Ở trẻ em, bệnh viêm da cơ địa thường khởi phát rất sớm, đặc biệt trong giai đoạn hai tháng tuổi. Bệnh không nặng đến mức gây tử vong nhưng lại làm cho trẻ khó chịu với vòng luẩn quẩn “ngứa - gãi”. Để phá vỡ vòng luẩn quẩn này, trẻ cần được sử dụng thuốc, kem bôi đặc hiệu cũng như cần có những lưu ý chi tiết trong sinh hoạt hàng ngày.
Hậu quả của bệnh viêm da cơ địa trẻ em
Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, mẩn ngứa Besnier, Liken đơn dạng mạn tính... là bệnh biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Hiện nay, tỷ lệ mắc bệnh viêm da cơ địa tại nước ta ngày càng tăng cao, đặc biệt ở trẻ em. Viêm da cơ địa gây khó chịu tới người bệnh và hơn hết nếu không chữa trị kịp thời, bệnh sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng như có thể bị tái phát (mức độ thường xuyên tùy theo cơ địa của từng người), để lại sẹo gây mất thẩm mỹ, khiến trẻ mất tự tin khi giao tiếp với cộng đồng...
Cắt ngắn móng tay để trẻ gãi không bị xước, chảy máu trên da.
Các thuốc trị bệnh viêm da cơ địa
Để chữa bệnh viêm da cơ địa cho trẻ, các bậc cha mẹ cần rất thận trọng, có sự hợp tác chặt chẽ giữa thầy thuốc và gia đình. Bố mẹ của trẻ cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ với bé. Một số loại thuốc trị dứt điểm triệu chứng bệnh của trẻ bao gồm:
Thuốc dưỡng ẩm: Có nhiều loại thuốc dưỡng ẩm khác nhau như sữa làm dịu da emollients, bôi tại chỗ hoặc tắm toàn thân từ một đến hai lần mỗi ngày, thuốc bôi dạng nước eosin 2%. Ngoài ra còn nhiều loại dưỡng da khác như skinbibi, vaseline, atopalm, aderma exomega, physiogel, cetaphil... Đây là những kem dưỡng ẩm không có hóa chất tạo màu, tạo mùi, chất bảo quản nên dùng cho da em bé, da nhạy cảm rất tốt, có tác dụng chống khô da. Tùy từng đặc điểm của viêm da cơ địa mà bác sĩ chỉ định loại kem an toàn cho da trẻ. Tuy nhiên, điều cần chú ý là nên bôi kem thường xuyên để da luôn mềm mại thì mới có hiệu quả và làm giảm bớt tình trạng viêm da.
Mỡ steroid kết hợp kháng sinh: Thường dùng sản phẩm kết hợp (betamethason dipropionate với clotrimazole và gentamycin sulfate) hoặc lorinden A (flumethasone pivalate kết hợp với acid salicylic)... Mỡ steroid có tác dụng chống viêm và hỗ trợ các rối loạn da, được dùng trực tiếp tại vùng da cần trị liệu và được hấp thu ngay qua da nên có tác động nhanh hơn giúp da bớt ngứa, bớt đau... làm giảm gãi (vì gãi có thể gây rách da, trầy xước da, càng làm cho bệnh tình càng khó chịu hơn). Ban đầu liều lượng thuốc được sử dụng với hàm lượng nhỏ nhất và thường chỉ được sử dụng trong khoảng 1-2 tuần chứ không được dùng lâu hơn do những tác dụng phụ nguy hiểm của nó. Sau đó duy trì bôi mỡ tacrolimus và dưỡng ẩm thời gian dài để phòng bệnh tái phát. Kháng sinh trong thành phần của thuốc thường được sử dụng để chống nhiễm vi khuẩn tụ cầu trong trường hợp bội nhiễm. Loại thuốc này có thể ở dạng bôi hoặc uống. Đối với thuốc bôi, khi sử dụng thuốc cần lưu ý bôi một lớp nhẹ, vừa đủ để thuốc thấm hết vào phần da bệnh, không bôi nhiều, thành lớp dày thuốc để tránh thuốc dây lên mắt. Ngoài ra cũng không bôi thuốc vào vùng da bị tổn thương, băng ép hay trên diện rộng vì có thể gây tình trạng kích ứng da, khô da, viêm nang lông, viêm da bội nhiễm... Hơn nữa, loại thuốc này được sản xuất với nhiều hàm lượng khác nhau nên cha mẹ cần tuân thủ dùng thuốc đúng với chỉ định của bác sĩ điều trị.
Thuốc kháng histamin: Có thể dùng thuốc kháng histamin chống dị ứng và chống ngứa như: promethazin hydroclorid, clorpheniramin maleat, loratadin... Tuy nhiên, thuốc promethazin hydroclorid không được dùng cho trẻ đẻ non do thuốc thường rất dễ nhạy cảm với tác dụng ức chế hô hấp và kháng cholinergic ở thần kinh trung ương. Chính vì vậy, khi đưa trẻ đi khám bệnh, cha mẹ cần thông báo cân nặng khi sinh cho bác sĩ biết và lựa chọn thuốc phù hợp. Đối với clorpheniramin maleat, loratadin có nhiều dạng bào chế thì nên chọn dạng siro để trẻ dễ uống.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để chữa cho trẻ mắc viêm da cơ địa một cách có hiệu quả, bố mẹ bé cần hết sức cẩn thận do cơ thể của bé còn yếu, khả năng miễn dịch không cao nên cha mẹ cần tắm rửa, thay quần áo hàng ngày cho bé, không được mặc các áo có nỉ hoặc lông tránh tiếp xúc với da vì các chất liệu này dễ làm cho da bé bị tổn thương hơn. Nên sử dụng các loại kem, thuốc mỡ, hoặc thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ... Giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ, cắt ngắn móng tay, đeo găng trong khi ngủ vào ban đêm để hạn chế việc trẻ gãi dễ làm bệnh nặng thêm. Không nên lạm dụng máy điều hòa nhiệt độ quá nhiều vào mùa hè, không được để cho bé thay đổi nhiệt độ cơ thể một cách đột ngột. Không được sử dụng các loại xà phòng không rõ nguồn gốc và không ăn các loại thực phẩm gây phản ứng dị ứng.