Thuốc và các biện pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa

04-12-2024 07:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng đuôi ngựa là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép. Tình trạng này ảnh hưởng tới chức năng vận động và cảm giác đến hai chân, bàng quang, trực tràng và có nguy cơ gây tổn thương vĩnh viễn. Điều trị hội chứng đuôi ngựa khá phức tạp, đòi hỏi phác đồ tỉ mỉ và kế hoạch đa chiều...

1. Ai có nguy cơ mắc hội chứng đuôi ngựa?

Đối tượng có nguy cơ cao mắc hội chứng đuôi ngựa gồm:

  • Tuổi tác: Tuổi càng cao càng dễ mắc các bệnh như bị thoái hóa cột sống, loãng xương, thoát vị đĩa đệm... làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đuôi ngựa.
  • Tính chất công việc: Người thường xuyên làm công việc lao động thể chất nặng nhọc, bưng bê, khuân vác nặng, nhất là những trường hợp không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ.
  • Người bị thừa cân béo phì: Khi bị béo phì trong thời gian dài sẽ làm gia tăng gánh nặng lên cột sống.
  • Vận động viên: Đặc biệt những vận động viên chơi môn thể thao dễ chấn thương như đua xe…

Khi mắc hội chứng đuôi ngựa, thường có các triệu chứng điển hình:

  • Đau thắt lưng dữ dội, đáp ứng kém với các thuốc giảm đau thông thường.
  • Dần dần yếu liệt cơ, rối loạn hay mất cảm giác kèm theo cảm giác đau một hay cả hai chân. Tình trạng này ngày càng nặng hơn có thể dẫn đến mất phản xạ tại chân; có khả năng mất cảm giác vùng chậu.
  • Rối loạn chức năng bàng quang (như bí tiểu, tiểu khó…); rối loạn cảm giác của trực tràng, đại tiểu tiện mất tự chủ; rối loạn chức năng sinh dục.
  • Hội chứng đuôi ngựa khi không được thăm khám và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng liên quan...
Thuốc và các biện pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa- Ảnh 1.

Các rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép dẫn đến hội chứng đuôi ngựa.

2. Các biện pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa

Hội chứng đuôi ngựa có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ gây ra tổn thương vĩnh viễn, nếu không được điều trị đúng và kịp thời.

Điều trị hội chứng đuôi ngựa cần phải phối hợp nhiều phương thức, bao gồm:

2.1 Dùng thuốc điều trị hội chứng đuôi ngựa

+ Giảm đau: Nếu mức độ đau nhẹ, có thể sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol. Trường hợp đau nặng hơn mà paracetamol không giúp giảm đau, có thể dùng thuốc giảm đau opioid theo chỉ định của bác sĩ.

Dùng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất trong hướng dẫn sử dụng đi kèm thuốc. Không được tăng liều (vì gây hại gan).

+ Chống viêm: Tùy trường hợp, bác sĩ cũng có thể kê thuốc giảm viêm không steroid để giúp giảm viêm và giảm phù nề hoặc chỉ định bệnh nhân sử dụng liều cao thuốc chống viêm corticosteroid. Những loại thuốc này có thể làm giảm viêm và sưng dọc theo cột sống.

Lưu ý: Các thuốc này có thể gây hại dạ dày, do đó có thể cần dùng thêm thuốc chống loét đường tiêu hóa. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Trong quá trình sử dụng, cần theo dõi tác dụng phụ của thuốc có thể xảy ra, thông báo kịp thời cho bác sĩ biết để được xử lý thích hợp.

+ Kháng sinh: Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra hội chứng đuôi ngựa, có thể dùng thuốc kháng sinh.

+ Hóa trị, xạ trị: Trường hợp hội chứng đuôi ngựa do khối u, thì cần dùng phương pháp xạ trị/hóa trị sau khi phẫu thuật.

2.2 Vật lý trị liệu

Ngoài dùng thuốc, cần kết hợp với phương pháp vật lý trị liệu như tập thể dục, massage, điện trị liệu, trị liệu nhiệt, giảm căng cơ nhằm cải thiện tình trạng đau và giúp bệnh nhân cảm thấy thoải mái hơn. Khi kết hợp vật lý trị liệu cùng thuốc giảm đau sẽ giúp bệnh nhân nâng cao chất lượng sống.

2.3 Phẫu thuật

Khi mắc hội chứng đuôi ngựa, cần phải phẫu thuật sớm để giảm bớt áp lực lên dây thần kinh. Phẫu thuật sớm là nhằm cải thiện các biến chứng: Tê liệt hai chân, mất kiểm soát bàng quang và trực tràng, rối loạn chức năng tình dục hoặc các vấn đề khác.

Thời điểm phẫu thuật tốt nhất là trong vòng 48 giờ kể từ khi có triệu chứng. Tùy theo nguyên nhân, phẫu thuật điều trị hội chứng đuôi ngựa bao gồm một trong những phương pháp sau:

  • Loại bỏ đĩa đệm thoát vị
  • Loại bỏ khối u
  • Mở rộng ống sống
  • Cắt bỏ dây chằng
  • Cắt bỏ một phần của đốt sống

Ngoài phẫu thuật, đối với trường hợp mắc các triệu chứng như rối loạn đại/tiểu tiện có thể phải dùng thuốc điều trị tình trạng này, kèm theo chế độ ăn uống và các kỹ thuật vận động.

2.4 Lưu ý khi điều trị hội chứng đuôi ngựa

Các biện pháp phối hợp điều trị là rất cần thiết mới mang lại hiệu quả. Trong đó phẫu thuật là phương pháp cần được áp dụng sớm trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng. Tuy nhiên, sau 48 giờ thì áp dụng phương pháp phẫu thuật vẫn mang lại hiệu quả điều trị hơn là không phẫu thuật.

Hiệu quả sau phẫu thuật của mỗi trường hợp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Mức độ tổn thương của dây thần kinh ở thời điểm phẫu thuật.
  • Thời gian dây thần kinh được giải nén.
Thuốc và các biện pháp điều trị hội chứng đuôi ngựa- Ảnh 2.

Áp dụng phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi chức năng cho người mắc hội chứng đuôi ngựa.

Nếu được phẫu thuật sớm và thành công, các chức năng bàng quang và trực tràng có thể được phục hồi trong vài năm. Thời gian phục hồi sẽ được rút ngắn khi người bệnh áp dụng thêm các biện pháp hỗ trợ sau phẫu thuật.

Với trường hợp điều trị muộn, tổn thương vĩnh viễn đã xuất hiện thì phẫu thuật sẽ không mang lại hiệu quả điều trị cao. Khi hội chứng đuôi ngựa chuyển sang thể mạn tính, người bệnh bị mất chức năng ruột và bàng quang cùng nhiều cơ quan khác. Lúc này, bệnh nhân cần thích nghi với tình trạng bệnh đồng thời dùng các biện pháp để kiểm soát cũng như cải thiện tinh thần để nâng cao chất lượng cuộc sống.

3. Các biện pháp phục hồi chức năng

- Phục hồi chức năng vận động: Hội chứng đuôi ngựa gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của hai chi dưới. Bệnh nhân cần được hướng dẫn các bài tập vận động phù hợp, dựa vào đánh giá sức cơ, tầm vận động khớp để giúp cải thiện lực cơ, giới hạn vận động khớp và tăng cường những hoạt động chức năng. Bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn những bài tập huấn luyện khả năng di chuyển.

- Phục hồi chức năng bàng quang: Dựa vào kết quả đo niệu động học, bệnh nhân sẽ được điều trị rối loạn bàng quang nhằm kiểm soát tốt vấn đề tiểu tiện và ngăn ngừa nhiễm trùng tiết niệu; đồng thời ngăn không gây trào ngược nước tiểu từ bàng quang lên thận.

- Phục hồi chức năng trực tràng: Biện pháp này bao gồm chế độ ăn uống, đảm bảo bổ sung những loại thực phẩm dinh dưỡng phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh. Kết hợp luyện tập cho đường ruột hoạt động tại một thời điểm nhất định trong ngày. Ngoài ra cần tập thói quen ngồi bô hoặc bồn cầu để tạo thói quen đại tiện.

Mục tiêu của phương pháp này là hình thành thói quen hoạt động của đường ruột, hạn chế bệnh trĩ, nứt hậu môn và kiểm soát được tình trạng đại tiện.

- Phục hồi chức năng sinh dục: Bệnh nhân có thể được hướng dẫn dùng thuốc, công cụ giúp duy trì trạng thái sinh lý, điều chỉnh rối loạn cương dương và tăng ham muốn tình dục.

4. Biện pháp phòng ngừa hội chứng đuôi ngựa

Khi mắc hội chứng đuôi ngựa việc điều trị phức tạp và khả năng phục hồi sức khỏe như cũ cũng khó khăn. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng các can thiệp vào lối sống hằng ngày:

  • Tránh ngồi sai tư thế hoặc ngồi quá lâu trong một thời gian dài.
  • Tránh cố sức mang vác vật nặng, không sử dụng vùng thắt lưng quá mức.
  • Sử dụng dụng cụ bảo hộ lao động khi phải mang vác nặng, chú ý tư thế khi lao động (không cúi gập người tối đa, sau đó ngửa ra đột ngột, đặc biệt là khi đang bưng bê vật nặng). Hành động này sẽ có nguy cơ cao gây rách vòng xơ bao quanh nhân nhầy đĩa đệm, khiến nhân nhầy thoát ra và chèn ép vào rễ thần kinh vùng đuôi ngựa.
  • Có biện pháp phòng ngừa chấn thương, đeo bảo hiểm khi tập thể dục thể thao, lái xe...
  • Kiểm soát tốt cân nặng, tránh thừa cân, béo phì.
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi, vitamin D và chất chống oxy hóa, để tăng cường sức khỏe xương khớp, giảm nguy cơ thoát vị đĩa đệm.

Mời độc giả xem thêm video:

Chuyên gia chỉ ra những nguy hại khi bị chấn thương cột sống | SKĐS


BS.Phạm Ngọc Dương
Ý kiến của bạn