Viêm loét niêm mạc miệng là chứng bệnh khá phổ biến trong tổn thương niêm mạc miệng, biểu hiện bằng những đốm loét nhỏ dưới 1cm, hình bầu dục hoặc tròn có bờ màu đỏ, ở phía trong niêm mạc miệng. Bệnh gây đau đớn ảnh hưởng đến ăn uống sinh hoạt nên cần được điều trị kịp thời.
Vì sao viêm loét miệng?
Viêm loét miệng là loại bệnh thường gặp, nhiều người từng bị bệnh này. Viêm loét làm miệng lưỡi đau đớn, rất khó chịu, đôi khi còn gây sốt. Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét niêm mạc miệng bao gồm: bỏng nhiệt do ăn uống thức ăn quá nóng, tổn thương hay gặp ở vòm miệng, chỗ cung răng hàm trên. Do tác động của các chất hóa học như axít, nước vôi, nước súc miệng quá đậm đặc, dùng nhiều kem đánh răng nhưng súc miệng chưa kỹ... Nhiễm khuẩn nhiều loại vi khuẩn gây viêm loét lợi răng hoại tử cấp tính quanh ổ răng. Nhiễm virut, viêm miệng do virut Herpes với triệu chứng là mụn nước lan rộng rồi tạo thành vết loét, gặp ở môi, mép, niêm mạc miệng, có thể có sốt, viêm họng, nổi hạch. Viêm loét miệng do nhiễm nấm...Ban đầu, bên trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to, hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét to dần gây đau, khó chịu, ăn uống kém. Nếu không có biến chứng, vết loét tự lành sau 10 - 15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự.
Loét miệng gây đau đớn và hạn chế ăn uống.
Dùng thuốc điều trị viêm loét miệng
Do chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh viêm loét miệng nên việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, nhằm giảm số lượng và kích thước của vết loét, giảm đau, giảm thời gian lành thương, giảm khả năng tái phát.
Thuốc bôi tại chỗ và súc miệng
Một số thuốc có bản chất là thuốc tê có thể được chỉ định dùng tại vết loét dưới dạng gel, thuốc bôi dạng dầu hoặc dung dịch. Có thể sử dụng một số thuốc sau đây: dùng nitrate bạc bôi trực tiếp lên tổn thương. Thuốc làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3 - 5 ngày. Có thể dùng kem bôi có chứa triamcinolone acetonide hoặc amlexanox (aphthasol); Gel 2% lidocaine dùng bôi chỗ loét cũng cho tác dụng tốt. Cách khác là nên sử dụng debacterol là phức hợp phenol sulfonate với sulfuric acid có tác dụng tương tự nitrate bạc. Đây là một hình thức đốt tiêu hủy vết loét bằng hóa chất. Cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 - 5 ngày. Thuốc bán theo toa và chỉ được dùng bởi nha sĩ hoặc bác sĩ. Loại dung dịch súc miệng sát khuẩn chlorhexidine (cyteal, eludril) giúp mau lành loét.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, không nên súc miệng với nước muối tự pha quá mặn sẽ tăng kích thích đau nhiều hơn.
Trong trường hợp bệnh nhân bị loét thường xuyên thì nên súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương. Dung dịch tetracycline có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Lưu ý: khi dùng thuốc bôi, nên bôi thuốc vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để vừa có tác dụng kháng viêm mà vừa có tác dụng giảm đau, bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
Thuốc uống
Trong trường hợp có bội nhiễm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh viêm loét miệng dùng kháng sinh. Kháng sinh kết hợp hoạt chất sunfamethoxazon và trimethoprim có tác dụng tốt trong điều trị bệnh nhiệt miệng. Trường hợp có vết loét to và tồn tại dai dẳng gần như thường xuyên ở trong má, phải kết hợp uống thêm kháng sinh đặc hiệu vùng răng miệng là sự kết hợp spiramycin và metronidazol.
Nếu có bội nhiễm nấm tại chỗ thì cần uống thêm thuốc kháng nấm (kết hợp bôi thì càng tốt) như fluconazol, itraconazol hoặc nistatin.
Khi có chẩn đoán viêm loét miệng do virut thì người bệnh cần dùng thuốc kháng virut như: acyclovir, famciclovir, alcyclovir...
Đối với trường hợp rất nặng, bác sĩ có thể xem xét cho dùng corticosteroid đường uống. Tuy nhiên không nên dùng dài ngày và cần đề phòng tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng cân, suy giảm miễn dịch, xương giòn dễ gãy, tăng tiết acid dẫn đến loét dạ dày...
Người bệnh loét áp-tơ cần được bổ sung vitamin PP, vitamin B12, vitamin C, viên sắt và folic acid, hoặc vitamin tổng hợp trong thời gian ngắn để nâng cao thể trạng và thúc đẩy vết loét nhanh lành.
Lưu ý: việc dùng thuốc Tây y cũng chỉ nhằm giảm triệu chứng và có thể bị các dụng phụ, vì vậy người bệnh viêm loét miệng có thể tham khảo các phương cách chữa viêm loét miệng của dân gian bằng các cây lá trong nhà dễ thực hiện đồng thời cho hiệu quả tốt và an toàn cho người bệnh như: ngậm nước trà tươi, rau dấp cá, húng chanh... là các chất chát, có tác dụng kháng khuẩn, kháng virut, làm săn da, khử mùi hôi giúp các vết loét chóng lành. Khế tươi giã nát, đổ ngập nước sôi vào đun sôi một lúc, chờ nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Nước khế chua giúp thanh nhiệt, giảm đau. Lá rau ngót rửa sạch, giã nát, ép lấy nước cốt, hòa với ít mật ong và bôi trực tiếp vào chỗ sưng đau, lở loét 2 - 3 lần/ngày. Lá rau ngót có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, lợi tiểu, giải độc. Cần rửa sạch các loại rau quả trước khi ứng dụng.