Thuốc trừ sâu làm tăng nguy cơ tiểu đường

24-01-2017 17:16 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Các nhà nghiên cứu tại Đại học ở Buffalo (Mỹ) phát hiện ra rằng, các hóa chất tổng hợp thường có trong thuốc trừ sâu và sản phẩm làm vườn gắn với các thụ thể ảnh hưởng tới đồng hồ sinh học của chúng ta.

Nghiên cứu cho thấy, phơi nhiễm với thuốc trừ sâu tác động xấu tới truyền tín hiệu thụ thể melatonin, làm tăng nguy cơ các bệnh chuyển hóa như tiểu đường.

Được đăng trên tạp chí Chemical Research in Toxicology, nghiên cứu này kết hợp một phương pháp tiếp cận dữ liệu lớn, sử dụng mô hình máy tính trên hàng triệu hóa chất, với các thử nghiệm chuẩn. Nghiên cứu được tài trợ bởi Viện Khoa học sức khỏe môi trường thuộc Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ.

Nghiên cứu này tập trung vào hai hóa chất là carbaryl – loại hóa chất được dùng phổ biến trong thuốc trừ sâu ở Mỹ song bị cấm ở một số nước - và carbofuran –nhóm thuốc trừ sâu carbamate gây độc nhất bị cấm dùng trên thực phẩm cho người từ năm 2009.

“Chúng tôi thấy rằng cả hai loại thuốc trừ sâu này có cấu trúc tương tự như melatonin, cho thấy ái lực với melatonin, các thụ thể MT2, có thể tác động tới hằng định nội môi glucose và bài tiết insulin. Điều này có nghĩa là phơi nhiễm với chúng có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường và ảnh hưởng đến mô hình giấc ngủ”, Marina Popevska-Gorevski đồng tác giả nghiên cứu cho biết.

Bằng cách tương tác với các thụ thể melatonin trong não và các mô ngoại vi, các hóa chất môi trường như carbaryl có thể cản trở các quá trình sinh lý quan trọng dẫn tới thay đổi nhịp sinh học, mô hình giấc ngủ và chức năng chuyển hóa làm tăng nguy cơ các bệnh mạn tính như tiểu đường và các hội chứng chuyển hóa.

Các kết quả này cho thấy rằng, cần đánh giá các hóa chất môi trường về khả năng ảnh hưởng tới nhịp sinh học. Các nhà nghiên cứu đang phát triển một thử nghiệm nhanh có thể đánh giá tác động này.


BS P.Liên
Ý kiến của bạn