Hà Nội

Thuốc và các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

27-09-2024 09:58 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn của đám rối các tĩnh mạch sinh tinh và tĩnh mạch thừng tinh, nằm phía trên tinh hoàn. Bệnh không thể tự khỏi do tĩnh mạch đã giãn ra thì không thể tự phục hồi...

1. Khi nào cần điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh?

Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể là nguyên nhân gây vô sinh do:

Máu ứ đọng trong tĩnh mạch gây tăng nhiệt độ trong bìu. Từ đó làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng và làm giảm khả năng sinh sản.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh xảy ra ở độ tuổi thiếu niên, thì tinh hoàn ở bên tĩnh mạch thừng tinh bị giãn thường phát triển kém hơn. Tinh hoàn nhỏ có thể là nguyên nhân gây vô sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nam giới bị giãn tĩnh mạch thừng tinh độ 3 vẫn không ảnh hưởng đến vấn đề có con. Do đó, giãn mạch thừng tinh không gây ra các vấn đề như: Teo nhỏ tinh hoàn, đau tinh hoàn, ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản thì không nên điều trị. Các khuyến cáo điều trị giãn mạch thừng tinh khi:

  • Thấy rõ các búi giãn tĩnh mạch thừng tinh.
  • Bệnh nhân đã vô sinh trên hai năm, kết quả làm tinh dịch đồ có số lượng tinh trùng thấp.
  • Vô sinh không giải thích được.
Thuốc và các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh - Ảnh 1.

HÌnh ảnh giãn tĩnh mạch thừng tinh.

2. Biện pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Đối với bệnh nhân không có triệu chứng đau, không khó khăn trong quan hệ tình dục và sinh sản thì chỉ cần theo dõi. Điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được chỉ định nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh gây đau nhiều, làm tinh hoàn bị co rút, kém phát triển hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân.

Trong các trường hợp được chỉ định điều trị, tùy theo mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp.

2.1 Dùng thuốc trong điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Loại thuốc phổ biến được dùng trong điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh nhẹ là diosmin và hesperidin (daflon). Thuốc có tác dụng tăng độ bền thành mạch, làm giảm sức căng và tình trạng ứ trệ của mạch máu.

Lưu ý đây là thuốc dùng theo đơn, sau khi bác sĩ thăm khám cẩn thận mới chỉ định cho bệnh nhân dùng. Trên thực tế lâm sàng, khá nhiều nam bệnh nhân vì e ngại tình trạng bệnh nên không đi khám, chỉ nghe mách bảo đã tự ý mua thuốc về dùng. Điều này có thể khiến bệnh nhân gặp phải những rủi ro đáng tiếc.

Mỗi bệnh nhân sẽ có tình trạng bệnh khác nhau, khả năng đáp ứng thuốc khác nhau nên chỉ định dùng thuốc cũng khác nhau. Trước khi dùng thuốc, cần dẹp bỏ xấu hổ để đi khám và được bác sĩ chỉ định biện pháp điều trị phù hợp.

Nếu tự ý dùng thuốc giãn tĩnh mạch thừng tinh, khi dùng sai có thể khiến bệnh ngày càng trầm trọng và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như teo tinh hoàn, vô sinh...

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, ibuprofen (nếu có đau) và mang quần lót đúng cách để nâng đỡ bìu.

Một số thuốc có thể hỗ trợ cải thiện số lượng và chất lượng tinh trùng như thuốc hỗ trợ nội tiết nam, kẽm, vitamin E, vitamin A, vitamin C…

Khi phương pháp dùng thuốc không hiệu quả, bác sĩ có thể cân nhắc thay đổi phác đồ hoặc chỉ định tắc mạch hoặc phẫu thuật.

2.2 Phương pháp phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Có nhiều phương pháp phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh gồm: Phẫu thuật thông thường, phẫu thuật qua nội soi ổ bụng, phẫu thuật vi phẫu, làm tắc các mạch bằng bóng hay vòng xoắn...

- Phẫu thuật thông thường qua đường bẹn/bìu là kỹ thuật ít phức tạp nhất. Nhưng hiện nay ít áp dụng do sau phẫu thuật có nhiều biến chứng như: Tràn dịch màng tinh hoàn, giãn tĩnh mạch thừng tinh tái phát, nhiễm trùng, ảnh hưởng động mạch lân cận. Tỉ lệ tái phát bệnh sau phẫu thuật cũng cao nhất so với các phương pháp khác.

- Phẫu thuật thắt tĩnh mạch trong sau phúc mạc bằng mổ mở với tỷ lệ tái phát từ 7 - 33% ở người lớn, còn ở trẻ em là 15 - 45%

- Phẫu thuật nội soi cũng ít được sử dụng do nguy cơ biến chứng cũng khá cao và tỉ lệ tái phát tương đương với phẫu thuật thắt tĩnh mạch trong sau phúc mạc.

- Tắc mạch: Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ làm tắc tĩnh mạch bị giãn để chuyển hướng dòng máu đến các tĩnh mạch khỏe, không bị giãn thông qua rạch các đường nhỏ ở vùng bẹn. Khi thực hiện phương pháp này, hệ thống tĩnh mạch thừng tinh được tiếp cận thông qua một ống có gắn camera kết nối với màn hình theo dõi.

Sau đó bác sĩ sẽ làm tắc nghẽn hệ tĩnh mạch thừng tinh bằng dây cuộn hoặc các vật liệu khác để ngăn chặn sự trào ngược máu về tĩnh mạch và giải quyết tình trạng giãn tĩnh mạch thừng tinh.

Thủ thuật làm tắc mạch có thể được thực hiện bằng thuốc gây tê hoặc thuốc an thần nhẹ qua một lỗ rất nhỏ ở vùng bẹn hoặc cổ.

Phương pháp này có chi phí tốn kém hơn và có khả năng tái phát từ 4 - 11%.

- Vi phẫu: Hiện nay phương pháp này được áp dụng nhiều nhất do an toàn, ít biến chứng và hiệu quả cao. Tuy nhiên để thực hiện được phương pháp này, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo kỹ thuật vi phẫu, cùng trang thiết bị hiện đại.

Thuốc và các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh - Ảnh 3.

Cần điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh khi bệnh nhân bị đau và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản...

3. Các lưu ý khi điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh

Giãn mạch thừng tinh là bệnh có thể chữa khỏi, tuy nhiên bệnh có nguy cơ tái phát khá cao. Để tránh nguy cơ tái phát, cần lưu ý:

  • Tuân thủ các chỉ định của bác sĩ. Sau phẫu thuật nếu có dấu hiệu bất thường phải đi khám ngay để có hướng điều trị kịp thời.
  • Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tái khám đúng lịch.
  • Sau 3 tháng phẫu thuật, nên làm xét nghiệm thử tinh dịch đồ, đếm số lượng tinh trùng.
  • Không tham gia các hoạt động thể lực quá mạnh, đặc biệt tránh các động tác gây áp lực cho vùng bìu.
  • Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu, không tắm nước nóng để tránh tăng nhiệt độ vùng bìu.

Mời độc giả xem thêm video:

Rối loạn xuất tinh có thể giảm khả năng sinh sản, thậm chí gây vô sinh | SKĐS


ThS.Nguyễn Giang Nam
Ý kiến của bạn