1. Tầm quan trọng của điều trị viêm ruột do virus
Đối tượng dễ mắc viêm ruột do virus là người hay sử dụng thức ăn và đồ uống bị ô nhiễm hoặc tiếp xúc với bệnh, trẻ em, người bị suy giảm hệ thống miễn dịch...
Khi bị viêm ruột do virus, người bệnh thường có các triệu chứng: Đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, sốt nhẹ, có các dấu hiệu bị mất nước như cảm giác khát nước liên tục, khô miệng. Một số trường hợp, nhất là trẻ em, tiêu chảy và phân có máu.
Dựa trên các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm (điển hình là xét nghiệm phân), bác sĩ chẩn đoán chính xác mức độ người bệnh bị viêm ruột do virus.
Từ đó đưa ra biện pháp điều trị, việc điều trị kịp thời, nhất là bù dịch sẽ giúp người viêm ruột do virus không suy kiệt sức khỏe, đồng thời giữ được thể trạng để có thể nhanh chóng hồi phục.
Bên cạnh đó, khi áp dụng điều trị đúng phương pháp, hệ tiêu hóa của người viêm ruột do virus nhanh chóng bình thường trở lại, tránh được các biến chứng có thể xảy ra.
2. Điều trị bằng bù nước và điện giải với người viêm ruột do virus
Người viêm ruột do virus được cho dùng dung dịch bù nước đường uống (ORS). Biện pháp này sẽ cung cấp kịp thời nước và ion cần thiết, góp phần ngăn ngừa sự mất nước của người bệnh.
Người bệnh cũng có thể dùng thêm nước hầm từ xương, thịt heo, bò. Ngay cả khi nôn, bệnh nhân cũng nên uống từng ngụm nhỏ các loại nước này.
Trẻ em có thể bị mất nước nhanh hơn người lớn nên cần cho bệnh nhân uống nhiều nước hơn bình thường. Các loại nước có thể dùng cho trẻ em bị viêm ruột do virus như: nước đun sôi để nguội, nước trái cây, nước cháo trắng. Tránh không cho bệnh nhân uống nước đường, nước ngọt công nghiệp. Nếu trẻ đang bú mẹ nên tiếp tục cho bú sữa mẹ.
Trong trường hợp người viêm ruột do virus (cả người lớn và trẻ em) bị mất nước nghiêm trọng sẽ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch để kịp thời ngăn chặn sự suy kiệt sức khỏe vì mất nước của người bệnh.
3. Điều trị bằng dinh dưỡng cho người viêm ruột do virus
Hiện nay, thuốc kháng sinh chưa được khuyến cáo dùng trong điều trị viêm ruột do virus. Trong một số trường hợp bác sĩ chỉ định dùng thêm thuốc hạn chế chống tiêu chảy. Còn các biện pháp chính vẫn là bù nước và điện giải kết hợp điều trị bằng dinh dưỡng.
Điều trị bằng dinh dưỡng (còn gọi là điều trị hỗ trợ) rất cần thiết với người viêm ruột do virus. Khi bệnh nhân có thể dung nạp dinh dưỡng mà không bị nôn ói và cảm giác thèm ăn trở lại thì bắt đầu cho bệnh nhân ăn. Các dinh dưỡng phù hợp, được khuyên dùng là bánh mì nướng, bánh gạo, chuối, ngũ cốc, galentin, chất dễ tiêu hóa...
Các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều chất gia vị người viêm ruột do virus tuyệt đối không được dùng vì có thể làm tăng triệu chứng tiêu chảy, làm bệnh lâu khỏi hơn.
Bên cạnh các dinh dưỡng cần sử dụng như đã nêu trên, người viêm ruột do virus cần nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc. Giường ngủ nên bố trí gần với nhà vệ sinh, có lối đi thuận tiện.
4. Lưu ý cần nhớ cho người viêm ruột do virus
Trong trường hợp người viêm ruột do virus được cho xuất viện về nhà nghỉ ngơi, tự điều trị, cần tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, thông báo ngay cho bác sĩ biết khi có triệu chứng bất thường như tiêu chảy nặng trở lại, đau bụng nhiều, nôn để được tư vấn và có biện pháp điều trị kịp thời.
Bệnh viêm ruột do virus dù đã khỏi vẫn có thể mắc lại nên sau khi điều trị, người bệnh cần phải tuân thủ ăn chín, uống sôi, tiêu thụ các thực phẩm được bảo đảm an toàn, không để lẫn thực phẩm tươi sống với thực phẩm đã chín.
Hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc với vật nuôi, người bệnh.
Vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, khử trùng bề mặt dễ bị bám virus như sàn nhà, nhà vệ sinh...