Hà Nội

Thuốc và các phương pháp điều trị hẹp van hai lá

03-10-2024 15:23 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hẹp van hai lá là tình trạng bất thường của van tim hai lá khi không thể mở hoàn toàn, cản trở lưu lượng máu từ tâm nhĩ trái tới tâm thất trái. Nếu không được điều trị, người bệnh có thể gặp các biến chứng như tăng áp phổi, rung nhĩ, và huyết khối...

Thuốc và các phương pháp điều trị hẹp van hai lá- Ảnh 1.

ThS.BS. Nguyễn Thu Huyền, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8

Hiện nay, điều trị hẹp van hai lá bao gồm thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi giải phóng chậm và thuốc chống đông.

Đối với hẹp hai lá mức độ nặng hơn, có thể cần nong van hai lá bằng bóng, phẫu thuật sửa van, hoặc thay van.

1. Các thuốc điều trị hẹp van hai lá

Điều trị bằng thuốc không chữa khỏi hoàn toàn các bệnh van tim. Thay vào đó, thuốc có tác dụng cải thiện các triệu chứng khó chịu cho người bệnh như khó thở, ho ra máu, khàn tiếng, khó nuốt, rối loạn nhịp tim…

Mục đích của việc điều trị nội khoa bao gồm:

  • Làm giảm nhanh các triệu chứng của bệnh
  • Hỗ trợ điều trị các yếu tố nguy cơ như bệnh tiểu đường, mỡ máu, cao huyết áp...
  • Phòng ngừa các biến chứng do thiếu máu cơ tim và hình thành huyết khối.

Dựa trên mục đích điều trị, các loại thuốc được dùng cho người bệnh hẹp van hai lá thường là:

1.1 Thuốc kiểm soát nhịp tim rung nhĩ trong hẹp van hai lá

+ Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta như metoprolol, bisoprolol… có tác dụng hạn chế sự kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm, giúp kiểm soát nhịp tim, giảm áp lực trong tim.

Thuốc chẹn beta thường được dung nạp tốt mà không có tác dụng phụ đáng kể. Tuy nhiên thuốc cũng tiềm ẩn một số tác dụng phụ không mong muốn như mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng… Cần thận trọng khi sử dụng trong trường hợp dị ứng, vấn đề hô hấp, bệnh đái tháo đường, suy tim, suy gan, bệnh thận…

Chống chỉ định với người bệnh co thắt phế quản như hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn, người bệnh nhịp tim dưới 60 hoặc block nhĩ thất độ 2 - độ 3.

+ Thuốc chẹn kênh calci: Thuốc chẹn kênh calci thường dùng verapamil và diltiazem để kiểm soát nhịp tim rung nhĩ trong hẹp van hai lá.

Tác dụng không mong muốn của nhóm thuốc chẹn kênh calci bao gồm đau đầu, chóng mặt và trong một số trường hợp, người bệnh xuất hiện tình trạng phát ban, sưng phù chân. Những tác dụng phụ này thường là tạm thời, thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng.

1.2 Thuốc lợi tiểu

Sử dụng lợi tiểu quai (furosemid) để cải thiện triệu chứng khó thở của suy tim. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị, người bệnh không tự ý thay đổi liều lượng hoặc tự ý dừng thuốc lợi tiểu khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Điều này có thể gây ra tác dụng phụ và làm thay đổi cân bằng nước và muối trong cơ thể.

1.3 Thuốc chống đông máu

Thuốc chống đông máu (thuốc kháng vitamin K) không phải thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp, được sử dụng để ngăn ngừa thuyên tắc huyết khối nếu bệnh nhân bị hoặc đã bị rung nhĩ, thuyên tắc hoặc cục máu đông nhĩ trái.

Khi dùng thuốc chống đông máu, người bệnh có nguy cơ chảy máu cao hơn vì cơ thể giảm khả năng đông máu. Chảy máu có thể xảy ra ở nhiều nơi trong cơ thể, ví dụ như xuất huyết tiêu hóa (dạ dày hoặc đường ruột). Khi bị xuất huyết tiêu hóa, bệnh nhân có thể đi ngoài phân màu đen hoặc màu đỏ do chảy máu. Ngoài ra, cơ thể còn có thể có các vết bầm trên da do máu bị loãng quá mức.

Nếu thấy bất kỳ dấu hiệu chảy máu bất thường nào, như kinh nguyệt nhiều hơn bình thường, có máu trong nước tiểu hoặc phân, chảy máu lợi hoặc chảy máu mũi, nôn hoặc ho ra máu... cần báo ngay cho bác sĩ để xử trí kịp thời.

Thuốc và các phương pháp điều trị hẹp van hai lá- Ảnh 2.

Hẹp van hai lá khiến cho một lượng máu ứ lại tâm nhĩ trái, tăng áp lực và khiến máu ứ tại phổi gây mệt, khó thở.

2. Các phương pháp điều trị can thiệp

Nong van hai lá qua da hoặc phẫu thuật thay van hai lá chủ yếu được chỉ định trên những bệnh nhân có hẹp van hai lá mức độ trung bình đến nặng (diện tích lỗ van ≤ 1,5 cm).

2.1. Nong van hai lá bằng bóng qua da

Kỹ thuật nong van hai lá bằng bóng qua da là thủ thuật được lựa chọn cho những người bệnh trẻ hơn, không có mép van bị vôi hóa nặng, biến dạng dưới van, huyết khối nhĩ trái, hoặc hở hai lá vừa hoặc nặng.

Trong thủ thuật có dẫn hướng bằng nội soi huỳnh quang và siêu âm tim này, một ống thông qua tĩnh mạch có một bóng nong bơm hơi ở đầu xa được đưa qua vách từ tâm nhĩ phải đến tâm nhĩ trái và được bơm căng để tách các mép van hai lá bị hợp nhất.

Ưu điểm:

  • Tỷ lệ thành công cao, ít biến chứng, ít xâm lấn, thời gian nằm viện ngắn.
  • Cải thiện đáng kể tình trạng huyết động và diện tích lỗ van.
  • Thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt: Phụ nữ có thai, suy tim nặng, bệnh nhân trong tình trạng cấp cứu.

Chống chỉ định của nong van hai lá bằng bóng qua da với các trường hợp:

  • Huyết khối nhĩ trái.
  • Hở van hai lá từ mức độ vừa trở lên.
  • Vôi hóa nặng hoặc vôi hóa hai mép van.
  • Không dính mép van.
  • Bệnh van động mạch chủ nặng kèm theo hoặc hẹp hở van ba lá nặng có chỉ định phẫu thuật.
  • Bệnh động mạch vành kèm theo có chỉ định mổ bắc cầu chủ vành.
  • Mới có biến cố tắc mạch trong vòng 3 tháng.
  • Chống chỉ định tương đối: Đang trong tình trạng nhiễm trùng chưa khống chế được rối loạn đông máu...

Biến chứng sau nong van:

  • Hở van hai lá là biến chứng hay gặp nhất.
  • Tắc mạch phía xa, đặc biệt tắc mạch não.
  • Còn shunt tồn lưu sau chọc vách liên nhĩ, thường sẽ tự đóng sau 6 tháng.
  • Ép tim cấp do thủng thành nhĩ hoặc thủng thành thất hay gặp khi chọc vách liên nhĩ không chính xác hoặc khi nong bằng bóng hoặc dụng cụ kim loại.
  • Tử vong < 1% do ép tim cấp hoặc đột quỵ não.

Theo dõi sau thủ thuật:

  • Sau nong van hai lá làm lại siêu âm tim đánh giá biến chứng: Hở van hai lá, rối loạn chức năng thất trái, hunt tổn lưu quả chọc vách liên nhĩ, nếu biến chứng nặng cần cân nhắc phẫu thuật sớm.
  • Theo dõi sau nong van hai lá ít nhất 1 năm/lần hoặc sớm hơn nếu có dấu hiệu lâm sàng.

2.2. Phẫu thuật

- Tách van kín: Mép van bị dính được tách bằng dụng cụ qua mỏm thất trái (không còn được khuyến cáo hiện nay).

- Sửa van hai lá: Áp dụng trong hẹp van hai lá do thấp tim mà tổn thương vôi hóa chưa quá nặng, có thể dùng nhiều phương pháp sửa van khác nhau tùy theo tổn thương.

- Thay van hai lá nếu không thể sửa: Thay van hai lá cơ học hoặc sinh học.

Bệnh nhân thay van cơ học cần dùng thuốc chống đông warfarin suốt đời để ngăn ngừa huyết khối. Đối với bệnh nhân thay van sinh học hai lá nhân tạo cần dùng thuốc chống đông máu bằng warfarin trong 3 tháng đến 6 tháng sau phẫu thuật.

3. Một số lưu ý đối với người bệnh hẹp van hai lá

Bên cạnh việc điều trị, người bệnh hẹp van hai lá cần có sự kết hợp điều chỉnh lối sống. Thậm chí, đối với các trường hợp hẹp van tim mức độ nhẹ và chưa biểu hiện thành triệu chứng, việc thay đổi lối sống lúc này có giá trị dự phòng, ngăn ngừa quá trình tiến triển của bệnh và nguy cơ hình thành các biến chứng.

- Thay đổi chế độ ăn: Tăng cường các loại rau rau, trái cây giàu chất xơ, ngũ cốc nguyên hạt. Không sử dụng các loại rau màu xanh thẫm nếu người bệnh đang dùng thuốc kháng vitamin K, vì sử dụng các loại rau này sẽ làm giảm hiệu lực của thuốc kháng đông.

Hạn chế ăn mặn, ưu tiên các món ăn luộc, hấp. Không sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích.

- Hoạt động thể chất phù hợp: Đi bộ, đạp xe, yoga, thiền… Tránh tập luyện cường độ cao, dễ gây áp lực cho tim, khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng.

- Từ bỏ các thói quen xấu: Người bệnh nên từ bỏ các thói quen thiếu lành mạnh như thức khuya, thường xuyên lo âu, căng thẳng… sẽ giúp điều trị có hiệu quả cao hơn.

Mời bạn đọc xem thêm:

Nhận biết và phòng ngừa hẹp van hai láNhận biết và phòng ngừa hẹp van hai lá

SKĐS - Hẹp van hai lá, cùng với hở van hai lá và sa van hai lá là 3 bệnh về van tim hai lá thường gặp. Ở các nước đang phát triển, hẹp van hai lá nặng ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ, thường là hậu quả của bệnh lý thấp do nhiễm liên cầu khuẩn lúc nhỏ.


ThS.BS Nguyễn Thu Huyền
Ý kiến của bạn