1. Vì sao bị hôi miệng?
Hôi miệng do nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân chính sau:
- Có bệnh lý ở răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng...
- Bị bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang...
- Mắc các bệnh ở đường tiêu hóa, đặc biệt là trào ngược dạ dày - thực quản.
- Do vệ sinh răng miệng kém, khiến vi khuẩn phát triển mạnh gây mùi hôi...
- Sử dụng thực phẩm, đồ uống gây mùi như hành, tỏi, bia, rượu...
- Hút thuốc lá nhiều...
Tùy thuộc nguyên nhân gây hôi miệng bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng thuốc thích hợp. Theo đó, nếu bệnh nhân bị mắc các bệnh lý dẫn đến hôi miệng thì cần điều trị dứt điểm các bệnh đó. Nếu hôi miệng do vệ sinh răng miệng kém, do thói quen ăn uống, sinh hoạt thì cần thay đổi thói quen...
2. Điều trị hôi miệng theo nguyên nhân
2.1. Điều trị hôi miệng do bệnh lý ở răng miệng
- Sâu răng và các bệnh ở răng miệng: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây hôi miệng. Để khắc phục tình trạng này, cần dùng thuốc điều trị tình trạng sâu răng và các bệnh lý ở răng miệng, đồng thời cần làm sạch răng miệng bằng các biện pháp:
+ Đánh răng đúng cách: Đánh răng ngay sau khi ăn giúp loại bỏ thức ăn dư thừa ở kẽ răng và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn. Nên đánh răng sau khi ăn khoảng 30 phút, ít nhất 2 lần/ngày.
Chọn bàn chải đánh răng có sợi tơ mỏng, mềm sẽ có tác dụng loại bỏ cặn thức ăn trên răng hiệu quả và hạn chế tổn thương lợi. Thay bàn chải đánh răng thường xuyên khoảng 2 tháng/lần.
Chải răng đúng cách cả ngoài, trong và bề mặt của răng. Nên kết hợp nước súc miệng để loại bỏ tối đa vi khuẩn không có lợi cho răng miệng.
+ Sử dụng chỉ nha khoa hoặc tăm nước: Việc đánh răng thông thường không loại bỏ được hết các mảng bám vi khuẩn trong kẽ răng. Chỉ nha khoa hoặc tăm nước được khuyên dùng để loại bỏ tối đa những mảng bám trong kẽ răng. Biện pháp này cũng hạn chế việc tổn thương phần nướu so với tăm tre truyền thống.
+ Làm sạch lưỡi: Lưỡi là nơi chứa rất nhiều vi khuẩn và là môi trường thích hợp cho vi khuẩn phát triển. Khi vi khuẩn phát triển quá mức sẽ khiến bề mặt lưỡi có màu mảng trắng và gây hôi miệng. Dùng dụng cụ chải lưỡi sau khi đánh răng để loại bỏ vi khuẩn tích tụ ở bề mặt lưỡi.
+ Chăm sóc răng miệng định kỳ: Mỗi 6 tháng một lần đi lấy cao răng.
- Răng thẩm mỹ: Trường hợp đang niềng răng, bọc răng sứ, trồng răng implant... ngoài vệ sinh răng đúng cách, nên sử dụng tăm nước kết hợp nước súc miệng hằng ngày.
Nếu đeo răng giả, phải thường xuyên tháo răng, làm sạch dụng cụ nha khoa tối thiểu 1 lần/ngày ngăn ngừa sự xâm nhập của vi khuẩn lên dụng cụ.
Ngoài các biện pháp trên, cần có chế độ ăn uống hợp lý, uống nước đầy đủ. Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, tránh thực phẩm gây hôi miệng như hành, tỏi, đồ ăn cay nóng, cà phê, thực phẩm nhiều đường...
2.2.Điều trị hôi miệng do trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản gây hôi miệng rất nặng. Với tình trạng này, nếu chỉ xử lý tại miệng sẽ không điều trị dứt điểm được mùi hôi mà phải điều trị dứt điểm bệnh lý ở dạ dày. Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc:
- Nhóm thuốc ức chế thụ thể histamine H2, bao gồm: Ranitidin, cimetidin, nizatidine, famotidin. Thuốc này nên được uống từ 15 đến 30 phút trước bữa ăn.
- Thuốc ức chế bơm proton gồm: Omeprazol, lansoprazol, esomeprazol, rabeprazole, pantoprazol... Uống thuốc trước khi ăn 30 phút
- Thuốc kháng acid dạ dày: Nên dùng thuốc có chứa magiê kết hợp với nhôm để hạn chế tác dụng phụ. Thuốc có dạng viên nén, dạng gel, thuốc cốm, bột… Các thuốc kháng acid được sử dụng sau bữa ăn từ 1-3 giờ hoặc trước lúc ngủ.
Các thuốc điều trị này cần sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng, thời gian.
Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân cũng cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống, luyện tập... hằng ngày để cải thiện tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Chú ý vệ sinh răng miệng để giúp giảm hôi miệng hiệu quả hơn.
Mời độc giả xem thêm video:
8 loại thực phẩm là kẻ thù của răng miệng | SKĐS