Thuốc từ hoa gạo

20-05-2012 13:10 | Y học cổ truyền
google news

Hoa gạo còn gọi là mộc miên hoa. Trong hoa gạo có nhiều albumin và các chất gôm nhầy. Khi dùng tán bột mịn. Theo y học cổ truyền, hoa gạo có vị ngọt, nhạt, tính lương, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải thử.

(SKDS) - Hoa gạo còn gọi là mộc miên hoa. Trong hoa gạo có nhiều albumin và các chất gôm nhầy. Khi dùng tán bột mịn. Theo y học cổ truyền, hoa gạo có vị ngọt, nhạt, tính lương, có tác dụng thanh nhiệt lợi thấp, giải thử.

Dùng trị các bệnh đau loét dạ dày - tá tràng hoặc kiết lỵ, tiêu chảy; hoặc các bệnh thiếu máu nhược sắc, da xanh xao; các trường hợp rong kinh, đa kinh, hoặc mất máu sau phẫu thuật... Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 3 - 5g, quấy vào nước sôi để nguội uống. Hoặc lấy nguyên cả hoa khô sắc uống, ngày  20 - 30g, chia 2 lần uống trong ngày. Để trị lỵ, viêm ruột, dùng hoa gạo, kim ngân hoa, rễ phượng vĩ thảo (còn gọi là rễ seo gà), mỗi vị 15g, sắc uống, ngày 1 thang, uống liền nhiều thang tới khi các triệu chứng thuyên giảm. Trị đau dạ dày dùng hoa gạo 30g, rễ lưỡng phù trâm hay còn gọi là hoàng lực 6g, sắc uống, mỗi ngày một thang, uống 3 - 4 tuần lễ.

Vỏ thân cây gạo:

Theo y học cổ truyền, vỏ thân cây gạo có vị cay, tính bình, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết tiêu thũng. Lấy vỏ thân còn tươi  đem cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài, thái mỏng 30 - 50g, giã nát, thêm giấm thanh, hoặc đồng tiện, trộn đều rồi băng vào nơi bị bong gân, đau cơ. Ngày thay băng 2 lần; hoặc vỏ gạo 30g, lá bưởi bung tươi 50g, cắt nhỏ, giã nát, thêm giấm thanh hoặc đồng tiện, trộn đều, băng vào nơi đau. Cũng có thể gia thêm một số lá khác như ngải cứu, cúc tần, lá xoan chồi mỗi vị 30g, giã nát, rồi trộn đều với lòng trắng trứng gà để cho dính nhuyễn, băng chặt vào nơi bị bong gân, sưng cơ... Tuy nhiên, tùy từng trường hợp cụ thể mà sau khi xào nóng thuốc, rồi mới băng.

Rễ cây gạo tươi còn được dùng để trị các sang chấn gây ra bong gân, đau cơ. Ngoài ra, vỏ thân và rễ cây gạo còn được dùng dưới dạng khô, cạo bỏ lớp bần, thái mỏng, phơi khô 30g; hoặc phối hợp với rễ cây hoàng lực 6g, sắc uống để trị các bệnh viêm loét dạ dày mạn tính, kiết lỵ, lao hạch. Nhựa gôm chích từ thân cây gạo với liều 1-3g/ngày trị bệnh kiết lỵ, trị ho ra máu, rong kinh.

Tầm gửi cây gạo: Ở mỗi loại cây chủ,  tầm gửi lại cho tác dụng đặc hiệu của nó. Nói chung tầm gửi đều có tác dụng như trừ phong thấp, mạnh gân xương, an thai, lợi sữa, dùng trị các bệnh đau lưng, đau xương, đau khớp, đau dây thần kinh ngoại biên, động thai, tăng huyết áp... Qua kinh nghiệm sử dụng, người ta thấy nó còn có tác dụng tốt để trị viêm cầu thận mạn tính bằng cách sao vàng, sắc uống; hoặc phối hợp với câu đằng, mã đề, đồng lượng, sắc uống ngày 1 thang. Một liệu trình 3 - 4 tuần lễ, nghỉ một tuần lại uống tiếp.  

  GS. TS. Phạm Xuân Sinh


Ý kiến của bạn