1. Một số yếu tố gây ra tình trạng giãn ống dẫn sữa
Đến nay vẫn rõ nguyên nhân gây giãn ống dẫn sữa, nhưng có một số yếu tố liên quan:
- Phụ nữ tuổi tiền mãn kinh: Do thay đổi hormone rất lớn ở giai đoạn này cùng với thành phần cấu tạo mô vú thay đổi từ dạng tuyến chuyển sang dạng tích lũy mô mỡ, có thể dẫn đến tắc ống dẫn sữa và gây viêm do giãn ống dẫn. Đặc biệt là phụ nữ nhiều con, cho con bú trong thời gian dài thì nguy cơ này càng cao.
- Hút thuốc lá: Phụ nữ hút thuốc lá hoặc sống trong môi trường có khói thuốc sẽ bị tiếp nhiễm nicotin. Nicotin trong thuốc lá liên quan đến việc mở rộng ống dẫn sữa, gây viêm và giãn ống sữa.
- Tụt núm vú: Tình trạng tụt núm vú có thể làm tắc nghẽn ống dẫn sữa, gây nhiễm trùng và viêm dẫn tới giãn ống sữa.
- Tắc ống dẫn sữa: Khi bị tắc ống dẫn sữa sẽ xuất hiện u cục cứng khiến vú bị sưng đau, viêm, sốt...
2. Điều trị giãn ống dẫn sữa như thế nào?
Đa số các triệu chứng của giãn ống dẫn sữa không cần điều trị. Chỉ khi xuất hiện các triệu chứng bất thường xuất hiện trong núm vú hoặc vùng xung quanh vú, bầu vú thì mới cần đi khám bệnh. Việc chẩn đoán giãn ống dẫn sữa, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng người bệnh cung cấp cùng kết quả khám lâm sàng.
2.1 Kiểm tra vú
Trước khi quyết định điều trị, bác sĩ có thể sử dụng thêm một vài phương pháp sau để có kết luận chính xác hơn:
- Siêu âm vú: Giúp đánh giá tình trạng ống dẫn sữa bên dưới núm vú để khu trú khu vực tổn thương qua siêu âm.
- Nhũ ảnh: Là phương pháp chụp Xquang đặc biệt dành cho tuyến vú. Biện pháp này được dùng để hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý tuyến vú ở phụ nữ. Nhũ ảnh dùng tia X chiếu qua tuyến vú để ghi lại hình ảnh tuyến vú trên phim, giúp bác sĩ đánh giá nhu mô vú.
- Kiểm tra dịch từ núm vú: Trường hợp có dịch chảy ra từ núm vú, bác sĩ sẽ dùng phương pháp xét nghiệm dịch để xác định nguyên nhân hóa sinh dẫn tới chảy dịch từ núm vú.
2.2 Các phương pháp điều trị giãn ống dẫn sữa
Nếu giãn ống dẫn sữa ở mức độ nhẹ, không gây trở ngại gì, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp tự chăm sóc tại nhà để hạn chế diễn tiến của bệnh:
- Sử dụng gạc ấm đắp lên vùng núm vú để giảm đau và sưng. Trường hợp có chảy dịch, dùng miếng gạc sạch đệm ở áo lót để thấm dịch, không để dịch chảy thấm ra áo ngoài.
- Mặc áo lót cotton loại chất lượng tốt để giữ cho ngực không bị chảy xệ cũng giúp bệnh nhân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.
- Khi ngủ, nằm nghiêng về phía đối diện với bên vú bị giãn ống dẫn sữa sẽ làm dịu cơn đau và làm cho vú đỡ sưng.
Trường hợp có các triệu chứng nặng, kéo dài gây ảnh hưởng đến người bệnh, có thể được điều trị bằng các phương pháp:
- Dùng thuốc:
Các bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một số thuốc sau:
+ Kháng sinh: Tùy trường hợp có thể chỉ định dùng trong khoảng từ 10 - 14 ngày để điều trị nhiễm trùng gây ra do giãn ống dẫn sữa. Khi được kê đơn thuốc kháng sinh, bệnh nhân cần tuân thủ sử dụng đủ liều theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên tự ý dừng khi thấy các triệu chứng suy giảm vì nguy cơ tái phát nhiễm trùng nặng nề hơn.
+ Thuốc giảm đau: Trường hợp giãn ống sữa gây nhiễm trùng, sưng đau, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen hoặc ibuprofen. Nên uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ đề đạt hiệu quả giảm đau tốt nhất.
+ Phẫu thuật: Trường hợp giãn ống dẫn sữa có khối áp xe tiến triển mà sử dụng kháng sinh kết hợp với các biện pháp chườm nóng không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ lựa chọn giải pháp phẫu thuật cắt bỏ ống dẫn sữa bị giãn.
Thủ thuật này khá đơn giản, thực hiện thông qua một vết rạch nhỏ ở rìa của quầng vú. Tuy nhiên, giãn ống dẫn sữa hiếm khi phải phẫu thuật.
3. Phòng ngừa giãn ống dẫn sữa
Mặc dù không phòng ngừa được, nhưng có thể hạn chế nguy cơ bị giãn ống dẫn sữa bằng thói quen sinh hoạt:
- Mặc áo lót loại tốt, chất liệu cotton, đúng kích cỡ để giúp nâng đỡ ngực, đặc biệt là ở phụ nữ có size ngực lớn, cho con bú.
- Để ý những dấu hiệu bất thường ở núm vú như núm vú tụt vào, đầu núm vú có tiết dịch. Đi khám ngay khi có những triệu chứng bất thường.
- Tránh xa môi trường chứa khói thuốc.
Mời độc giả xem thêm video:
Tắc tia sữa, áp xe vú có ảnh hưởng đến lần mang thai sau?