Thuốc ức chế dậy thì sớm: Dùng sao cho đúng?

03-07-2018 09:36 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Xu hướng dậy thì sớm ngày càng gia tăng ở trẻ em. Một số ít có thể là biểu hiện của bệnh lý, cần được điều trị đặc biệt.

Sử dụng thuốc điều trị dậy thì sớm như thế nào là điều mà rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, đây là thuốc không thể được dùng một cách tùy tiện...

Dậy thì sớm là gì?

Dậy thì là giai đoạn phát triển quá độ về sinh lý từ thời nhi đồng sang thời kỳ thành niên. Thời điểm dậy thì không phải tính từ khi xuất hiện kinh nguyệt hoặc có thể xuất tinh, mà tính từ khi cơ thể mọc lông mu, ngực, âm vật, dương vật phát triển.

Đối với trẻ gái, các dấu hiệu dậy thì thường bắt đầu từ 8 tuổi, còn nam là trước 9 tuổi. Như vậy, nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi đó sẽ được coi là dậy thì sớm.

Thuốc nào điều trị dậy thì sớm?

Nguyên tắc chung điều trị dậy thì sớm là điều trị nguyên nhân.

Dậy thì sớm được chia thành hai nhóm: Dậy thì sớm trung ương và dậy thì sớm ngoại biên.

Nguyên nhân dậy thì sớm ngoại biên ở trẻ trai và gái cũng khác nhau: Ví dụ ở trẻ trai có thể do tăng sản thượng thận bẩm sinh thiếu 21-hydroxylase và 11 beta - hydroxylase. Trong trường hợp này thì thuốc điều trị là hydrocortisone thay thế. Khi điều trị bằng hydrocortisone thì tuyến thượng thận sẽ giảm bài tiết androgen và có tác dụng ngăn ngừa dậy thì sớm.

Đối với dậy thì sớm trung ương (tức là có sự thành thục của trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục) thì thuốc điều trị là đồng vận của GnRH. Thuốc được chỉ định điều trị dậy thì sớm trung ương cả ở trẻ trai và trẻ gái đủ tiêu chuẩn chẩn đoán dậy thì sớm trung ương. Thuốc có tác dụng ức chế dậy thì do ức chế bài tiết các hormon LH, FSH của tuyến yên và steroid sinh dục, do đó có tác dụng ức chế hoàn toàn dậy thì.

Ngoài ra còn có nhóm thuốc ngăn cản tác dụng ngoại biên của các hormon sinh dục, các thuốc này khác nhau ở trẻ trai và trẻ gái dậy thì sớm ngoại biên.

Bệnh viện Nhi Trung ương đã và đang điều trị cho nhiều trẻ dậy thì sớm gồm cả điều trị dậy thì sớm ngoại biên (dậy thì sớm giả) và dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm thật). Dậy thì sớm ngoại biên ở trẻ trai do u vỏ thượng thận nam hóa thì phải điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u, do tăng sản thượng thận bẩm sinh thì phải điều trị thay thế bằng hydrocortisone; dậy thì sớm ngoại biên ở trẻ gái do u buồng trứng cũng cần chỉ định cắt bỏ u trong trường hợp có nguy cơ cao ác tính. Dậy thì sớm trung ương ở trẻ trai và trẻ gái do u não thì phải kết hợp điều trị u não. Đối với dậy thì sớm trung ương do nguyên nhân các bệnh lý như di chứng của viêm não, các dị tật não bẩm sinh, hoặc dậy thì sớm vô căn thì có thể điều trị bằng thuốc đồng vận GnRH.

Có nhiều thuốc điều trị dậy thì sớm, mỗi thuốc lại có các tác dụng phụ khác nhau. Riêng đối với đồng vận GnRH thì tác dụng phụ nhẹ, không kéo dài bao gồm: đau đầu, khó chịu, cảm giác nóng bừng.Tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm ở trẻ trai.

Tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm ở trẻ trai.

Những điều cần lưu ý

Thuốc ức chế dậy thì sớm phải được chỉ định bởi bác sĩ nội tiết nhi. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ quyết định điều trị dậy thì sớm dựa trên các tiêu chuẩn chỉ định chung và cân nhắc cá thể hóa đối với từng bệnh nhân, các yếu tố được cân nhắc cá thể hóa là: nguyên nhân của dậy thì sớm trung ương; tuổi bắt đầu xuất hiện dậy thì sớm (trẻ gái phát triển tuyến vú trước 8 tuổi; hoặc có kinh nguyệt trước 9 tuổi; lông mu trước 8 tuổi. Trẻ trai thể tích tinh hoàn tăng > 4ml trước 9 tuổi, lông mu trước 9 tuổi); tuổi đến khám vì dậy thì sớm; chiều cao dự báo; mức độ tiến triển: dậy thì sớm tiến triển nếu tiến triển từ 1 giai đoạn sang giai đoạn khác trong vòng từ 3-6 tháng; các bệnh lý kèm theo; yếu tố văn hóa và sở thích của từng gia đình.

Các hậu quả của dậy thì sớm trung ương bao gồm: đỉnh tăng trưởng sớm, lúc đầu làm chiều cao tăng nhanh, tuy nhiên cốt hóa xương nhanh gây ngừng lớn sớm và chiều cao ở tuổi trưởng thành thấp. Ước tính trẻ trai dậy thì sớm trung ương không điều trị chiều cao cuối cùng giảm khoảng 20cm và trẻ gái giảm khoảng 12cm. Phát triển tuyến vú sớm ở trẻ gái và dậy thì sớm ở trẻ trai gây lo lắng cho trẻ và bố/mẹ, tuy nhiên không có bằng chứng rõ ràng dậy thì sớm gây rối loạn tâm lý. Như vậy, điều trị ức chế dậy thì ở trẻ có dậy thì sớm trung ương vô căn có mục đích chính là tạm thời ngừng dậy thì trong khoảng thời gian nhất định để cải thiện chiều cao cuối cùng. Tác dụng cải thiện chiều cao rõ nhất ở nhóm trẻ xuất hiện dậy thì sớm và được điều trị trước 6 tuổi; tác dụng bắt đầu ít hiệu quả hơn ở trẻ dậy thì sớm và được điều trị lúc 6-8 tuổi. Sau đó thì tác dụng cải thiện chiều cao là rất hạn chế. Theo khuyến cáo quốc tế, thuốc ức chế dậy thì sớm trung ương không được khuyến cáo với mục đích chỉ để ngừng kinh nguyệt.

Trẻ dậy thì sớm phải được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa nội tiết nhi để xác định nguyên nhân và điều trị theo nguyên nhân, đối với các trường hợp không rõ nguyên nhân thì chỉ định điều trị ức chế dậy thì phải được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa, các bậc cha mẹ không nên gây áp lực cho các bác sĩ và không nên yêu cầu bác sĩ chỉ định điều trị chỉ để mục đích tạm ngừng vòng kinh.


BS. Vũ Chí Dũng
Ý kiến của bạn