Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung

16-10-2024 11:43 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Loạn sản cổ tử cung là tình trạng tổn thương xảy ra khi xuất hiện các tế bào bất thường phát triển tại bề mặt biểu mô của cổ tử cung. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời thì loạn sản cổ tử cung có thể tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

1. Dấu hiệu nhận biết bệnh loạn sản cổ tử cung

Nguyên nhân chủ yếu gây loạn sản cổ tử cung là do nhiễm Human Papilloma Virus (HPV - virus gây u nhú ở người) dai dẳng. Ngoài ra các nguyên nhân khác có thể khiến quá trình tế bào tại cổ tử cung bị biến đổi là dưới tác động của một tác nhân viêm nhiễm hoặc sự thay đổi môi trường âm đạo...

Giai đoạn sớm của bệnh loạn sản cổ tử cung không gây ra triệu chứng rõ rệt. Vào giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có xuất hiện một vài triệu chứng nhưng rất mơ hồ, biểu hiện chủ yếu là ra máu âm đạo bất thường như: ra máu giữa chu kỳ kinh, chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu sau thụt rửa âm đạo, ra máu sau một thời gian mãn kinh. Một số dấu hiệu khác có thể thấy như: đau bụng vùng tiểu khung, đau khi giao hợp, ra nhiều khí hư màu trắng đục và hôi...

Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung- Ảnh 1.

Nhiễm virus HPV là nguyên nhân chủ yếu gây loạn sản cổ tử cung.

2. Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh loạn sản cổ tử cung

Xét nghiệm PAP: Tầm soát ung thư bằng xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung (PAP smear) là xét nghiệm đơn giản, chi phí thấp và hiệu quả để tầm soát loạn sản và bất thường ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm. Xét nghiệm được khuyến cáo áp dụng cho phụ nữ đã lập gia đình hoặc đã có quan hệ tình dục. Bác sĩ sẽ dùng một que gỗ chuyên dụng phết lấy tế bào cổ ngoài và cổ trong của tử cung. Sau đó các mẫu tế bào này được xử trí và soi dưới kính hiển vi. Nếu có tế bào bất thường, sẽ được làm các xét nghiệm chuyên sâu hơn như sinh thiết cổ tử cung, xét nghiệm virus HPV để chẩn đoán sự tồn tại của virus HPV trong cổ tử cung. Vì HPV nhóm nguy cơ cao như type 16 và 18 sẽ làm tăng nguy cơ loạn sản cổ tử cung tiến triển sang ung thư cổ tử cung nhanh hơn.

Soi cổ tử cung: Khám cổ tử cung phát hiện tế bào bất thường để có thể tiến hành sinh thiết;

Nạo cổ tử cung: Một thủ thuật kiểm tra các tế bào bất thường trong cổ tử cung;

Phẫu thuật nạo chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP): được thực hiện để loại trừ ung thư xâm lấn. Trong quá trình thực hiện, lấy một mảnh mô hình nón để kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình LEEP, cắt các mô không bình thường bằng một vòng dây điện khí mỏng, điện áp thấp.

Thử nghiệm DNA HPV: Điều này có thể xác định được các chủng HPV gây ra ung thư cổ tử cung.

Thuốc và các phương pháp điều trị bệnh loạn sản cổ tử cung- Ảnh 2.

Xét nghiệm PAP cần thiết để chẩn đoán bệnh lý phụ khoa.

3. Biện pháp điều trị loạn sản cổ tử cung

Loạn sản cổ tử cung có thể được chỉ định điều trị ngay hoặc theo dõi, tùy vào mức độ loạn sản cổ tử cung của bệnh nhân.

Đối với trường hợp loạn sản lành tính, việc lựa chọn hình thức điều trị loạn sản cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tiến triển của bệnh.

Có 3 giai đoạn loạn sản cổ tử cung, cụ thể như sau:

Giai đoạn CIN I - loạn sản nhẹ: ở giai đoạn này các tế bào bất thường và bị biến đổi do nhiễm HPV mới chỉ chiếm một số lượng nhỏ ở cổ tử cung. Đối với loạn sản mức độ nhẹ, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định theo dõi, và thực hiện tái khám, làm xét nghiệm PAP theo hẹn. Loạn sản mức độ nhẹ có thể tự thoái lui và biến mất, trở về hoàn toàn bình thường sau một thời gian mà không cần can thiệp. Tuy nhiên loạn sản mức độ nhẹ cũng có thể tiếp tục diễn tiến tới mức độ nặng hơn, hoặc tồn tại kéo dài. Nếu sau 2 năm loạn sản mức độ nhẹ vẫn còn tồn tại thì cần điều trị.

Giai đoạn CIN II - loạn sản mức độ vừa: một nửa lớp tế bào cổ tử cung đã bị biến đổi bất thường. Biện pháp điều trị thường được chỉ định ở giai đoạn 2 đó là áp lạnh hoặc sử dụng đốt điện hoặc khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure - LEEP) để loại bỏ các tế bào loạn sản cổ tử cung.

Lưu ý: Với loạn sản mức độ trung bình và mức độ nặng sẽ cần can thiệp điều trị càng sớm càng tốt, để tránh nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung.

Giai đoạn CIN III - loạn sản mức độ nặng: tế bào loạn sản đã chiếm đóng toàn bộ lớp tế bào biểu mô ở cổ tử cung. Nhưng chúng vẫn chưa thâm nhập sâu qua lớp tế bào đáy nên vẫn bảo tồn được các tổ chức dưới biểu mô ở cơ quan này. Đây còn được cho là tổn thương ung thư tại chỗ. Phương pháp điều trị trong giai đoạn 3 này thường là khoét chóp cổ tử cung hoặc cắt tử cung nếu không còn nhu cầu có con.

Trong trường hợp loạn sản nặng và kéo dài, tiến hành điều trị nhằm phá hủy hoặc cắt bỏ đi các tế bào bất thường là hết sức cần thiết, vì nguy cơ tiến triển thành ung thư cổ tử cung trong trường hợp loạn sản nặng là rất cao. Để tiến hành điều trị, một vùng mô nhỏ hình nón chứa các tế bào bất thường sẽ được cắt bỏ khỏi cổ tử cung.

Phương pháp phẫu thuật này được tiến hành qua âm đạo và dưới tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ, thời gian tiến hành phẫu thuật từ 5 - 10 phút. Trong trường hợp nặng hơn, các tế bào bất thường bị méo mó dữ dội, một vùng hình nón lớn hơn của cổ tử cung sẽ bị cắt bỏ dưới tác dụng của thuốc gây mê. Đối với phụ nữ lớn tuổi với tổn thương loạn sản ở giai đoạn CIN III thì nên cắt tử cung hoàn toàn và hai phần phụ (2 buồng trứng, vòi trứng).

4. Áp dụng phương pháp điều trị loạn sản cổ tử cung

Mỗi phương pháp điều trị loạn sản cổ tử cung đều có ưu và nhược điểm, tác dụng không mong muốn nhất định. Tùy trường hợp và mức độ tổn thương để bác sĩ cân nhắc áp dụng các phương pháp điều trị loạn sản cổ tử cung bao gồm:

- Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) hoặc các phương pháp khoét chóp khác.

- Phẫu thuật lạnh (cryosurgery).

- Phẫu thuật bằng laser.

- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung.

4.1 Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP) điều trị loạn sản cổ tử cung

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là kỹ thuật loại bỏ mô cổ tử cung bất thường bằng một vòng mảnh được đốt nóng bằng điện (vòng điện này giữ vai trò như một dao mổ).

Quá trình LEEP được thực hiện rất nhanh, chỉ mất vài phút, và trước khi thực hiện kỹ thuật không cần phải chuẩn bị đặc biệt gì. Bệnh nhân sẽ nằm ngửa ở tư thế giống như khi làm xét nghiệm PAP và được giảm đau. Sau khi đặt mỏ vịt, bác sĩ sử dụng máy soi cổ tử cung để nhìn rõ âm đạo, cổ tử cung nhằm dẫn đường cho vòng điện tiến vào loại bỏ mô bệnh ở cổ tử cung.

Sau khi thực hiện LEEP, đa số bệnh nhân có thể quay lại các hoạt động bình thường trong vòng từ 1 đến 3 ngày, đồng thời nên tránh quan hệ tình dục, thụt rửa hoặc sử dụng tampon từ 2 tới 4 tuần.

Bệnh nhân có thể phải làm lại LEEP nếu như sau lần thực hiện đầu tiên vẫn chưa loại bỏ hết phần mô bệnh (tuy nhiên khả năng xảy ra tình huống này là rất thấp).

Các tác dụng không mong muốn khi thực hiện khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện bao gồm: Đau bụng. Dịch tiết âm đạo tối màu trong tuần đầu sau khi thực hiện LEEP. Ra huyết âm đạo ít trong 1-2 tuần kể từ khi thực hiện kỹ thuật

Những tác dụng không mong muốn nặng hơn nhưng ít gặp: chảy máu âm đạo nặng, đau không đáp ứng với thuốc giảm đau, các dấu hiệu nhiễm trùng (đau tăng lên, sốt, ra dịch âm đạo vàng và có mùi khó chịu).

Đa số bệnh nhân không bị vấn đề dài hạn nào sau khi thực hiện LEEP, nhưng vẫn có thể xảy ra một số vấn đề như đau bụng kinh nặng, sinh non, hoặc khó thụ thai (do cổ tử cung bị hẹp hoặc bị sẹo).

4.2 Phẫu thuật lạnh (cryosurgery)

Phẫu thuật lạnh, còn gọi là áp lạnh, là kĩ thuật sử dụng nguồn cực lạnh (nitrogen lỏng hoặc carbon dioxide) để đóng băng và phá hủy mô và tế bào bất thường. Nguồn cực lạnh được dẫn qua một ống kim loại. Sau khi hoàn thành quá trình đóng băng, ống kim loại được làm ấm lên và đưa ra ngoài. Khối mô bệnh bị đóng băng sẽ tan chảy và hình thành mô sẹo.

Tác dụng không mong muốn của phương pháp phẫu thuật lạnh có thể xảy ra là:

Đau: Đau thường xảy ra sau khi thực hiện phẫu thuật lạnh, sẽ mất đi sau một thời gian ngắn, và thường đáp ứng với thuốc giảm đau.

Nhiễm khuẩn: Dù không thường xảy ra, nhưng sau khi phẫu thuật lạnh vẫn có thể xuất hiện nhiễm khuẩn, với các biểu hiện như tiết dịch bất thường có mùi khó chịu, sốt hoặc rét run,...

4.3 Phẫu thuật bằng laser

Phẫu thuật bằng laser là một phương pháp phẫu thuật sử dụng chùm ánh sáng (laser) để tạo các đường cắt không chảy máu trong mô. Chùm laser chiếu vào sẽ đốt vị trí mô bị bệnh và làm nó bốc hơi.

Các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra đối với phẫu thuật bằng laser bao gồm:

Đau: Sau khi thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân có thể xuất hiện đau, nhưng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và thường đáp ứng với thuốc giảm đau.

Chảy máu: Phẫu thuật bằng laser hiếm khi gây chảy máu sau khi thực hiện, bởi nhiệt từ chùm laser đã cầm máu các mạch máu bị tổn thương trong lúc thực hiện phẫu thuật.

Nhiễm khuẩn: Ít khi xảy ra, bởi ưu điểm của phẫu thuật bằng laser là nhiệt từ chùm laser trong quá trình phẫu thuật có tác dụng tiệt khuẩn tại chỗ, do đó khiến nguy cơ nhiễm khuẩn giảm thấp.

4.4 Phẫu thuật cắt bỏ tử cung

Đối với loạn sản cổ tử cung, phẫu thuật cắt bỏ tử cung ít khi được thực hiện, trừ khi loạn sản không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.

5. Phòng ngừa loạn sản cổ tử cung

Hiện loạn sản cổ tử cung chưa có cách nào phòng ngừa được hoàn toàn, nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc loạn sản cổ tử cung bằng cách tránh những hoạt động tình dục có nguy cơ cao lây nhiễm HPV bao gồm:

  • Không nên bắt đầu quan hệ tình dục quá sớm (trước 18 tuổi).
  • Không nên quan hệ tình dục với nhiều người.
  • Quan hệ tình dục an toàn (dùng bao cao su).
  • Tiêm vaccine ngừa virus HPV theo khuyến cáo.
Loạn sản cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaLoạn sản cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Loạn sản cổ tử cung là sự tăng trưởng bất thường của tế bào bề mặt cổ tử cung. Các triệu chứng của loạn sản cổ tử cung giai đoạn nặng nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.


BS. Phan Tuấn Anh
Ý kiến của bạn