Điều trị loét dạ dày tá tràng phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Thông thường việc điều trị sẽ liên quan đến việc tiêu diệt vi khuẩn H. pylori (nếu có), loại bỏ hoặc giảm sử dụng NSAID hoặc/và làm lành vết loét… Các thuốc trị viêm loét dạ dày- tá tràng gồm các nhóm sau:
Thuốc kháng acid
Thuốc kháng acid có tác dụng trung hòa acid dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tạo niêm mạc. Tác dụng của thuốc là giảm đau nhanh chóng nhưng ngắn, nên chỉ là thuốc điều trị cắt cơn đau (triệu chứng) và không được sử dụng để chữa lành vết loét.
Thuốc kháng acid được bác sĩ kê đơn trong toa thuốc điều trị cho người bệnh, gồm các thuốc chứa magnesi hydroxyd, nhôm hydroxyd… Dùng thuốc kháng acid tốt nhất là sau bữa ăn 1 - 3 giờ và trước khi đi ngủ, 3 - 4 lần (hoặc nhiều hơn) trong một ngày.
Tác dụng phụ của thuốc có thể bao gồm táo bón hoặc tiêu chảy, tùy thuộc vào thành phần chính của thuốc, ví dụ: thuốc kháng acid chứa magnesi có tác dụng nhuận tràng (tiêu chảy), ngược lại thuốc chứa nhôm có thể gây táo bón. Vì vậy, các chế phẩm kháng acid chứa cả hai muối magnesi và nhôm có thể làm giảm tác dụng không mong muốn trên ruột của hai thuốc này.
Các chất ức chế bơm proton sẽ làm giảm acid dạ dày.
Thuốc giảm tiết acid
Các thuốc giảm tiết acid thường dùng là thuốc kháng histamin H2 và thuốc ức chế bơm proton-PPI (ngăn chặn sản xuất acid)
Thuốc làm giảm sản xuất acid: Làm giảm lượng acid dạ dày giải phóng vào đường tiêu hóa, giúp giảm đau và chữa lành vết loét. Các thuốc giảm sản xuất acid (kháng histamine H2) có sẵn dưới dạng kê đơn hoặc không kê đơn, bao gồm: Ranitidine, famotidine, cimetidine và nizatidine. Trên thị trường, các thuốc này cũng được sản xuất dưới nhiều tên thương mại khác nhau.
Tác dụng của thuốc sẽ phụ thuộc vào liều lượng dùng. Trước khi dùng phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư. Khi dùng thuốc có thể gây tiêu chảy và các rối loạn tiêu hóa khác; nhức đầu, chóng mặt, phát ban là các bất lợi có thể gặp. Nhóm này cũng làm giảm hấp thu một số thuốc như kháng sinh (penicilin V), thuốc chống nấm (ketoconazol, itraconazol…), vì vậy, cần thông báo cho bác sĩ biết về những thuốc mình đang sử dụng để có được lời khuyên cần thiết.
Thuốc ngăn chặn sản xuất acid (thuốc ức chế bơm proton-PPI): Làm giảm acid dạ dày bằng cách ngăn chặn hoạt động của các bộ phận sản xuất acid vào dạ dày. Những loại thuốc này bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn như omeprazole, lansoprazole, rabeprazole, esomeprazole và pantoprazole.
Các tác dụng phụ của PPI như đau đầu, tiêu chảy, táo bón và khó chịu ở bụng là những bất lợi nhẹ và dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng PPI và một số tác dụng phụ nghiêm trọng như: Làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột, tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và gãy xương, ảnh hưởng đến hấp thu một số vitamin (vitamin B12), khoáng chất (sắt-gây thiếu máu thiếu sắt) và thuốc (làm giảm hấp thu thuốc chống nấm ketoconazole). Việc ức chế sản xuất acid làm tăng pH dạ dày và làm bất hoạt pepsin, ức chế sự tiêu hóa và thoái hóa peptide và gây ra phản ứng dị ứng ở ruột non… Những bất lợi này đang là mối quan tâm lớn đối với bệnh nhân và bác sĩ.
Nhóm kháng sinh
Nếu vi khuẩn H. pylori được tìm thấy trong đường tiêu hóa, bác sĩ sẽ phải kê đơn thuốc kháng sinh cùng với các thuốc điều trị khác để diệt vi khuẩn. Các kháng sinh có thể bao gồm: Amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, levofloxacin…
Phác đồ điều trị có thể 3 thuốc hoặc 4 thuốc (tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh). Ví dụ phác đồ 3 thuốc gồm: Một thuốc ức chế bơm proton và 2 kháng sinh (amoxicilin với clarithromycin hoặc metronidazol)... Đây là phác đồ phổ biến nhất, đạt hiệu quả cao, đơn giản, sẵn có và chi phí hợp lý. Trong trường hợp ổ loét tái phát nhiều lần, có nhiều ổ loét hoặc ổ loét to hoặc trường hợp không đáp ứng với phác đồ 3 thuốc thì phải dùng phác đồ 4 thuốc gồm thuốc ức chế bơm proton, muối bismuth và 2 kháng sinh.
Bất lợi thường gặp khi dùng có thể từ nhẹ đến nặng như rối loạn tiêu hóa (đi sống phân, ăn uống không tiêu, đầy bụng, đau bụng, hoặc tiêu chảy, táo bón… hay gặp với tất cả các loại kháng sinh trên); nôn, buồn nôn; mất vị giác hoặc cảm thấy đắng trong miệng (clarithromycin) hoặc thấy miệng có vị kim loại (metronidazole); chóng mặt, nhức đầu; nước tiểu sẫm màu (metronidazole)… Ngoài ra, một số kháng sinh có thể gây dị ứng ở các mức độ khác nhau như ban đỏ, ban dát sần, nổi mề đay đến sốc phản vệ hoặc hội chứng Stevens- Johnson…
Dùng nhiều thuốc đồng nghĩa với nguy cơ bất lợi do thuốc có thể xảy ra nhiều hơn.
Nhóm thuốc bảo vệ
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày, gồm sucralfate, misoprostol, các muối bismuth.
Các muối bismuth: Có tác dụng bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày do làm tăng tiết dịch nhày; bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét, tạo chelat với protein, làm thành hàng rào bảo vệ ổ loét chống lại sự tấn công của acid và pepsin và diệt vi khuẩn H.Pylori (khi phối hợp với các thuốc khác như kháng sinh, thuốc ức chế bơm proton)… Khi dùng thuốc có thể gây buồn nôn, nôn; đen miệng, đen lưỡi, đen phân (nhưng không nguy hiểm).
Misoprostol: Có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Khi dùng với liều ngăn chặn tiết acid dạ dày, misoprostol có tác dụng lành vết loét dạ dày có hiệu quả như những thuốc đối kháng H2; tuy nhiên, tác dụng giảm đau do loét và lành loét tá tràng của misoprostol không được chắc chắn. Hiện nay thuốc này được dùng chủ yếu để dự phòng loét thường xảy ra trong khi điều trị dài hạn thuốc chống viêm không steroid. Thuốc có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đầy hơi; nhức đầu, buồn nôn, nôn… Những vấn đề này phát triển trong vài tuần đầu điều trị và ngừng sau khoảng một tuần. Có thể làm giảm khả năng tiêu chảy bằng cách uống misoprostol cùng với thức ăn, vào lúc đi ngủ và tránh dùng cùng một lúc với các thuốc chống acid chứa magnesi. Vì những tác dụng không mong muốn này thường từ nhẹ đến vừa và hết sau ít ngày, đa số người bệnh có thể tiếp tục dùng misoprostol. Trong trường hợp những tác dụng đó kéo dài (quá 8 ngày) hoặc tiêu chảy nặng, co cứng cơ và/hoặc buồn nôn, cần phải đi khám.
Sucralfat: Là thuốc chủ yếu có tác dụng tại chỗ, gắn với protein xuất tiết tại ổ loét, bao phủ vết loét, bảo vệ ổ loét khỏi bị tấn công bởi acid dịch vị, pepsin và acid mật. Uống thuốc 1 giờ trước các bữa ăn và trước khi đi ngủ, trong 4- 8 tuần. Tuy nhiên thuốc có thể gây táo bón, tiêu chảy, chóng mặt, đau đầu…