thính giác). Những người bị mất thính lực nghiêm trọng đến rất nghiêm trọng do dây thần kinh thính giác bị mất hoặc rất nhỏ hoặc tai trong (ốc tai) bất thường nghiêm trọng có thể không dung được máy trợ thính hoặc cấy ghép ốc tai. Thay vào đó, cấy ghép thân não thính giác có thể cải thiện một phần khả năng nghe và chất lượng cuộc sống..
3. Lời khuyên thầy thuốc
Tóm lại, mất thính lực có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, nhưng với sự phát triển của các phương pháp điều trị hiện đại, người bệnh có nhiều lựa chọn để cải thiện tình trạng của mình. Sử dụng máy trợ thính, phẫu thuật và các liệu pháp hỗ trợ đều có thể mang lại hiệu quả đáng kể.
Việc lựa chọn phương pháp phù hợp cần dựa trên sự tư vấn của các chuyên gia y tế để đạt được kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, duy trì lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với tiếng ồn lớn và thường xuyên kiểm tra thính lực là những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ và cải thiện thính lực.
Mời độc giả xem thêm video:
Điếc đột ngột sau cơn ù tai