Hà Nội

Thuốc và các biện pháp điều trị hôn mê

18-10-2024 14:01 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài. Đây là một tình trạng cấp cứu, cần phải được chăm sóc y tế kịp thời để bảo vệ sự sống và chức năng não. Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện có đầy đủ thiết bị.

1. Các dấu hiệu của hôn mê

Trong tình trạng hôn mê, bệnh nhân mất khả năng thức tỉnh, không đáp ứng phù hợp với các tác nhân kích thích bên ngoài, không có các vận động chủ động có định hướng và có ý nghĩa của các cơ mặt, các cơ ở chi thể hoặc cơ thân.

Tùy mức độ hôn mê có thể kéo dài từ nhiều ngày đến nhiều tuần, thậm chí là nhiều năm, người bệnh có thể dần tỉnh dậy sau hôn mê, nhưng có không ít trường hợp tiến triển sang người sống thực vật hoặc tử vong. Tiến triển của hôn mê hoặc đời sống thực vật phụ thuộc vào nguyên nhân, vị trí, độ nặng và độ lớn của tổn thương thần kinh.

Thuốc và các biện pháp điều trị hôn mê- Ảnh 1.

Hình ảnh tổn thương não dẫn đến hôn mê...

2. Điều trị hôn mê như thế nào?

Đây là một cấp cứu y khoa, do đó bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện. Các biện pháp điều trị bệnh hôn mê cần đạt được mục tiêu duy trì chức năng sống, điều chỉnh các hằng số sinh lý, bảo đảm chức năng hô hấp.

Do đó, khi cấp cứu cần thực hiện các bước:

2.1.Cấp cứu

Đặt bệnh nhân nằm ở tư thế đầu cao 20° - 30°, cổ thẳng (nếu bệnh nhân không có tụt huyết áp), hoặc đặt nằm nghiêng an toàn nếu bệnh nhân có nguy cơ sặc.

Khi chưa biết rõ nguyên nhân khiến bệnh nhân hôn mê, nên cân nhắc sử dụng các loại thuốc:

- Glucose ưu trương kết hợp tiêm vitamin B1 (nhằm đề phòng hạ đường huyết ở người uống rượu).

- Flumagenll (xử trí dự phòng ngộ độc thuốc nhóm benzodiazepin).

- Naloxon (xử trí dự phòng quá liều ma túy nhóm opiopid).

2.2. Kiểm soát chức năng hô hấp

- Khai thông đường thở bằng hút đờm dãi, lấy dị vật từ miệng và đường hô hấp. Đặt tư thế nằm nghiêng an toàn tránh tụt lưỡi, sặc. Nếu cần thì đặt canuyn miệng (là biện pháp dùng cho bệnh nhân bất tỉnh hoặc cần giữ đường thở mở).

- Cung cấp oxy: Cho bệnh nhân thở oxy kính mũi hoặc mặt nạ. Theo dõi sát tình trạng hô hấp, nhịp thở, độ bão hòa oxy mao mạch (Sp02).

- Đặt ống nội khí quản trong trường hợp cho bệnh nhân thở oxy không có kết quả hoặc bệnh nhân hôn mê sâu, ứ đọng đờm dãi nhiều.

- Thông khí nhân tạo: Chỉ định cho tất cả bệnh nhân sau khi đặt nội khí quản có tình trạng suy hô hấp không cải thiện hoặc bệnh nhân có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ.

Bệnh nhân kèm theo vật vã, kích thích cần dùng thuốc an thần.

2.3. Kiểm soát chức năng tuần hoàn

- Nếu bệnh nhân có tăng huyết áp cần sử dụng các thuốc hạ huyết áp hợp lý. Sử dụng thuốc nhằm duy trì huyết áp gần với huyết áp nền.

- Nếu bệnh nhân có tụt huyết áp, trụy mạch, sốc thì đảm bảo kiểm soát huyết động.

- Nếu có giảm khối lượng tuần hoàn cần bù dịch hoặc truyền máu. Ở một số trường hợp nếu có chỉ định, sử dụng thuốc vận mạch khi đã bù đủ khối lượng tuần hoàn.

Thuốc và các biện pháp điều trị hôn mê- Ảnh 3.

Hôn mê là tình trạng cấp cứu cần được điều trị tại bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị.

2.4. Chống phù não và tăng áp lực nội sọ

Trường hợp có các biểu hiện lâm sàng của phù não, tăng áp lực nội sọ, cần điều trị ngay cho bệnh nhân. Cần phải đo và theo dõi được áp lực nội sọ để có chỉ định phù hợp.

Các biện pháp điều trị bao gồm:

- Tăng thông khí, tư thế nằm đầu cao 20° - 30°

- Các thuốc chống phù não, tùy từng trường hợp cụ thể mà có thể chỉ định các thuốc chống phù não sau:

+ Glycerin: Tác dụng chống phù não thông qua cơ chế thẩm thấu (dùng trong đột quỵ).

+ Manitol: Tính chất ưu trương, tác dụng chống phù não qua cơ chế thẩm thấu (tăng áp lực thẩm thấu tại hàng rào máu não). Dùng trong đột quỵ, chấn thương sọ não, u não.

2.5. Chống co giật

Bệnh nhân nếu bị co giật, có thể được sử dụng thuốc:

  • Diazepam 10mg tiêm tĩnh mạch
  • Phenobarbital tiêm bắp
  • Propofol truyền tĩnh mạch

Ngoài kiểm soát tốt tình trạng co giật, phải đồng thời kiểm soát tốt tình trạng hô hấp. Sau khi kiểm soát được tình trạng co giật, cần xác định nguyên nhân gây co giật:

  • Rối loạn chuyển hóa
  • Rối loạn nước điện giải
  • Căn nguyên ngộ độc
  • Thuốc gây co giật

2.6. Lọc máu và giải độc

Biện pháp này được áp dụng cho bệnh nhân hôn mê do ngộ độc thuốc ngủ như gardenal (các ngộ độc khác có thể dùng thuốc giải độc đặc hiệu):

  • Hạ đường huyết truyền đường ưu trương.
  • Quá liều các chế phẩm thuốc phiện dùng chất đối kháng (naloxon).

3. Các biện pháp điều trị khác

Do hôn mê là tình trạng bất tỉnh kéo dài, nên ngoài xử lý cấp cứu để duy trì sự sống, bệnh nhân cần được xử trí các tổn thương thứ phát do việc nằm lâu gây ra, bao gồm:

  • Vệ sinh da, răng, miệng, mũi, bộ phận sinh dục, các loại ống thông… để tránh nhiễm khuẩn.
  • Các biện pháp làm giảm khí cặn đường hô hấp bằng cách vỗ rung.
  • Sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm.
  • Chống loét điểm tỳ đè bằng cách lật trở bệnh nhân, thay đổi tư thế 2 giờ một lần, dùng đệm khí hoặc đệm nước mát có ngăn.
  • Phục hồi chức năng sớm, xoa bóp cho người bệnh, vận động trị liệu.
  • Dùng thuốc chống ứ trệ tĩnh mạch, chống viêm tắc tĩnh mạch như thuốc heparin trọng lượng phân tử thấp (nếu bệnh nhân không có chống chỉ định).
  • Bảo vệ mắt bằng băng mắt và tránh khô mắt.
  • Điều trị tình trạng tăng thân nhiệt hoặc hạ thân nhiệt có thể xảy ra trong quá trình hôn mê.
  • Đảm bảo đủ năng lượng: Lựa chọn đường nuôi dưỡng thích hợp qua ống thông dạ dày hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch.

Cân nhắc các chỉ định phẫu thuật đối với các trường hợp sau:

  • Chấn thương sọ não có máu tụ ngoài màng cứng, dưới màng cứng.
  • Các dị dạng mạch não, u não, áp xe não…

Mời độc giả xem thêm video:

Cấp cứu hai bệnh nhân đột quỵ sau cơn đau đầu | SKĐS


BS.Minh Vũ
Ý kiến của bạn