Hà Nội

Thuốc trị viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nặng

13-04-2022 10:54 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm mũi dị ứng là bệnh thường gặp, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa, khiến bệnh nhân rất khó chịu. Bài viết dưới đây hướng dẫn cách sử dụng thuốc an toàn kiểm soát các triệu chứng viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nặng…

1. Các thuốc điều trị triệu chứng viêm mũi dị ứng nhẹ

1.2 Kháng histamin

Với triệu chứng viêm mũi dị ứng nhẹ được điều trị bằng các thuốc kháng histamin thế hệ 2 đường uống như loratadin, cetirizin hydroclorid, fexofenadin, acrivastin... Thuốc có tác dụng giúp giảm ngứa, giảm hắt hơi và chảy nước mũi do viêm mũi dị ứng. Thuốc không làm giảm triệu chứng nghẹt mũi, do vậy nên dùng thuốc kết hợp với glucocorticoid hoặc thuốc trị nghẹt mũi sẽ giúp hiệu quả điều trị triệu chứng tốt hơn.

Thuốc trị viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nặng - Ảnh 1.

Nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi... là những triệu chứng khá khó chịu ở người bị viêm mũi dị ứng.

Đối với dạng thuốc xịt mũi, khi dùng nên giữ đầu thẳng khi xịt thuốc để thuốc không xuống họng và tránh gây ra sự khó chịu ở miệng. Thuốc kháng histamine dạng xịt azelastine chỉ được dùng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên. Thuốc xịt olopatadine chỉ được dùng ở trẻ em trên 12 tuổi, vì độ an toàn và hiệu quả của nó chưa được đánh giá ở trẻ nhỏ.

1.2. Thuốc trị nghẹt mũi

Các thuốc trị nghẹt mũi dạng phối hợp với kháng histamine và pseudoephedrine, phenylephrin dùng đường uống giúp giảm triệu chứng nghẹt mũi. Tuy nhiên thuốc có thể gây tăng huyết áp, nên không thích hợp dùng cho bệnh nhân có tăng huyết áp và một số bệnh nhân tim mạch.

Thuốc nhỏ mũi như xylometazolin giúp giảm nghẹt mũi nhanh nhưng không được khuyến cáo dùng thường xuyên trong viêm mũi dị ứng, vì có thể gây hiệu ứng ngược, không sử dụng thuốc kéo dài quá 7 ngày (làm tình trạng nghẹt mũi nặng lên và khó điều trị).

1.3. Thuốc chống viêm glucocorticoid dạng xịt

Thuốc này thường được đánh giá là hiệu quả hơn thuốc kháng histamine trong điều trị viêm mũi dị ứng. Ở bệnh nhân có triệu chứng dị ứng nhẹ, thuốc được chỉ định dùng khi biết trước sẽ phải tiếp xúc với tác nhân dị ứng (ví dụ như dị ứng phấn hoa, khói bụi).

Để thuốc phát huy hiệu quả cao nhất, nên bắt đầu dùng thuốc từ 2 ngày trước khi tiếp xúc dị nguyên. Sau đó tiếp tục dùng trong thời gian tiếp xúc đến 2 ngày sau khi hết tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Một số glucocorticoid dạng xịt được FDA chấp thuận sử dụng cho trẻ 2 tuổi trở lên như: Mometasone furoate, fluticasone furoate, triamcinolone acetonide...

Thuốc được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không tự ý mua thuốc về dùng.

1.4. Thuốc xịt mũi natri cromolyn

Đây cũng là thuốc dự phòng viêm mũi dị ứng khi tiếp xúc tác nhân gây dị ứng. Thuốc có tác dụng giúp làm giảm nghẹt mũi, giảm chảy nước mũi và ngăn nước mũi chảy ngược vào họng; giảm ngứa và hắt hơi, do dị ứng theo mùa, dị ứng với các tác nhân như khói bụi, lông vật nuôi, phấn hoa...

Nên dùng thuốc trước khi tiếp xúc với môi trường có tác nhân gây dị ứng. Thời gian lý tưởng nhất là dùng trước khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng 30 phút.

Natri cromolyn phù hợp với việc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng thời gian ngắn (tối đa là vài giờ). Nếu việc tiếp xúc kéo dài, thì nên dùng từ 4-7 ngày trước khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng.

Dùng natri cromolyn xịt vào lỗ mũi, cứ cách nhau khoảng 4-6 giờ một lần, không dùng quá 6 lần/ngày. Sử dụng natri cromolyn mỗi ngày cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm và người bệnh không tiếp xúc với chất gây dị ứng nữa hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Trước khi xịt thuốc, cần vệ sinh mũi sạch sẽ để bảo đảm mũi - xoang không có dịch mũi (ngăn cản thuốc đi sâu vào trong). Nếu mũi bị tắc, nên dùng thuốc giúp thông mũi trước khi xịt natri cromolyn. Sau khi xịt thuốc, cần hít thật sâu để thuốc đi sâu vào trong mũi.

Mặc dù việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng nhẹ của viêm mũi dị ứng không quá phức tạp và hầu hết là thuốc không cần kê đơn, nhưng rất cần cẩn trọng. Nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.

2. Điều trị viêm mũi dị ứng nặng, kéo dài

Các triệu chứng thông thường của viêm mũi dị ứng thường diễn ra trong vài ngày hoặc 1 tuần rồi hết. Với những người có triệu chứng nặng, tình trạng chảy nước mũi, ngứa, nghẹt thở, đỏ mắt, chảy nước mắt, hắt xì liên tục, thậm chí là cảm thấy tức ngực, khó thở, mệt mỏi… Mặc dù tình trạng này cũng không đặc biệt nghiêm trọng nhưng nếu để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng sống của bênh nhân. Thậm chí có trường hợp gặp biến chứng khá nguy hiểm.

Thuốc trị viêm mũi dị ứng từ nhẹ đến nặng - Ảnh 3.

Người có cơ địa dị ứng dễ mắc viêm mũi dị ứng, nhất là vào mùa xuân.

2.1. Thuốc chống viêm glucocorticoid

Ở những trường hợp này, việc sử dụng glucocorticoid dạng xịt là lựa chọn hợp lý và hiệu quả nhất. Các thuốc glucocorticoid với sinh khả dụng thấp, dùng 1 lần/ngày như mometasone furoate, fluticasone furoate, được ưu tiên sử dụng ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Fluticasone propionate được chấp thuận cho trẻ em từ 4 tuổi.

Nên sử dụng loại thuốc xịt kết hợp glucocorticoid và kháng histamine, hiệu quả có thể cao hơn so với việc dùng đơn thuần 1 thuốc, đặc biệt là ở các triệu chứng tái phát. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng thuốc phối hợp dạng xịt, không nên dùng kháng histamin thế hệ 2 dạng uống với glucocorticoid dạng xịt, bởi hiệu quả không cao hơn mà tác dụng phụ lại nhiều hơn.

2.2. Kết hợp giảm tắc nghẽn xoang với kháng histamin thế hệ 2

Thuốc kháng histamin thế hệ 2 kết hợp với thuốc pseudoephedrine (giảm tắc nghẽn mũi - nghẹt mũi, giảm tắc nghẽn xoang) giúp giảm triệu chứng tốt hơn so với dùng đơn độc kháng histamin. Tuy nhiên tác dụng phụ của pseudoephedrine sẽ giới hạn đối tượng sử dụng, do đó cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.

2.3. Thuốc kháng leukotriene

Có tới 40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể đồng thời mắc bệnh hen suyễn. Do đó, thuốc kháng leukotriene như montelukast được sử dụng trong trường hợp này sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.

2.4. Thuốc nhỏ mắt

Do viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng có thể đồng mắc. Trường hợp này khi dùng kết hợp thuốc xịt mũi glucocorticoid và thuốc kháng histamin nhỏ mắt (epinastine, azelastine, emedastine hoặc olopatadine) là sự lựa chọn đầu tiên. Không nên sử dụng thuốc dạng uống. Việc bổ sung thuốc kháng histamin nhỏ mắt có hiệu quả hơn và ít gây khô mắt hơn so với việc bổ sung kháng histamine đường uống.

Việc dùng thuốc đúng với độ tuổi là điều đáng lưu tâm nhất. Mặc dù có thể loại thuốc giống nhau nhưng nồng độ (hàm lượng) thuốc dùng cho trẻ nhỏ và người lớn là khác nhau. Nhiều phụ huynh hoặc do không biết hoặc có biết nhưng sơ ý dùng nhầm thuốc của người lớn sang cho trẻ, điều này sẽ gây hại, thậm chí là nguy hiểm cho bé.

Mời độc giả xem thêm video:

Nhiều trường mầm non chuẩn bị sẵn sàng sàng đón trẻ đi học lại từ 12.4

DS.Nguyễn Minh Thành
Ý kiến của bạn