Tự kỷ là một dạng bệnh trong nhóm rối loạn phát triển xâm nhập, ảnh hưởng đến nhiều mặt trong quá trình phát triển của con người từ lúc nhỏ nhưng chủ yếu là khiếm khuyết về tương tác xã hội, khiếm khuyết về giao tiếp (không lời và lời nói), các hành vi bất thường hoặc các mối quan tâm bị thu hẹp, rập khuôn và lặp lại. Tự kỷ được đặc trưng chủ yếu bởi các rối loạn hành vi, khả năng giao tiếp, sở thích, kiểm soát hành động và suy nghĩ.
Nhìn chung tự kỷ ở người lớn được hiểu là chứng rối loạn phức tạp về hệ thần kinh, làm ảnh hưởng tới hoạt động não bộ. Mặc dù bệnh tự kỷ thường được chẩn đoán ở trẻ mới biết đi nhưng có thể đến khi trưởng thành thì rối loạn phổ tự kỷ mới được phát hiện.
1. Bệnh tự kỷ ở người lớn có chữa được không?
- Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tự kỷ có chữa được không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Mức độ nặng nhẹ của các rối loạn, thời điểm phát hiện và áp dụng các biện pháp can thiệp, sự hợp tác của gia đình trong quá trình can thiệp,...
- Mục tiêu trong điều trị chứng tự kỷ là giảm các triệu chứng rối loạn phổ tự kỷ để tối đa hóa khả năng hoạt động, hỗ trợ quá trình phát triển cơ thể. Tùy mức độ nghiêm trọng của rối loạn và biện pháp điều trị can thiệp, kết quả thu được sẽ khác nhau. Khó có thể trả lời chính xác bệnh tự kỷ có chữa được không.
2. Điều trị bệnh tự kỷ ở người lớn bằng thuốc
Không có loại thuốc đặc hiệu với các triệu chứng chính của rối loạn tự kỷ. Một số có tác dụng trong việc làm giảm bớt tăng động, ám ảnh và các hành vi cưỡng bức, cáu kỉnh, giận dữ và các hành vi tự gây tổn thương.
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin (SSRIs) là thuốc dùng để điều trị chứng trầm cảm khi người bệnh thấy u buồn, lo lắng và có hành vi ám ảnh nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Những thuốc này bao gồm sertraline, citalopram và fluoxetine.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Đây là những thuốc chống trầm cảm dùng trong điều trị trầm cảm và rối loạn hành vi ám ảnh cưỡng chế. Thuốc chống trầm cảm ba vòng có nhiều tác dụng phụ hơn nhưng cũng hiệu quả hơn nhóm thuốc SSRI. Các tác dụng phụ của nó bao gồm táo bón, khô miệng, mờ mắt và buồn ngủ. Các thuốc trong nhóm này có thể kể đến protriptyline (Vivactil), nortriptyline (Pamelor), amitriptyline, amoxapine, imipramine (Tofranil), desipramine (Norpramin), doxepin, trimipramine (Surmontil).
- Nhóm thuốc chống loạn thần có công dụng làm giảm rối loạn hành vi liên quan đến tự kỷ. Cơ chế của thuốc là làm thay đổi tác dụng của các chất dẫn truyền trong não. Những thuốc này phát huy hiệu quả sử dụng trong trường hợp người bệnh hung hăng và có hành vi cố tự sát, tự làm tổn thương bản thân. Các thuốc trong nhóm chống loạn thần bao gồm haloperidol, risperidone và thioridazine. Những thuốc khác cũng thuộc nhóm này là clonidine (Kapvay), guanfacine (Intuniv); lithium (Lithobid) và các thuốc chống co giật như carbamazepine, valproic axit.
- Nhóm thuốc điều trị rối loạn giấc ngủ: Người lớn bị tự kỷ có thể gặp các vấn đề về giấc ngủ như mất ngủ và thường cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc nhiều lần trong đêm. Khi thức dậy, người bệnh mệt mỏi hoặc tỉnh táo và kích động cả ngày. Thuốc melatonin có khả năng làm giảm các triệu chứng này.
- Hội chứng rối loạn tăng động giảm tập trung chú ý (ADHD) có thể liên quan đến chứng tự kỷ. Thuốc methylphenidate phát huy hiệu quả trong trường hợp này.
3. Các phương pháp hỗ trợ trị bệnh tự kỷ ở người lớn
Tự kỷ là một tình trạng có nhiều triệu chứng và mức độ cũng thay đổi nhiều tùy thuộc từng cá nhân. Các phương pháp điều trị bệnh có thể không hiệu quả với người này không có nghĩa là nó sẽ không giúp ích được người khác.
- Vật lý trị liệu: Người lớn bị tự kỷ cũng giống với trẻ em, các cơ quan vận động vẫn hoạt động bình thường nhưng người bệnh không muốn vận động. Vật lý trị liệu sẽ giúp người bệnh hoạt hóa cơ quan ít hoạt động giúp tăng cường các hành vi tích cực, thích nghi với nhiều hoàn cảnh và các hoạt động xã hội.
- Trị liệu phân tâm: Bệnh tự kỷ có chữa được không đòi hỏi sự phối kết hợp giữa gia đình và trung tâm. Trị liệu phân tâm chủ yếu thông qua hoạt động trò chuyện, giúp người bệnh giải tỏa những căng thẳng bị dồn nén, góp phần hệ thống lại cấu trúc nhân cách.
- Liệu pháp nghề nghiệp: này là một lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tập trung vào việc dạy người bệnh những kĩ năng cơ bản cần cho cuộc sống hàng ngày. Ở người lớn, liệu pháp này tập trung phát triển những kĩ năng sống độc lập như là nấu ăn, quét dọn và quản lí tiền bạc.
4. Lời khuyên cho người lớn bị tự kỷ
- Người bệnh nên có một chế độ ngủ nghỉ phù hợp: theo đó người bệnh sẽ đi ngủ và thức dậy vào những giờ phù hợp sinh lý cơ thể. Đảm bảo nơi ngủ, phòng ngủ được thoải mái nhất có thể. Tránh sử dụng thiết bị như TV, điện thoại, máy vi tính... và các tình huống căng thẳng trước khi đi ngủ.
- Có chế độ ăn phù hợp: chế độ ăn uống lành mạnh là điều cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt là người bệnh. Lời khuyên để duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh cho người lớn bị bệnh tự kỷ là đảm bảo ăn uống đều đặn, không bỏ bữa, chế độ ăn uống đa dạng, cân đối và có nhiều trái cây tươi và rau, Không ăn một bữa lớn quá gần thời gian đi ngủ, tránh hoặc hạn chế uống rượu.
- Tập thể dục: Các nghiên cứu đều cho thấy tập thể dục vừa phải và thường xuyên có thể giúp cân bằng tâm trạng, ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
- Nếu có các dấu hiệu của bệnh tự kỷ và không thử tự khắc phục, người bệnh nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa tâm lý để được hỗ trợ.