Viêm mũi do rất nhiều nguyên nhân gây ra như virut, vi khuẩn, nấm, yếu tố thuận lợi của môi trường như làm việc trong môi trường hóa chất độc hại, bụi bẩn...
Viêm mũi mùa hè là viêm niêm mạc mũi do môi trường (thay đổi nhiệt độ đột ngột khi sử dụng điều hòa, đi bơi và dị ứng hóa chất trong nước bể bơi...) do các yếu tố nêu trên tác động vào niêm mạc mũi gây sung huyết, phù nề, tăng xuất tiết niêm mạc mũi.
Người bệnh có cảm giác khô nóng mũi, có thể hắt hơi, sau đó 2 - 3 ngày xuất hiện chảy nước mũi, nước mũi thường có màu trắng đục kèm theo biểu hiện ngạt tắc mũi. Các triệu chứng này thường biểu hiện ở hai bên mũi và thường có một bên nặng hơn. Bệnh nhân có cảm giác đau rát dọc theo sống mũi và đau tức lên trán.
Đôi khi bệnh nhân ho khan hoặc ho có đờm. Loại viêm mũi này thường không sốt trừ trường hợp bội nhiễm vi khuẩn. Viêm mũi mùa hè thường là viêm mũi vận mạch hoặc viêm mũi dị ứng.
Phòng bệnh
Để tần suất viêm mũi mùa hè giảm, bản thân người bệnh phải tự phòng bệnh cho mình như giữ không để bị nhiễm lạnh, mang khẩu trang khi ra ngoài đường, tránh những tác nhân gây viêm mũi như đã nói trên...
Để điều trị bệnh viêm mũi mùa hè, trước hết, người bệnh cần loại trừ những yếu tố tác nhân gây viêm mũi: Giữ nhiệt độ điều hòa trong phòng không chênh nhiều so với nhiệt độ ngoài trời, hạn chế đi ra vào. Chọn những bể bơi có hệ thống lọc thường xuyên, ít sử dụng hóa chất...
Dùng thuốc trị viêm mũi mùa hè
Khi mắc bệnh viêm mũi, có thể dùng thuốc toàn thân. Uống thuốc chữa triệu chứng như đau rát mũi bằng thuốc giảm đau (nếu bị kích thích quá, tuy nhiên rất ít khi phải sử dụng). Uống kháng histamin H1, thường sử dụng loại không gây buồn ngủ như telfast, clarityn, zytec... Thuốc giảm ho dạng ức chế cơn ho (nếu ho nhiều vì ho ở đây chủ yếu là do kích thích).
Tại mũi, có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% để loại bỏ tác nhân gây viêm mũi.
Sử dụng thuốc kháng cholinergic xịt mũi ipratropium bromide, đây là một thuốc chủ vận b2 có tính chọn lọc cao và là thuốc an toàn thuộc nhóm này. Thuốc có tác dụng mạnh nên chỉ dùng khi cần thiết.
Thuốc có thể làm giảm các đợt viêm cấp, vì làm vi khuẩn Haemophilus influenzae ít dính vào tế bào biểu mô hô hấp nên hạn chế tình trạng bội nhiễm. Các tác dụng phụ của thuốc chủ vận b2 khi dùng đường uống hoặc tĩnh mạch xảy ra nhiều hơn khi dùng dạng hít. Tác dụng phụ thường thấy là gây nhịp tim nhanh (kích thích phản xạ đối với các thụ thể b1 ở tim), run, tăng đường huyết và giảm kali máu. Khi dùng lâu dài, cơ thể sẽ quen dần với những tác dụng phụ này.
Thần kinh đối giao cảm ở mũi chủ yếu chi phối bởi các đường dẫn khí lớn ở phổi. Thuốc kháng cholinergic ức chế tác động của acetylcholin được tiết ra ở đầu sợi đối giao cảm trên cơ trơn. Do vậy, thuốc kháng cholinergic ít có tác dụng trên người bình thường mà chỉ thể hiện tác dụng trên những bệnh nhân cơ địa dị ứng dưới tác động của kích thích đối giao cảm. Thuốc có hoạt tính tại chỗ và kém được hấp thu qua phổi và đường tiêu hóa nên thường được dùng dưới dạng xịt mũi.
Ipratropium bromid tỏ ra thích hợp để điều trị thường qui vì tác dụng khởi phát tương đối chậm và kéo dài hơn so với các thuốc chủ vận b2 khác: tác dụng đạt được 50% sau 3 phút, 80% sau 30 phút và đạt tối đa sau 1 - 2 giờ, đồng thời kéo dài đến 6 giờ. Ngoài ra, ipratropium bromid ít được hấp thu nên không thấy độc tính toàn thân. Tuy nhiên, thuốc không nên dùng dài hạn vì sẽ bị nhờn thuốc.
Ngoài ra, trong điều trị viêm mũi mùa hè, có thể sử dụng corticoid xịt mũi cũng như sử dụng một đợt ngắn thuốc co mạch tại chỗ (không quá 5 ngày) hoặc thuốc kháng histamin.
TS. Phạm Thị Bích Đào