Nhiễm trùng kết mạc (đau mắt đỏ) thường gặp nhất là viêm kết mạc virus hoặc là viêm kết mạc vi khuẩn và có thể lây truyền. Hiếm khi có nhiều căn nguyên phối hợp gây bệnh cùng lúc. Nhiều tác nhân dị ứng có thể gây ra viêm kết mạc dị ứng. Các yếu tố không gây dị ứng kích thích kết mạc có thể là dị vật, gió, bụi, khói, nước hoa, hóa chất bay hơi và các dạng ô nhiễm không khí và phơi nhiễm với tia tử ngoại cường độ cao.
Tuy nhiên, đau mắt đỏ do virus chiếm phần lớn các ca đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ có thể kèm theo cảm lạnh và các bệnh nhiễm trùng virus khác. Đau mắt đỏ do virus khu trú mà không có biểu hiện toàn thân, thường do adenovirus (lên đến 90% trường hợp đau mắt đỏ do virus) và đôi khi là enterovirus hoặc virus herpes simplex (chiếm 1,3 đến 4,8% đau mắt đỏ do virus).
Đau mắt đỏ thường rất cấp tính, nhưng cả hai nguyên nhân nhiễm trùng và dị ứng đều có thể mạn tính. Các điều kiện bổ sung gây viêm kết mạc mạn tính bao gồm ngửa mi, quặm, viêm bờ mi, và viêm túi lệ mạn tính.
Bất kỳ nguồn viêm nào cũng có thể gây chảy nước mắt hoặc cương tụ kết mạc lan tỏa, có thể khiến mắt có gỉ ban đêm. Nhiều gỉ mắt sẽ gây nhìn mờ nhưng khi được lau sạch thì sẽ nhìn lại bình thường.
Đau mắt đỏ do virus chiếm phần lớn các ca mắc…
Ngứa và chảy nước mắt là triệu chứng chủ yếu trong viêm kết mạc dị ứng. Phù nề kết mạc và nhú tăng sản cũng gợi ý viêm kết mạc dị ứng. Sự kích thích hoặc cảm giác dị vật, sợ ánh sáng và tiết tố trong gợi ý truyền nhiễm viêm kết mạc virus; tiết tố mủ gợi ý viêm kết mạc vi khuẩn. Đau mắt dữ dội bất thường gợi ý viêm củng mạc.
1. Điều trị đau mắt đỏ theo y học cổ truyền
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ), theo y học cổ truyền gọi là chứng hồng nhãn, hỏa nhãn, kết mạc viêm; do phong nhiệt xâm nhập vào kinh can, kinh phế, kinh đại trường gây ra.
Pháp điều trị: Khu phong; thanh nhiệt kinh can, phế, đại trường.
Phương thuốc uống:
-Bài 1: Kim ngân hoa 16g, chi tử 12g, hoàng đằng 12g, chút chít 12g, kinh giới 12g, bạc hà 6g, tang diệp 16g, cúc hoa 12g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
-Bài 2: Kim ngân hoa 16g, liên kiều 12g, chi tử 8g, hoàng cầm 12g, bạc hà 6g, ngưu bàng tử 12g, cát cánh 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 2 lần.
-Bài 3: Hoàng liên 8g, Chi tử 8g, Cúc hoa 8g, Xuyên khung 4g và Bạc hà 4g. Sắc ngày 1 thang, dùng nước này xông mắt, khi nước nguội lấy uống chia 2 lần.
Phương thuốc đắp, rửa mắt:
-Bài 1: Hoàng liên sắc lấy nước, lọc kỹ, dùng để rửa mắt ngày 2 lần.
-Bài 2: Cúc hoa đun hoặc hãm với nước sôi, lọc kỹ, lấy vải sạch ngâm ướt trong dịch chiết, đắp chườm mắt 10 – 15 phút mỗi ngày.
2. Phương pháp điều trị tự nhiên khác cho triệu chứng đau mắt đỏ
Hương nhu có đặc tính chống viêm và làm dịu giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của môi trường và các gốc tự do.
- Hương nhu: Hương nhu có đặc tính chống viêm và làm dịu giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của môi trường và các gốc tự do. Nó cũng có khả năng chống lại nhiễm trùng do virus, vi khuẩn và nấm trong mắt.
Ngâm lá Hương nhu trong nước đun sôi trong 10 phút. Sau đó dùng nước này để rửa mắt, hoặc ngâm một miếng gạc sạch với nước Hương nhu để chườm mắt.
- Trà xanh: Các bioflavonoid có trong trà xanh làm giảm kích ứng và viêm do đau mắt đỏ gây ra đồng thời chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Nhúng túi trà xanh vào nước đun sôi và đặt lên mắt khi nó đủ nguội để chạm vào. Hoặc pha một tách trà xanh và ngâm một chiếc khăn sạch vào đó để chườm ấm.
- Nghệ: Nghệ có các hợp chất chữa bệnh và làm giảm viêm. Nó cũng có đặc tính kháng khuẩn và có thể làm giảm các triệu chứng đau mắt đỏ khi sử dụng tại chỗ. Cho 5 – 7 lát nghệ vào 1 cốc nước đun sôi. Ngâm một miếng gạc sạch vào đó rồi đắp chườm mắt.
- Dầu Neem: Dầu neem làm giảm kích thích da với đặc tính nhẹ nhàng và êm dịu. Nó cũng có các thành phần chống viêm và kháng khuẩn có thể làm giảm các triệu chứng viêm kết mạc. Lau dầu neem quanh mắt và mí mắt trước khi đi ngủ để giảm đau mắt đỏ.
3. Các biện pháp hỗ trợ điều trị đau mắt đỏ do virus
Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch thường xuyên giúp giảm nguy cơ lây đau mắt đỏ.
Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây và phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây truyền:
- Sử dụng chất khử trùng tay và/hoặc rửa tay kỹ sau khi chạm vào mắt hoặc dịch tiết mũi.
- Tránh chạm vào mắt không bị nhiễm trùng sau khi chạm vào mắt bị nhiễm bệnh.
- Tránh dùng chung khăn hoặc gối.
- Tránh bơi trong bể bơi.
- Phải làm sạch tiết tố của mắt và không băng che mắt. Trẻ nhỏ bị viêm kết mạc cần được nghỉ học ở nhà để tránh lây nhiễm.
- Đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác.
Đau mắt đỏ do virus thường tự ổn định, kéo dài 1 tuần trong trường hợp nhẹ và đến 3 tuần trong trường hợp nặng. Thông thường chỉ cần chườm mát để giảm triệu chứng. Tuy nhiên, những bệnh nhân sợ ánh sáng hoặc có giảm thị lực, có thể đáp ứng với corticosteroid tại chỗ.
Corticosteroid thường do bác sĩ mắt kê. Viêm giác mạc do Herpes simplex phải được loại trừ trước tiên (bằng cách nhuộm huỳnh quang và khám bằng đèn khe) vì corticosteroid có thể làm trầm trọng thêm bệnh.
Cyclosporin tại chỗ nhìn chung ít hiệu quả hơn nhưng hữu ích nếu việc sử dụng thuốc nhỏ mắt corticosteroid bị hạn chế bởi các tác dụng phụ. Trong trường hợp nặng, bất kỳ màng giả kết mạc nào cũng cần phải được loại bỏ khi khám bằng đèn khe để làm giảm nguy cơ sẹo kết mạc và hình thành dính mí - nhãn cầu.
4. Khi nào cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế?
Người bệnh cần phải đến bệnh viện nếu bị viêm kết mạc cùng với bất kỳ điều nào sau đây:
- Đau ở mắt.
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc mờ mắt mà không cải thiện khi lau sạch chất dịch ra khỏi mắt.
- Mắt bị đỏ dữ dội.
- Các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc không cải thiện.
- Hệ thống miễn dịch bị suy yếu, ví dụ như do nhiễm HIV, điều trị ung thư hoặc các tình trạng hoặc phương pháp điều trị y tế khác.
- Trẻ sơ sinh có triệu chứng viêm kết mạc cần được bác sĩ khám ngay.
Mời độc giả xem thêm video:
Cách điều trị đau mắt đỏ do virus hoặc vi khuẩn | SKĐS