Trong thiên nhiên, một số loại côn trùng dưới dạng nhộng trước khi biến thái thành cá thể trưởng thành đã được sử dụng làm thuốc phổ biến trong kho tàng y học dân gian.
- Nhộng ong: có hai loại được sử dụng là nhộng ong nuôi (ong mật) và nhộng ong vò vẽ. Nhộng ong nuôi có vị hơi ngọt, lạnh, không độc, có tác dụng sát khuẩn, chống tổn thương suy yếu nội tạng, ích khí, chống lão suy, làm nhan sắc tươi nhuận, da dẻ mịn màng. Nhộng ong nuôi dưới dạng sống hoặc tẩm bột và bơ rồi chiên vàng để làm thuốc bồi dưỡng, nâng cao thể lực. Nhộng ong nuôi 3 - 5 con, nghiền nát với ít đường trắng, ăn chữa xuất huyết; nếu phối hợp với tầng sáp 10g, sắc uống chữa ho gà. Nhộng ong vò vẽ: có thân mềm, màu trắng ngà, chứa nhiều acid amin, chất béo, vitamin, đường và muối khoáng. Dược liệu có vị ngọt, mặn, tính mát, có độc, tác dụng giảm đau, chống nôn, tăng lực, bền cơ. Nhộng ong vò vẽ 3 - 5g sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày chữa ngực bụng đau, nôn khan. Có thể sao vàng, tán bột, trộn với mật uống.
- Nhộng tằm: thu hoạch ở những kén đã chín vàng, thường dùng tươi, có thể phơi hay sấy khô. Nhộng tằm chứa nhiều protid, lipid, Ca, P, các vitamin và cung cấp 114 calo. Bột nhộng tằm có hàm lượng cao protid, 17 acid amin… 1kg nhộng tằm tươi có lượng protein tương đương với 0,35kg thịt lợn; 2,8 kg trứng gà.
Nhộng tằm. |
Nhộng tằm có tên thuốc là tàm dũng, có vị mặn, ngọt, bùi béo, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, nhuận tràng, mạnh gân xương. Nhộng tằm chứa nhiều canxi và phospho rất cần cho cơ thể đang lớn của trẻ, chống còi xương. Người già yếu, thận hư, liệt dương, đái són, đái nhiều lần, táo bón cũng nên dùng nhộng tằm thường xuyên. Thường cho nhộng vào cháo nóng, nhất là cháo nấu chim sẻ, chim cút (cho trẻ em) hoặc rang nhộng với hành mỡ hay xào nhộng với lá hẹ, mộc nhĩ, ăn với cơm (với người già yếu). Liều dùng hằng ngày: 50 - 100g, chia làm 2 - 3 lần.
Từ nguyên liệu nhộng tằm, hiện nay, trên thế giới và ở Việt Nam, người ta đã sản xuất ra một số chế phẩm dạng thuốc, thực phẩm chức năng có lợi cho sức khỏe.
Công ty sữa Việt Nam cũng đã thử nghiệm đưa acid amin từ nhộng tằm vào bột dinh dưỡng dùng cho trẻ em và người cao tuổi. Liên hiệp xí nghiệp dâu tằm tơ tận dụng nguồn chất béo và vitamin của nhộng tằm để chế kem dưỡng da.
Nhộng tằm 50g sao vàng, phối hợp với hồ đào 100g thái nhỏ, trộn đều, thêm nước, hấp cách thủy cho chín nhừ, ăn cái uống nước, chữa sa dạ dày. Nhộng tằm nấu với đường phèn còn chữa động kinh.
- Nhộng ve (ve sầu): còn gọi là ve sữa non, có thân mập ú, tròn múp, chưa mọc cánh và chân, căng đầy sữa non, màu nâu nhạt. Người ta thu hoạch nhộng ve bằng cách tìm vào những khu vườn hoặc khu rừng ẩm có nhiều cây to, rợp bóng râm mát mẻ, đất quanh gốc cây tơi, xốp, mềm. Lấy cuốc dọn nhẹ lớp lá khô trên mặt đất để lộ ra những lỗ tròn, nhỏ, đường kính khoảng 1,5 - 2cm. Dùng thuổng xắn xung quanh lỗ đến độ sâu 30 - 40cm, rồi bứng cả cột đất lên, bắt lấy nhộng đem về, nhúng nhộng vào nước ấm cho sạch đất cát rồi dùng ngay. Dùng sống, đem tẩm nhộng với bột, chiên giòn mà ăn hoặc ngâm nhộng vào rượu thuốc trong nhiều ngày mới uống. Nhộng ve là thuốc bổ cho người cao tuổi và trẻ nhỏ. Đàn ông tuổi trung niên dùng nhộng ve thấy cơ thể sung mãn, tinh lực dồi dào, thần khí mạnh mẽ.
DS. ĐỖ HUY BÍCH