Thuốc và các biện pháp điều trị Hội chứng Bartter

02-04-2025 06:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Hội chứng Bartter được đặc trưng bởi một số bất thường về điện giải bao gồm kali và clorua thấp và trong một số trường hợp, hạ magiê máu...

1. Hội chứng Bartter nguy hiểm như thế nào?

Khi mắc Hội chứng Bartter, nhiều muối và canxi sẽ bị thải ra khỏi cơ thể khi đi tiểu. Đồng thời, nồng độ kali thấp và mức độ acid trong máu tăng cao. Khi các yếu tố này mất cân bằng, người bệnh có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau.

Có hai dạng chính là Hội chứng Bartter tiền sản và Hội chứng Bartter điển hình. Các triệu chứng thường gặp gồm: Tiểu nhiều, mệt mỏi, co cứng cơ, buồn nôn, khó tiêu... Nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến các biến chứng như:

- Rối loạn chức năng thận: Hội chứng Bartter ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng thận, từ đó gây ra sự mất cân bằng điện giải và tác động đến quá trình lọc máu.

- Rối loạn tăng trưởng: Đặc biệt là với hội chứng Bartter tiền sản, khi thiếu muối và chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển và tăng trưởng của thai nhi trong tử cung, thậm chí là sinh non.

- Bệnh sỏi thận: Khi mất cân bằng các muối và chất khoáng trong thận sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận và vấn đề tiểu tiện.

Thuốc và các biện pháp điều trị Hội chứng Bartter- Ảnh 1.

Trẻ mắc hội chứng Bartter cần sát sao trong việc theo dõi việc điều trị.

- Tăng huyết áp: Một số người bị hội chứng Bartter có thể bị tăng huyết áp, đặc biệt là ở dạng Bartter điển hình.

- Rối loạn chức năng cơ và thần kinh: Mất cân bằng điện giải và thiếu kali có thể gây ra co cứng cơ, chuột rút, mất cảm giác và các vấn đề liên quan đến thần kinh.

2. Các phương pháp điều trị hội chứng Bartter

Mục tiêu của điều trị Hội chứng Bartter là bù đắp sự mất cân bằng điện giải, đồng thời kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ sự phát triển của bệnh nhân.

Các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay được áp dụng:

2.1 Bổ sung điện giải điều trị hội chứng Bartter

Bổ sung kali và các chất điện giải khác là rất quan trọng để duy trì cân bằng trong cơ thể bệnh nhân. Kali có thể được bổ sung qua đường uống, nhưng các trường hợp nghiêm trọng, cần phải tiêm truyền. Bệnh nhân cần theo dõi chặt chẽ nồng độ kali trong máu để tránh các biến chứng.

2.2 Dùng thuốc lợi tiểu

Dùng thuốc lợi tiểu để kiểm soát sự bài tiết nước tiểu và giảm sự mất điện giải, có thể dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali. Trong quá trình dùng thuốc, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, bởi có thể làm tăng nguy cơ mất nước và kiềm hóa máu.

2.3 Thuốc ức chế prostaglandin

Nồng độ prostaglandin trong cơ thể tăng cao làm nặng thêm tình trạng đa niệu và bất thường về điện giải. Các thuốc như indomethacin, ibuprofen hoặc celecoxib có thể được chỉ định để giảm sản xuất chất này.

2.4 Bổ sung muối

Bệnh nhân cần tăng tiêu thụ muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các nguồn muối bao gồm muối biển và các món ăn chứa muối như nước mắm, xì dầu, sốt đậu và các sản phẩm chế biến có chứa muối. Trường hợp bị nặng, đe dọa tính mạng có thể cần bổ sung muối và nước qua đường tĩnh mạch.

Thuốc và các biện pháp điều trị Hội chứng Bartter- Ảnh 2.

Chế độ ăn bổ sung muối và các chất khoáng là rất quan trọng đối với bệnh nhân.

2.5 Bổ sung khoáng chất

Việc bổ sung chất khoáng như canxi và magiê cũng rất quan trọng. Các chất khoáng này có thể giúp cải thiện tình trạng kiềm hóa và cân bằng điện giải trong cơ thể. Có thể bổ sung magiê từ các nguồn như hạt hướng dương, hạt hạnh nhân, ca cao, lúa mạch, ngô và các loại hạt khác...

Do Hội chứng Bartter gây ra mất nước và mất kali trong cơ thể, việc bổ sung kali thông qua chế độ ăn uống hoặc dùng thuốc có thể giúp cân bằng lại mức độ muối và chất điện giải. Các nguồn kali bao gồm các loại rau quả như chuối, khoai lang, cà rốt, cà chua và rau chân vịt. Ngoài ra, các loại hạt như hạt hướng dương, hạt lanh cũng là nguồn kali phong phú.

2.6 Các biện pháp khác

- Giới hạn tiêu thụ nước: Bệnh nhân cần giới hạn tiêu thụ nước để tránh mất muối và chất điện giải. Việc bổ sung nước bao nhiêu/ngày cần được điều chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ.

- Chia nhỏ khẩu phần ăn: Nên chia nhỏ khẩu phần ăn, ăn thành nhiều bữa trong ngày để giúp cơ thể hấp thụ và sử dụng dưỡng chất tốt hơn.

3. Lưu ý khi điều trị

- Để đảm bảo hiệu quả điều trị và sự phát triển khỏe mạnh cho bệnh nhân, các biện pháp dùng thuốc điều trị cũng như chăm sóc và chế độ dinh dưỡng phải được thực hiện dưới sự giám sát của các chuyên gia y tế, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa thận và chuyên khoa nhi.

- Đối với bệnh nhi, do trẻ chưa biết tự chăm sóc bản thân, nên người chăm sóc trẻ cần có biện pháp theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe cũng như các triệu chứng của trẻ để thông báo cho bác sĩ ngay.

- Luôn giúp trẻ tuân thủ theo hướng dẫn bác sĩ về chế độ dùng thuốc, chế độ ăn nghiêm túc.

- Cho trẻ kiểm tra sức khỏe theo hướng dẫn và đúng lịch hẹn. Khi được kiểm tra định kỳ sẽ giúp bác sĩ theo dõi tiến trình bệnh, từ đó sẽ có kế hoạch điều chỉnh điều trị phù hợp.

Mời độc giả xem thêm video:

Nguyên nhân suy thận và bí quyết tránh nguy cơ chạy thận | SKĐS


BS.Minh Vũ
Ý kiến của bạn