Hà Nội

Thuốc và các phương pháp điều trị hẹp niệu đạo

26-10-2024 14:52 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hẹp niệu đạo là tình trạng niệu đạo bị hẹp bất thường, khiến người bệnh khó chịu khi đi tiểu. Nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách, hẹp niệu đạo có thể gây những biến chứng nguy hiểm.

Hẹp niệu đạoHẹp niệu đạo

SKĐS - Hẹp niệu đạo là một sẹo xơ ở bên trong hoặc xung quanh niệu đạo gây cản trở dòng nước tiểu do chấn thương, viêm hoặc nhiễm khuẩn.

Hẹp niệu đạo liên quan đến tình trạng mô sẹo làm hẹp ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể. Mô sẹo có thể phát triển do chấn thương, nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hoặc tác dụng phụ của việc điều trị một tình trạng khác. Bệnh thường ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới.

Dấu hiệu phổ biến nhất của hẹp niệu đạo là dòng nước tiểu yếu, làm cho ngườ mắc phải: Cố gắng đi tiểu, đau khi đi tiểu, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm tuyến tiền liệt...

Nếu bị hẹp niệu đạo nghiêm trọng, người bệnh có thể đột nhiên không thể đi tiểu được. Đây là tình trạng bí tiểu cấp tính. Nếu không được điều trị, nước tiểu có thể trào ngược lên hệ thống tiết niệu và khiến thận ứ nước, thậm chí suy thận.

Thuốc và các phương pháp điều trị hẹp niệu đạo- Ảnh 2.

Hẹp niệu đạo khiến người bệnh đau khi đi tiểu.

1. Các phương pháp điều trị hẹp niệu đạo

Phương pháp điều trị có thể phụ thuộc vào loại hẹp, kích thước hẹp và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bao gồm:

- Đặt ống thông: Đặt ống thông vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu thường là bước đầu tiên để điều trị tắc nghẽn nước tiểu. Việc đặt ống thông có thể là lựa chọn cho những người được chẩn đoán bị hẹp ngắn.

- Nong niệu đạo: Phương pháp này được dùng để điều trị hẹp niệu đạo tái phát.

- Phẫu thuật niệu đạo bao gồm: Phẫu thuật cắt bỏ phần niệu đạo bị hẹp hoặc làm cho niệu đạo lớn hơn hoặc tái tạo các mô xung quanh niệu đạo. Các mô từ các vùng khác của cơ thể (như da hoặc miệng) có thể được sử dụng làm mô ghép trong quá trình này. Khả năng hẹp niệu đạo tái phát sau phẫu thuật niệu đạo rất thấp.

- Nội soi niệu đạo: Thủ thuật này sử dụng một dụng cụ mỏng, giống như ống có thấu kính (ống soi bàng quang) đi vào niệu đạo để loại bỏ chỗ hẹp hoặc điều trị bằng tia laser. Bệnh nhân thường phục hồi nhanh hơn. Nội soi niệu đạo không để lại nhiều sẹo và nguy cơ nhiễm trùng thấp. Tuy nhiên, tình trạng hẹp niệu đạo có thể tái phát sau quy trình này.

- Stent cấy ghép hoặc ống thông dài hạn: Phương pháp điều trị này có thể dành cho những người bị hẹp nặng không muốn phẫu thuật. Stent được đưa vào niệu đạo để giữ niệu đạo mở hoặc một ống thông cố định được đưa vào để dẫn lưu bàng quang. Thủ thuật này có nguy cơ gây kích ứng bàng quang, khó chịu và nhiễm trùng đường tiết niệu, do đó, cần được theo dõi chặt chẽ. 

2. Thuốc điều trị hẹp niệu đạo

2.1. Thuốc kháng sinh

Tác dụng: Nhiễm trùng vết mổ và nhiễm trùng đường tiết niệu là những biến chứng sau phẫu thuật thường gặp. Nhiễm trùng tại vị trí tái tạo có thể góp phần làm thất bại phẫu thuật niệu đạo. Áp dụng chế độ điều trị dự phòng bằng kháng sinh trong khi phẫu thuật niệu đạo. Sau đó dùng kháng sinh đường uống đặc hiệu với vi khuẩn hoặc kháng sinh có khả năng bao phủ gram âm tốt. Nếu có nhiễm trùng nên dùng kháng sinh trước phẫu thuật.

Các thuốc thường dùng: Trimethoprim/sulfamethoxazole (TMP/SMX), nitrofurantion, fosfomycin, fluoroquinolone (ciprofloxacin, levofloxacin), ampicillin, aminoglycoside, cephalosporin thế hệ 3

Tác dụng phụ: Phát ban, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nhiễm trùng nấm men, nghiêm trọng hơn là nhiễm trùng Clostridium difficile, phản ứng dị ứng, kháng kháng sinh, viêm phổi, suy thận cấp.

2.2. Thuốc giảm đau

 Các thuốc giảm đau được sử dụng khi có cảm giác đau buốt, khó chịu trong hẹp niệu đạo.

- Phenazopyridine thuộc nhóm thuốc không điều trị nguyên nhân gây kích ứng đường tiết niệu, nhưng có thể giúp làm giảm các triệu chứng nhờ tác dụng chống ngứa, gây tê cục bộ, giúp giảm đau, làm dịu niêm mạc đường tiết niệu.

Các tác dụng phụ của thuốc thường gặp là thay đổi màu nước tiểu, đau đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, phát ban, ngứa. Nghiêm trọng hơn gây thiếu máu tan máu, tổn thương gan, thận.

- Acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (ibuprofen, aspirin, naproxen) cũng hiệu quả trong việc giảm đau do viêm đường tiết niệu.

Mặc dù chúng thường an toàn cho hầu hết những người khỏe mạnh, nhưng có thể không an toàn cho một số tình trạng sức khỏe nhất định: Những người bị bệnh thận hoặc suy tim nên tránh dùng NSAID như ibuprofen và naproxen. Acetaminophen phải được sử dụng thận trọng ở những người có vấn đề về gan.

- Methenamine/Natri salicylate/Axit benzoic: Thuốc giúp giảm đau và giảm viêm, nhưng có thể gây các tác dụng phụ như khó tiểu, buồn nôn, phát ban, gây kích ứng dạ dày...

Thuốc và các phương pháp điều trị hẹp niệu đạo- Ảnh 3.

Thuốc giảm đau được sử dụng khi có cảm giác đau buốt, khó chịu trong hẹp niệu đạo.

3.3. Thuốc kháng muscarinic

Tác dụng: Thuốc này thường được sử dụng để ngăn ngừa co thắt bàng quang gây tiểu không tự chủ, bao gồm oxybutynin, tolterodine, trospium, darifenacin, solifenacin.

Tác dụng phụ của thuốc thường gặp: Khô miệng, táo bón…

3. Lưu ý khi điều trị hẹp niệu đạo

- Tình trạng hẹp niệu đạo thường có tiến triển tốt nếu được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, mô sẹo có thể tái phát, đòi hỏi nhiều lần điều trị.

- Nếu không được điều trị, hẹp niệu đạo có thể gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng, bao gồm suy thận và nhiễm trùng nặng. Cần báo ngay cho bác sĩ khi có các triệu chứng của hẹp niệu đạo, đặc biệt là nếu các triệu chứng này phát triển đột ngột.

- Khi có các triệu chứng hẹp niệu đạo, cần đi khám tại phòng khám chuyên khoa để được điều trị đúng cách.

- Tái khám đúng lịch sau khi điều trị để đảm bảo bệnh đang được điều trị đúng cách và mô sẹo không phát triển trở lại.

- Cần đi cấp cứu ngay nếu có một trong các triệu trứng: Không thể đi tiểu, đau tăng khi đi tiểu, tiểu ra máu, sốt…

Xem thêm video đang được quan tâm:

Đi tiểu rắt, ra máu... dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt.


DS. Hoàng Vân
Ý kiến của bạn