Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh mạch vành

13-11-2024 06:16 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh mạch vành xảy ra chủ yếu do mảng xơ vữa tích tụ và làm hẹp động mạch vành, làm chậm hoặc chặn lưu lượng máu đến tim. Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh lý xơ vữa động mạch vành cần được điều trị và kiểm soát yếu tố nguy cơ gần như suốt đời.

Bệnh mạch vành có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy từng trường hợp cụ thể. Mục tiêu của việc điều trị là tăng cường cung cấp máu cho tim, giảm triệu chứng, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh mạch vành- Ảnh 1.

Bệnh mạch vành xảy ra chủ yếu do mảng xơ vữa tích tụ và làm hẹp động mạch vành, làm chậm hoặc chặn lưu lượng máu đến tim.


1. Điều trị bằng thuốc

Áp dụng cho những trường hợp xơ vữa động mạch nhẹ đến vừa. Các loại thuốc kiểm soát huyết áp, điều trị rối loạn mỡ máu và thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu là cần thiết để hạn chế sự tiến triển của bệnh.

1.1. Thuốc hạ cholesterol: Giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và sự tích tụ mảng bám trong động mạch. Những loại thuốc này bao gồm statin, fibrate và chất cô lập axit mật...

Statin:

Statin là thuốc đầu tay để hạ cholesterol. Statin tác dụng theo 2 cách. Nó có thể ức chế enzym mà cơ thể cần để sản xuất cholesterol hoặc giúp làm giảm các mảng bám (do cholesterol tích tụ) hình thành ở trong lòng động mạch và giúp bảo vệ nội mạc mạch máu. Statin có thể giúp làm giảm nguy cơ lên cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Ngày nay, có rất nhiều loại thuốc thuộc nhóm statin với nhiều tên biệt dược khác nhau. Một số loại statin phổ biến bao gồm: Simvastatin, lovastatin, fluvastatin, atorvastatin, pitavastatin, rosuvastatin.

Tác dụng phụ quan trọng cần lưu ý của các thuốc trong nhóm statin bao gồm đau cơ và tăng men gan. Đau cơ là tác dụng phụ phổ biến và có thể giảm liều để làm giảm tác dụng đau cơ. Trong những trường hợp hiếm gặp, statin có thể dẫn đến tiêu cơ vân.

Nhóm fibrat:

Fibrat cũng là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh mỡ máu cao, có tác dụng giảm triglycerid, LDL, tăng HDL. Thuốc này có thể sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với những loại thuốc hạ mỡ máu khác.

Dấu hiệu để nhận biết nhóm thuốc này chính là các tên thuốc đều kết thúc bằng đuôi fibrat: Fenofibrat, ciprofibrat, berafibrat…

Khi sử dụng nhóm thuốc fibrat, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, giảm nhẹ chức năng gan, tăng men gan, sỏi mật, tăng tác dụng của các thuốc chống đông máu, đặc biệt là thuốc kháng vitamin K.

Ezetimibe:

Ezetimibe tường dùng đơn độc hoặc kết hợp với nhóm statin thông qua cơ chế giảm hấp thu cholesterol ở ruột non, làm giảm LDL (cholesterol xấu) tăng HDL (cholesterol tốt). Ezetimibe khi dùng cùng statin có thể làm tăng hiệu quả giảm cholesterol trong trường hợp không đáp ứng với liều tối đa có thể dung nạp của statin.

Ngoài một số tác dụng phụ giống với statin như đau cơ, tăng men gan, ezetimibe có thể có các tác dụng trên đường tiêu hóa như tiêu chảy. Tuy nhiên, ezetimibe thường khá dễ dung nạp.

Nhóm resin

Các thuốc nhóm resin có cơ chế là trao đổi ion Cl- với acid mật, từ đó tăng tổng hợp acid mật từ cholesterol, làm tăng bài tiết mật và giảm cholesterol ở gan, kích thích tổng hợp thụ thể LDL, tăng thải LDL.

Khi sử dụng nhóm thuốc này, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, táo bón…

Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh mạch vành- Ảnh 3.

Điều trị bằng thuốc được áp dụng cho những trường hợp xơ vữa động mạch nhẹ đến vừa.

1.2. Aspirin

Aspirin thường liều cao được dùng để làm hạ sốt và giảm đau. Tuy nhiên, nhiều thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy aspirin liều thấp có tác dụng trong dự phòng và điều trị nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Aspirin được dùng phổ biến trong điều trị các bệnh lý động mạch vành, đặc biệt những bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim.

Aspirin giúp làm loãng máu, ngăn ngừa hình thành huyết khối do tác dụng chống kết tập tiểu cầu. Liệu pháp aspirin liều thấp hàng ngày được khuyến nghị để phòng ngừa cơn đau tim hoặc đột quỵ ban đầu ở một số người.

Sử dụng aspirin cũng tiềm ẩn tác dụng không mong muốn trên dạ dày như đau thượng vị, loét dạ dày tá tràng, xuất huyết tiêu hóa,… Một số trường hợp gặp dị ứng, sốc phản vệ,...

1.3.Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta giao cảm là một nhóm thuốc quan trọng để điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực, loạn nhịp tim, phì đại cơ tim, suy tim. Thuốc chẹn beta giao cảm cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu và bệnh tăng nhãn áp.

Vì thuốc chẹn beta giao cảm có tác dụng cản trở tác dụng của catecholamin nên có thể gây ra một số tác dụng phụ như mỏi cơ, đặc biệt khi hoạt động thể chất mạnh. Ở một số bệnh nhân nhạy cảm, nhịp tim và huyết áp có thể giảm quá nhiều, gây choáng và ngất xỉu.

Nên thận trọng khi sử dụng thuốc ở những bệnh nhân tiểu đường đang dùng insulin vì có thể làm hạ đường huyết quá mức.

Ngoài ra, thuốc chẹn beta giao cảm có thể gây rối loạn cương dương, giảm trí nhớ, mất ngủ, chân tay lạnh, trầm cảm...

1.4. Thuốc chẹn kênh canxi

Thuốc chẹn kênh canxi là một nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh lý tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp. Thuốc có tác dụng hạ áp thông qua giảm co thắt động mạch, giảm nhịp tim, kéo dài kỳ tâm trương từ đó tăng tưới máu cho cơ tim, đồng thời giảm nhu cầu tiêu thụ oxy của cơ tim khi nhịp tim chậm lại.

Ngoài chỉ định trong điều trị tăng huyết áp, các thuốc chẹn kênh canxi còn được kê đơn trong các trường hợp đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim.

Thuốc chẹn kênh canxi có thể gây một số tác dụng phụ, điển hình như: Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, táo bón, ợ nóng; dị ứng, nổi mẩn da; đỏ bừng mặt; sưng phù ở chân; mệt mỏi…

Một số thuốc chẹn canxi gây giãn mạch nhanh và mạnh, dễ dẫn đến huyết áp giảm nhanh, từ đó gây ra phản xạ làm tăng nhịp tim, không có lợi cho những bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim.

1.5. Thuốc ức chế men chuyển (ACEi)

Thuốc ức chế men chuyển là thuốc ngăn chặn (ức chế) hoạt động của ACE, làm giảm sản xuất angiotensin II. Kết quả là làm giãn mạch máu, giảm kháng lực mạch và hạ huyết áp, từ đó giúp tim bơm máu dễ dàng hơn, cải thiện chức năng của tim bị suy. Giảm sản xuất angiotensin II đồng thời giảm áp lực lọc cầu thận nên thuốc có tác dụng bảo vệ thận về lâu dài.

Nhóm thuốc này chủ yếu được sử dụng để điều trị một số bệnh về tim, thận. Thuốc ức chế ACE cũng làm tăng sản xuất bradykinin, một chất có tác dụng giãn mạch máu, rất có lợi trong bệnh lý tim mạch...

Thuốc có tác dụng chống thiếu máu cục bộ, tăng bradykinin, giúp điều chỉnh trương lực mạch máu. Thuốc còn giảm hoạt tính của hệ thần kinh giao cảm.

Một số trường hợp bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như: Ho khan, tăng kali máu, hạ huyết áp đột ngột,… Phù mạch là tác dụng phụ nguy hiểm của nhóm thuốc ức chế men chuyển. Trong trường hợp này, người bệnh phải ngưng thuốc ngay lập tức và đến ngay cơ sở y tế để thực hiện các biện pháp can thiệp kịp thời.

1.6. Thuốc nitroglyxerin

Nitroglyxerin giúp giãn các động mạch vành tưới máu cho cơ tim; giúp tăng tưới máu mạch vành từ đó giúp kiểm soát hoặc giảm đau ngực. Khi vào cơ thể, nitroglycerin được chuyển hóa thành oxit nitric, gây giãn mạch, giúp cho máu trong lòng mạch được lưu thông dễ dàng hơn. Ngoài ra, thuốc nitroglycerin cũng có tác dụng làm giãn các động mạch, tĩnh mạch giúp hạ huyết áp, giảm gánh nặng cho tim, đặc biệt có lợi đối với người bị bệnh suy tim.

Nitroglyxerin có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt; tim đập nhanh, hạ huyết áp, buồn nôn, mẩn ngứa, dị ứng.

Trong một số ít trường hợp có thể gặp ngất; tím tái, methemoglobin huyết; mất vị giác; tăng nhãn áp, hạ oxy máu, hồi hộp.

1.7. Thuốc ranolazine

Ranolazine được chỉ định dùng để kiểm soát cơn đau thắt ngực ổn định mạn tính ở những bệnh nhân đau thắt ngực ổn định mạn tính, ở những bệnh nhân không được kiểm soát hoặc không dung nạp với các liệu pháp trị liệu đầu tay bằng thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi.

Khi sử dụng ranolazine quá liều, người bệnh có thể gặp tình trạng chóng mặt, buồn nôn hay thậm chí hôn mê, ngất. Có một số ít trường hợp đã tử vong khi dùng quá liều ranolazine.

Thuốc ranolazine là một loại thuốc có nhiều tác dụng phụ và cần lưu ý khi sử dụng chung với các loại thuốc khác.

2. Điều trị bệnh mạch vành bằng can thiệp nội mạch - đặt stent

Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh mạch vành- Ảnh 5.

Phương pháp đặt stent được áp dụng đối với trường hợp mạch vành hẹp nặng khu trú hoặc hẹp lan tỏa mà bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền không đủ sức khỏe để phẫu thuật.

Đặt stent mạch vành là thủ thuật được thực hiện để điều trị các bệnh mạch vành cũng như xử trí trường hợp nhồi máu cơ tim cấp. Đây là biện pháp can thiệp ít xâm lấn đi theo đường động mạch quay hoặc động mạch đùi. Bác sĩ sẽ đưa một catheter bóng vào vị trí tắc nghẽn. Bóng này sẽ được bơm phồng để nén các mảng bám và làm rộng lòng mạch giúp đường đi của máu thông thoáng.

Sau khi mạch vành được nới rộng, stent (có thể là loại có thuốc hoặc không có thuốc) sẽ được đưa vào vị trí đó. Stent sẽ tự mở ra và giữ cho mạch máu mở rộng, ngăn ngừa việc tái hẹp. Thủ thuật này được áp dụng trong trường hợp mạch vành hẹp nặng khu trú hoặc hẹp lan tỏa mà bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền không đủ sức khỏe để phẫu thuật.

Hiện nay, đặt stent đang là xu hướng điều trị bệnh mạch vành hẹp nặng với nhiều ưu điểm. Người bệnh sau đặt stent có thể trở lại cuộc sống bình thường nhanh chóng. Đồng thời, tỷ lệ thành công của thủ thuật này rất cao, giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh lý mạch vành.

3. Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Đây là phương pháp mổ mở, được chỉ định ở những người bệnh đau ngực ổn định khi có những triệu chứng dai dẳng và điều trị nội khoa không đạt hiệu quả tối ưu, không phù hợp đặt stent nong mạch vành hoặc trên những bệnh nhân có tổn thương mạch vành có nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc tử vong cao.

Để thực hiện kỹ thuật này, bác sĩ sẽ dùng các đoạn mạch nhân tạo hoặc lấy từ chính trên cơ thể người bệnh, nối từ phần động mạch bình thường đến phần động mạch vành bị tắc, hẹp. Các mạch máu hoặc mảnh ghép được sử dụng cho thủ thuật mổ bắc cầu có thể là các đoạn tĩnh mạch từ chân hoặc động mạch ở trong ngực hoặc động mạch từ cổ tay. Bác sĩ sẽ nối một đầu của mảnh ghép phía trên chỗ tắc và đầu kia bên dưới chỗ tắc, máu sẽ di chuyển qua mảnh ghép mới để đến nuôi cơ tim.

Phương pháp này giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của bệnh mạch vành như đau thắt ngực, khó thở, chóng mặt, hụt hơi… Hiệu quả có thể kéo dài từ 10-15 năm kể từ lúc tiến hành phẫu thuật.

Bắc cầu động mạch vành thường là lựa chọn tốt nhất khi người bệnh có nhiều động mạch bị tắc nghẽn bởi có thể khắc phục tình trạng nhiều đoạn mạch bị hẹp cùng lúc. Trong một lần phẫu thuật, bác sĩ sẽ phẫu thuật ghép 2, 3, thậm chí 4 cầu nối hoặc nhiều hơn để khôi phục dòng chảy của máu ở những đoạn mạch bị tắc hẹp, khắc phục tình trạng bệnh và kéo dài sự sống cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, phẫu thuật bắc cầu thường khó thực hiện cho những người có nhiều bệnh lý nền, thể trạng yếu, không chịu được cuộc phẫu thuật. Do vậy bệnh nhân thường được khám, đánh giá kĩ càng trước khi có quyết định phẫu thuật.

4. Thay đổi lối sống

Thay đổi lối sống đã được chứng minh có tác dụng giúp cải thiện các triệu chứng của các bệnh tim mạch nói chung, bệnh mạch vành nói riêng và có tính bền vững.

Người bệnh cần thực hiện theo các gợi ý sau:

  • Kiểm soát cân nặng: Việc giảm cân là rất cần thiết đối với những người béo phì để giảm các bệnh lý liên quan đến chuyển hóa trong cơ thể.
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Trong bữa ăn hằng ngày, người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt…; hạn chế chất béo bão hòa, natri (muối), đường, rượu bia….
  • Luyện tập thường xuyên: Thường xuyên tập thể dục thể thao giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành như cholesterol cao, tăng huyết áp, thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về mức độ hoạt động phù hợp trước khi bắt đầu chương trình tập luyện.
  • Giảm căng thẳng: Học cách kiểm soát các stress, căng thẳng trong cuộc sống và công việc. Dành thời gian phù hợp để nghỉ ngơi, thư giãn.
  • Bỏ thuốc lá: Nicotine và hương liệu có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử cũng có thể gây hại cho tim và phổi. Vì vậy, hãy bỏ hút thuốc để đảm bảo sức khỏe.

Tóm lại, bệnh mạch vành là một bệnh tim mạch nguy hiểm, để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, với những tiến bộ của y học, cùng với việc thay đổi lối sống ở người bệnh đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong và biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.

Bệnh mạch vành ngày càng trẻ hóa, vì sao?Bệnh mạch vành ngày càng trẻ hóa, vì sao?

SKĐS- Bệnh mạch vành là bệnh của động mạch đi nuôi dưỡng tim. Mặc dù bệnh chủ yếu gặp ở người lớn tuổi, nhưng những năm gần đây nhóm đối tượng trẻ tuổi (40-45) được chẩn đoán mắc bệnh ngày càng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng thừa cân béo phì, lối sống ít vận động…


BS. Nguyễn Đức Trung
Ý kiến của bạn