Thuốc trị viêm xoang

30-10-2024 11:28 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Xoang tạo ra chất nhầy, giúp giữ ẩm bên trong mũi, bảo vệ chống lại bụi, chất gây dị ứng và chất ô nhiễm. Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng mô lót xoang, gây tắc nghẽn xoang…

1. Triệu chứng viêm xoang

Có nhiều nguyên nhân gây viêm xoang như virus, vi khuẩn, nấm mốc, phấn hoa… Các triệu chứng thường gặp của viêm xoang như:

  • Nghẹt mũi hoặc tắc nghẽn mũi gây khó thở bằng mũi.
  • Chất nhầy đặc màu xanh lá cây hoặc màu vàng chảy ra từ mũi (chảy nước mũi), hoặc chảy xuống phía sau cổ họng (được gọi là dịch mũi sau).
  • Đau, tức, sưng và nhạy cảm quanh hốc mũi, cảm giác tệ hơn khi cúi xuống.
  • Sốt
  • Đau đầu, có áp lực trong tai, ho và các triệu chứng khó chịu khác.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị hôi miệng, đau răng, cảm thấy rất mệt mỏi. Trong một số trường hợp hiếm gặp, viêm xoang không được điều trị có thể dẫn đến viêm màng não, áp xe não hoặc nhiễm trùng xương…

Cần lưu ý những gì khi sử dụng thuốc xịt mũi trị viêm xoang - Bệnh viện đa  khoa TTH Hà Tĩnh

Viêm xoang là tình trạng viêm hoặc sưng mô lót xoang, gây tắc nghẽn xoang…

2. Điều trị viêm xoang như thế nào?

Nhiều trường hợp viêm xoang có thể tự khỏi mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị y tế nào. Tuy nhiên, với những trường hợp thường xuyên mắc phải tình trạng này, việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra viêm xoang và thời gian kéo dài bao lâu…

2.1 Thuốc điều trị viêm xoang

Dưới đây là một số thuốc có thể lựa chọn dùng điều trị viêm xoang:

- Thuốc kháng sinh: Đối với trường hợp viêm xoang do vi khuẩn, bác sĩ có thể kê đơn dùng thuốc kháng sinh. Trường hợp viêm xoang cấp tính, thường dùng thuốc trong 10 - 14 ngày. Viêm xoang mạn tính, thời gian dùng thuốc có thể lâu hơn. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng với các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, không có tác dụng nếu viêm xoang do virus hoặc các vấn đề khác gây ra.

- Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau và hạ sốt có thể giúp ích cho bệnh viêm xoang, đặc biệt là các đợt cấp tính. Các thuốc thường dùng như ibuprofen, aspirin hoặc acetaminophen… Thực hiện theo hướng dẫn trên nhãn và không dùng quá 10 ngày. Một số người bị hen suyễn nhạy cảm với aspirin hoặc ibuprofen, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng loại thuốc này.

- Thuốc thông mũi: Các loại thuốc này có thể giúp làm giảm lượng chất nhầy trong xoang, tạm thời làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi.

+ Thuốc thông mũi tại chỗ (dạng xịt) như oxymetazoline, naphazoline... rất hiệu quả trong việc làm co tức thời các mô mũi bị sưng. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng các loại thuốc xịt này trong 2 đến 3 ngày liên tiếp, vì sử dụng kéo dài có thể gây ra tình trạng nghẹt mũi trở lại với các triệu chứng nghẹt mũi gia tăng.

+ Các loại thuốc thông mũi đường uống như phenylephrine, pseudoephedrine... dùng một mình hoặc có thể kết hợp với thuốc kháng histamin. Thuốc thông mũi toàn thân có tác dụng tương tự là làm giảm sưng niêm mạc mũi, thúc đẩy dẫn lưu xoang. Tuy nhiên, do nồng độ cao hơn có trong máu nên thuốc thông mũi toàn thân có nhiều khả năng gây ra tác dụng phụ hơn. Những tác dụng phụ này có thể bao gồm huyết áp cao, lo lắng, mất ngủ...

- Thuốc chống dị ứng kháng histamin: Thuốc kháng histamin có nhiều dạng (dạng xịt, viên nén hoặc xi-rô), có thể giúp làm giảm các triệu chứng dị ứng như hắt hơi, ngứa mắt, mũi, làm giảm nghẹt mũi, dịch nhầy. Bác sĩ có thể lựa chọn thêm loại thuốc này vào quá trình điều trị, đặc biệt là nếu có dị ứng. Các loại thuốc kháng histamin phổ biến bao gồm: Loratadine, chlorpheniramine, diphenhydramine…

Các loại thuốc kháng histamin mới hơn không gây buồn ngủ, gồm: Desloratadine, fexofenadine, cetirizine…

Thuốc kháng histamine dạng xịt mũi tại chỗ bao gồm: Azelastin, olopatadine…

- Steroid: Loại thuốc này có ở dạng thuốc xịt mũi dùng tại chỗ và thuốc uống (đường toàn thân).

+ Thuốc xịt mũi steroid có thể làm giảm tình trạng viêm mũi và sản xuất chất nhầy, giảm các triệu chứng nghẹt mũi, cải thiện tình trạng dẫn lưu xoang. Thuốc xịt mũi steroid không làm giảm các triệu chứng ngay lập tức, có thể cần sử dụng thường xuyên trong vài tuần mới có hiệu quả.

Sự kết hợp giữa việc rửa mũi và thuốc xịt mũi steroid sẽ mang lại hiệu quả cao hơn đối với nhiều bệnh nhân bị các vấn đề về mũi và xoang. Một số loại thuốc xịt mũi steroid bao gồm: Fluticasone, triamcinolone, flunisolide, budesonide…

Khi sử dụng đúng cách, thuốc xịt mũi steroid an toàn và hiệu quả, tuy nhiên, khô mũi và chảy máu là những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng các loại thuốc này.

+ Steroid toàn thân: Dùng để điều trị tình trạng viêm xoang và mũi nghiêm trọng. Những loại thuốc này có thể ở dạng viên hoặc xi-rô, cũng như tiêm vào cơ hoặc tĩnh mạch.

Steroid toàn thân là loại thuốc rất mạnh có thể giúp điều trị các tình trạng xoang và mũi. Tuy nhiên, thuốc có thể gây nhiều tác dụng phụ tiềm ẩn, bao gồm: Đục thủy tinh thể, huyết áp cao, tăng đường máu, thay đổi tâm trạng, kích ứng dạ dày, loãng xương, thay đổi thị lực…

Các mẹo sử dụng thuốc trị viêm xoang hiệu quả | Hapacol

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn steroid dạng xịt để giảm viêm xoang.

2.2 Cách khắc phục tại nhà

Mặc dù thuốc có thể giúp ích, nhiều trường hợp viêm xoang tự khỏi mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị y tế nào. Nếu bạn thường xuyên mắc phải tình trạng này, nhiều phương pháp khắc phục tự nhiên có thể làm giảm triệu chứng:

- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng (nơi bạn dành nhiều thời gian trong đó nhất).

- Hít hơi nước: Có thể hít hơi nước cảu vòi tắm hoa sen và ngồi trong phòng tắm, hoặc hít hơi nước từ một bát nước ấm (nhưng không quá nóng). Hơi nước làm dịu mũi bị tắc nghẽn và sưng tấy xoang.

- Sử dụng nhiệt ấm: Đặt một chiếc khăn ấm, ướt lên mặt, có thể làm giảm bớt áp lực xoang, giảm đau.

- Rửa mũi xoang: Đây là phương pháp điều trị tại nhà giúp rửa sạch xoang, tạm thời làm giảm các triệu chứng. Dùng bình rửa mũi neti làm theo hướng dẫn, giúp làm loãng chất nhầy và dễ thoát ra ngoài hơn.

Tuy nhiên, rửa mũi không an toàn cho tất cả mọi người. Không sử dụng biện pháp khắc phục này đối với những trường hợp:

  • Bị nhiễm trùng tai.
  • Lỗ mũi bị tắc hoàn toàn.
  • Đã phẫu thuật ở tai hoặc xoang.

- Uống nhiều nước: Giúp làm loãng chất nhầy, giúp giảm tắc nghẽn trong xoang.

- Nghỉ ngơi: Khi bạn bị nhiễm trùng xoang, hãy nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, giúp cơ thể phục hồi tốt.

2.3 Phẫu thuật trị viêm xoang

Trong trường hợp dùng thuốc không làm giảm các triệu chứng viêm xoang mạn tính, có thể cần phẫu thuật xoang. Tùy từng nguyên nhân gây viêm xoang bác sĩ sẽ lựa chọn thủ thuật phù hợp.

Các phẫu thuật xoang khác nhau bao gồm:

- Phẫu thuật nội soi xoang

- Phẫu thuật vách ngăn mũi

- Phẫu thuật nong xoang bằng bóng…

3. Lưu ý khi điều trị viêm xoang

- Theo dõi tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc điều trị viêm xoang đều có thể gây tác dụng phụ (tùy thuộc vào từng loại thuốc). Do đó, nếu gặp tác dụng phụ của thuốc, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý đúng, thích hợp.

- Đối với thuốc kháng sinh người bệnh cần dùng đúng liều, đủ thời gian quy định. Không tự ý tăng/giảm liều hoặc ngừng thuốc, trước thời gian khuyến cáo của bác sĩ. Sử dụng kháng sinh không đúng cách có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc, do đó những loại thuốc này phải được sử dụng cẩn thận và cân nhắc. Người bệnh không nên tự ý mua dùng.

- Đối với dạng thuốc xịt mũi cần sử dụng đúng theo hướng dẫn. Theo đó, nên xịt thuốc về phía thành bên của mũi (theo chiều ngang), thay vì dọc theo vách ngăn mũi ở giữa.

- Để phòng ngừa viêm xoang cần:

  • Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc của người khác.
  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trong mùa cảm lạnh và cúm, và cố gắng không chạm tay vào mặt.
  • Sử dụng biện pháp rửa mũi (thường xuyên rửa sạch khoang mũi, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với chất gây kích ứng)
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Ăn một chế độ ăn uống cân bằng
  • Ngủ đủ giấc
  • Tiêm đầy đủ các loại vaccine được khuyến nghị...

Mời độc giả xem thêm:

Viêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừaViêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

SKĐS - Viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm của xoang cạnh mũi, niêm mạc mũi. Để phòng bệnh viêm mũi xoang, người bệnh cần nâng cao thể trạng, tăng cường tập thể dục và lưu ý chế độ dinh dưỡng hợp lý.


DS. Thu Giang
Ý kiến của bạn