Thuốc trị viêm phế quản mạn tính

30-12-2022 15:11 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Thời tiết lạnh khô hiện tại là điều kiện rất thích hợp cho các bệnh lý hô hấp phát triển, trong đó có viêm phế quản mạn tính...

Viêm phế quản mạn tínhViêm phế quản mạn tính

SKĐS - Viêm phế quản mạn tính thuộc loại bệnh phế quản mạn tính tắc nghẽn. Nguyên nhân chủ yếu do nghiện thuốc lá...

1. Viêm phế quản mạn tính là gì?

Viêm phế quản mạn tính là viêm tăng tiết nhầy mạn tính của niêm mạc phế quản, gây ho và khạc đờm liên tục hoặc tái phát từng đợt từ ba tháng trở lên trong một năm và ít nhất là hai năm liền, trừ các bệnh gây ho, khạc mạn tính khác là giãn phế quản, lao phổi...

Tổn thương trong viêm phế quản mạn tính chủ yếu khu trú ở niêm mạc đường thở. Bệnh thường khởi phát do các đợt nhiễm trùng đường hô hấp, gây viêm, phù nề, tăng tiết và thắt hẹp đường thở. Khi không được điều trị phù hợp, hoặc các đợt nhiễm trùng đường hô hấp tái đi, tái lại nhiều lần, khi đó bệnh phát triển thành viêm phế quản mạn tính.

Hiện nay, tỷ lệ người mắc phải căn bệnh viêm phế quản đang ngày một gia tăng, đặc biệt là trẻ em và người lớn tuổi là những đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh.

Nếu không được điều trị sớm, viêm phế quản mạn tính có thể gây biến chứng nguy hiểm và khó điều trị.

Viêm phế quản mạn tính- Đâu là thuốc trị? - Ảnh 2.

Viêm phế quản mạn tính có thể gây nguy hiểm cho người bệnh.

2. Các triệu chứng của bệnh viêm phế quản mạn tính

- Ho, khạc đờm: Ho kéo dài nhiều ngày không khỏi hay khạc đờm đều là những triệu chứng viêm phế quản mãn tính trong giai đoạn đầu. Triệu chứng này có thể diễn ra liên tục hoặc theo từng đợt, đặc biệt ho nhiều khi giao mùa hay thời tiết thay đổi, kéo dài ít nhất 3 tháng, liên tục trong 2 năm.

Thông thường các cơn ho và tình trạng khạc đờm sẽ xuất hiện nhiều vào sáng sớm và tăng dần khi bệnh trở nặng.

- Thở khò khè: Thở khò khè là khi thở nghe có tiếng rít mạnh từ phổi. Đây là triệu chứng viêm phế quản mạn tính thường gặp nhất hiện nay. Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do hẹp đường thở trong phổi, khiến quá trình trao đổi không khí giữa phổi ra bên ngoài khó khăn hơn.

Do đó, ngay khi thấy các dấu hiệu thở khò khè của cơ thể, hãy nghĩ đến ngay bệnh viêm phế quản mạn tính để có cách điều trị hiệu quả nhất.

- Sốt: Có thể sốt nhẹ, kèm theo đó là tình trạng đau đầu, sổ mũi…

Viêm phế quản mạn tính- Đâu là thuốc trị? - Ảnh 3.

Người bệnh viêm phế quản mạn tính cần được khám và điều trị kịp thời tránh biến chứng xảy ra.

3. Điều trị thế nào?

3.1. Điều trị không dùng thuốc

- Bỏ hút thuốc lá: Thuốc lá được xem là một trong những tác nhân nguy hiểm gây ra bệnh viêm phế quản mãn tính nói riêng, và các bệnh lý về phổi nói chung, dẫn đến suy giảm chức năng của hệ hô hấp và thậm chí là ung thư phổi.

- Thường xuyên đeo khẩu trang, đồ bảo hộ khi tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường ô nhiễm, khói bụi để tránh nguy cơ xâm nhập của những tác nhân gây hại đến đường hô hấp.

- Tránh khói bụi độc hại.

- Tránh lạnh, giữ ấm cơ thể khi có thay đổi thời tiết lạnh.

- Tránh các yếu tố dị nguyên gây dị ứng.

- Điều trị dứt điểm tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.

- Tiêm phòng cúm hằng năm và tiêm phòng phế cầu...

3.2. Điều trị bằng thuốc

Các thuốc thường dùng trong điều trị viêm phế quản mạn tính là kháng sinh, thuốc giãn phế quản, thuốc chống viêm.

- Kháng sinh: Chỉ điều trị bằng kháng sinh trong các đợt nhiễm khuẩn có bằng chứng rõ ràng trên lâm sàng (sốt, ho khạc đờm đổi màu vàng, xanh, mủ; khó thở) và xét nghiệm (bạch cầu tăng, CRP tăng, procalcitonin tăng, nuôi cấy hoặc định danh được vi khuẩn gây bệnh...), hoặc dùng kháng sinh để dự phòng cho đợt cấp của những bệnh nhân suy hô hấp nặng hoặc suy giảm miễn dịch, có nguy cơ nhiễm trùng cao.

- Thuốc giãn phế quản: Loại thuốc này thường được dùng dưới dạng phun hít, có tác dụng nhanh trong việc làm thông thoáng đường thở, giúp bệnh nhân có thể hít thở dễ dàng hơn. Bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để sử dụng thuốc đúng cách, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

- Thuốc chống viêm: Tác dụng của các loại thuốc chống viêm là giảm sưng tấy đường dẫn khí giúp cho bệnh nhân giảm triệu chứng khó thở.

- Thuốc ho: Có thể sử dụng thuốc điều trị ho để tránh việc phế quản bị tổn thương và tránh mất ngủ do ho.

3.3. Phục hồi chức năng hô hấp

Đây là một điều hết sức quan trọng nhưng thường bị bỏ qua trong điều trị viêm phế quản mạn tính. Phục hồi chức năng hô hấp có thể thực hiện thông qua các bài tập đơn giản như tập ho, tập thở bụng...

Tăng cường vận động cơ thể như tập thể dục, đi bộ, bơi lội để cải thiện hoạt động tim mạch và hô hấp khi chưa có suy tim và suy hô hấp.

4. Lưu ý khi điều trị

Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn các phác đồ điều trị phù hợp. Trong điều trị viêm phế quản mạn tính cần lưu ý:

  • Không được tùy tiện dùng thuốc.
  • Tuyệt đối tuân thủ chỉ định và hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ.
  • Không được tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
  • Khi có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào cần báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử trí kịp thời, tránh hậu quả xấu có thể xảy ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Cước đầu ngón tay và cách khắc phục theo y học cổ truyền.

BS. Đặng Xuân Thắng
Đại học Y dược - Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Ý kiến của bạn